1. Nguyên liệu cần chuẩn bị cho cách làm bánh trung thu bằng nồi cơm điện
- 365 gram bột mì
- 250 ml nước đường
- 15 gram bột điều màu
- 15 gram bột nghệ
- 15 gram bột matcha
- 15 gram bột cacao
- 90 gram Shortening
- 100 gram đậu xanh không vỏ
- 20 gram đường trắng
- 1 ống vani
- 1/2 muỗng cà phê bột sả
- 1/2 muỗng cà pê bột tỏi
- 1/2 muỗng cà phê bột quế
- 20 ml dầu dừa
- 1 muỗng cà phê bột mì
- 25 gram lạp xưởng
- 25 gram mứt hạt sen
- 25 gram mứt bí
- 25 gram hạt dưa
- 25 gram hạt bí
- 25 gram hạt điều
- 25 gram mè rang
- 25 gram mỡ đường
- 1 muỗng cà phê lá chanh
- 1 muỗng cà phê bột ngũ vị hương
- 15 gram bột bánh dẻo
- 2 cái lòng đỏ trứng muối
2. Hướng dẫn cách làm bánh trung thu bằng nồi cơm điện
2.1. Làm nhân đậu xanh
- Đậu xanh mua về đem vo sạch, sau đó cho vào nước ngâm khoảng 2 đến 3 tiếng cho nở mềm. Tiếp đó, trút đậu xanh vào máy sinh tố xay nhuyễn. Bắc nồi lên bếp, cho đậu xanh cùng 100 ml nước lọc và 20 gram đường vào nấu chín. Sau đó múc hỗn hợp đậu xanh vào chảo, thêm vào 1 ống vani, 1/2 muỗng cà phê bột sả, 1/2 muỗng cà phê bột tỏi và 1/2 muỗng cà phê bột quế, điều chỉnh lửa nhỏ và sên khoảng 10 phút cho hỗn hợp sệt lại.
- Tiếp đó thêm vào 20 ml dầu dừa rồi sên thêm 10 phút nữa thì cho 1 muỗng canh bột mì đã pha với 2 muỗng canh nước lọc vào. Hạ lửa thật nhỏ và sên đậu đến khi khô ráo và không còn dính thì đạt. Bắc chảo xuống bếp, đợi đậu xanh bớt nóng thì dùng màng bọc thực phẩm bao lại để nhân đậu không bị khô.
2.2. Làm nhân thập cẩm
- Trước tiên đem các nguyên liệu làm nhân thập cẩm đi sơ chế: lạp xưởng cắt hạt lựu, mứt hạt sen, hạt điều, hạt bí đao cắt nhỏ. Sau đó cho những nguyên liệu này vào nồi cùng hạt bí, hạt dưa, hạt mè rang, mỡ đường, lá chanh, trộn đều và sên lửa nhỏ đến khi mỡ đường chuyển sang màu trong.
- Tiếp đó, thêm vào 35 ml sốt ướp nhân thập cẩm, trộn đều khoảng 5 phút thì thêm vào 15 gram bột bánh dẻo. Tiếp tục sên khoảng 5 phút nữa cho hỗn hợp kết dính lại với nhau thì tắt bếp.
- Khi nhân đậu xanh và nhân thập cẩm đã hoàn thành, bạn cho cả hai loại ra đĩa và chia mỗi loại nhân thành hai phần bằng nhau. Nhân đậu xanh thì vo viên tròn. Còn với nhân thập cẩm thì cho trứng muối vào giữa rồi mới viên tròn.
2.3. Hướng dẫn làm vỏ bánh nhiều màu
- Chuẩn bị 5 tô nhỏ, tô đầu tiên cho vào 15 gram bột điều, tô thứ hai là 15 gram bột nghệ, tô thứ ba là 15 gram bột matcha, tô thứ tư là bột ca cao và tô cuối cùng là bôt mì đa dụng. Sau đó ở mỗi tô thêm vào 50 ml nước đường và khuấy đều.
- Tiếp theo, chuẩn bị thêm 5 tô nhỏ nữa, mỗi tô cho vào 70 gram bột mì cùng 18 gram shortening (mỡ trừu), khuấy đều rồi cho lần lượt hỗn hợp bột màu và nước đường vừa pha ở trên vào để tạo màu sắc cho vỏ bánh. Nhồi bột bằng các thao tác gấp nhẹ để tạo thành hỗn hợp đồng nhất và không còn dính là đạt.
- Ở vỏ bánh màu điều, bột nghệ, bột matcha và bột mì màu trắng thì chia thành hai khối nhỏ, một khối sẽ có trọng lượng khoảng 80 gram, khối còn lại dùng để trang trí cho vỏ bánh. Còn riêng với khối bột cacao bạn giữ nguyên để làm chiếc bánh không nhân nhé.
- Vo vỏ bánh thành viên tròn, ấn dẹp rồi cho nhân đậu xanh hoặc nhân thập cẩm trứng muối vào. Tùy vào sở thích mà bạn có thể điều chỉnh kết hợp vỏ bánh với nhân bánh cho thích hợp. Tuy nhiên đẹp nhất là kết hợp nhân đậu xanh với vỏ bánh màu trắng và vỏ bánh matcha màu xanh. Nhân thập cẩm trứng muối với vỏ bánh màu điều và màu bột nghệ.
2.4. Tạo hình cho bánh trung thu
- Chuẩn bị khuôn bánh, dùng một ít bột mì khô thoa vào khuôn để chống dính. Sau đó cho hỗn hợp bột vào, dùng tay dàn đều và ấn xuống để tạo hình bánh trung thu. Úp ngược khuôn lại, nhấn vào lò xo bên dưới để đẩy bánh ra. Làm lần lượt đến hết số bánh đã chuẩn bị.
- Ở phần bột còn dư, bạn lấy cho vào những chiếc khuôn tạo hình bánh 3D. Những chiếc khuôn này có thể tìm mua tại siêu thị hoặc các cửa tiệm làm bánh. Tùy vào sở thích mà bạn có thể phối màu khác nhau. Sau đó đặt chúng lên những chiếc bánh cho đẹp mắt.
2.5. Nướng bánh trung thu bằng nồi cơm điện và thành phẩm
- Trước tiên đem làm sạch nồi cơm điện, sau đó lót giấy nến vào đặt bánh lên trên.
- Bật nút "Cook" lần 1 khoảng 15 nồi cơm điện sẽ chuyển sang "Warm", lúc này bạn lấy bánh ra rồi lót thêm một miếng giấy nến khác vào nồi để tranh tình trạng bánh bị dính.
- Cho lại bánh vào nồi và đợi 10 phút thì chọn chế độ "Cook", khi đủ thời gian nồi cơm điện sẽ chuyển sang chế độ "Warm". Sau đó bạn lại tiếp tục chờ thêm khoảng 10 phút thì ấn lại nút "Cook". Thực hiện thao tác này từ 2 đến 3 lần thì bánh sẽ chín vàng đều.
- Lưu ý, trong quá trình nướng bánh trung thu bằng nồi cơm điện bạn nên thường xuyên trở mặt bánh để được chín vàng đều.
Như vậy, cách làm bánh trung thu bằng nồi cơm điện đã hoàn thành rồi đấy. Ưu điểm của công thức này là không đòi hỏi khắt khe trong việc điều chỉnh nhiệt độ nhưng món bánh khi thành phẩm vẫn vàng đều và đẹp mắt. Trung thu cùng thực hiện món bánh này để dành tặng cho bạn bè, người thân thì cực kỳ ý nghĩa nhé.
Mỹ Lệ