1. Tại sao chúng ta cần dạy trẻ tự lập
Trước khi bàn về cách dạy trẻ tự lập, cần nhìn nhận rằng, là cha mẹ, chúng ta hầu hết không muốn gì hơn ngoài những điều tốt nhất cho con cái mình. Vì vậy, chúng ta có xu hướng can thiệp quá sâu vào nhu cầu của con. Đây là tình trạng chung của đa phần phụ huynh.
Mặc dù việc can thiệp từ cha mẹ cũng là cách thể hiện tình thương yêu đối với trẻ, nhưng đôi khi sự can thiệp này trở thành thái quá, khiến trẻ không thể trưởng thành. Vì vậy, dạy trẻ cách tự lập là việc bạn rất nên làm, không những vậy còn là nên làm từ sớm. Dạy trẻ tự lập đồng nghĩa với việc bạn đang trao cho con cơ hội thành công trong cuộc sống sau này.
Tại sao dạy trẻ tự lập lại quan trọng đến vậy, chính là vì những lý do rất cụ thể sau đây:
1.1. Trẻ sẽ thu nhận được kiến thức thông qua việc tự học hỏi
Khi trẻ có cơ hội tự làm mọi thứ, chúng cũng có thể tự học hỏi một cách hiệu quả hơn. Đó là vì trẻ sẽ rút ra được bài học thông qua thử làm và sai và học được tính tự giác.
Bạn đừng quá lo lắng nếu trẻ phạm sai lầm khi tự làm điều gì đó và phải đối mặt với hậu quả. Vì thông qua những trường hợp này, trẻ sẽ nhận thức được hậu quả gắn liền với hành động mà trẻ thực hiện. Từ đó, trẻ sẽ có xu hướng suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi quyết định làm điều gì đó.
1.2. Lòng tự trọng của trẻ được nâng cao
Bạn có nhớ cảm giác khi mình tự mình tạo nên một kỳ tích không? Tương tự như thế đối với trẻ em, chúng sẽ cảm nhận được giá trị của bản thân khi tự hoàn thành mọi việc. Và trẻ sẽ trở nên tự tin hơn khi đối mặt với thử thách.
Nhận ra giá trị của bản thân và tự tin đối mặt với những thử thách trong cuộc sống thực sự rất quan trọng. Điều này vô cùng hữu ích cho trong việc chuẩn bị tâm lý để trẻ hòa nhập với cuộc sống sau này. Hơn nữa, nhờ như thế, trẻ cũng có xu hướng có cuộc sống xã hội tốt hơn.
1.3. Trẻ sẽ được chuẩn bị cho việc xử lý thất bại và áp lực
Việc giúp trẻ thực hành trong xử lý áp lực sẽ dễ dàng hơn nếu chúng có cơ hội để trở nên độc lập. Bạn hãy để trẻ cảm nhận được cảm giác tồi tệ khi thất bại trong việc hoàn thành một công việc nào đó. Cuối cùng, trẻ sẽ học được cách đón nhận cảm xúc tiêu cực một cách nhẹ nhàng và không quá coi trọng cũng như để chúng ảnh hưởng đến bản thân.
Khi con gặp thất bại và áp lực, con biết cách xử lý, đón nhận hay kiểm soát cảm xúc của mình. Bạn chỉ cần có mặt để tư vấn cho trẻ bất cứ khi nào chúng muốn trò chuyện để “xả stress” là đủ tốt rồi.
1.4. Trẻ sẽ có cơ hội để lựa chọn những gì mang lại niềm vui cho bản thân
Trẻ em cần được thực hành để có sự lựa chọn. Để trưởng thành về cảm xúc, chúng phải học được cách tự quyết định. Ở hiện tại, những lựa chọn có thể chưa nhiều, và người lớn thường cung cấp một số lựa chọn cho trẻ, trẻ sẽ được quyền chọn một trong số đó.
Từ việc cho trẻ lựa chọn cơ hội, trẻ sẽ học được rằng, chúng không thể có mọi thứ trong cuộc sống mà chỉ có quyền tự do chọn lựa mà thôi.
2. Những điểm quan trọng cha mẹ nên lưu ý khi muốn dạy trẻ tự lập
Khi muốn dạy trẻ tự lập, các cha mẹ hãy nhớ một số điểm cần lưu ý sau:
2.1. Hãy kiên nhẫn và bắt đầu từ sớm
Liên quan đến việc dạy trẻ tự lập , sự kiên nhẫn và thời điểm bắt đầu là yếu tố cần lưu ý đầu tiên. Khi bạn dành thời gian để “đào tạo” trẻ hoàn thành các nhiệm vụ ngay từ độ tuổi chập chững biết đi, sẽ giúp hình thành và xây dựng ý thức độc lập của chúng. Amy McC – người sáng lập “Giải pháp nuôi dạy con tich cực” – cho biết. Bạn hãy xác định một nhiệm vụ mới mỗi tuần mà trẻ có thể thực hiện kèm theo một vài “khóa huấn luyện” ngắn.
Bạn nên chia nhiệm vụ thành từng bước và hướng dẫn trẻ thực hiện, sau đó biến chúng thành “việc của trẻ”. Những nhiệm vụ này có vẻ quá đơn giản với người lớn nhưng có thể giúp trẻ phát triển cảm giác tự tin. Ví dụ: trẻ nhỏ có thể học cách dọn dẹp khu vui chơi của mình và bỏ quần áo bẩn vào sọt. trong khi trẻ lớn hơn có thể giúp bạn dọn bàn ăn tối và dọn giường.
2.2. Hãy khen ngợi những nỗ lực của trẻ
Ngay cả khi kết quả cuối cùng không phải xuất sắc thì bạn vẫn nên cho trẻ thấy bạn đánh giá cao sự chăm chỉ và nỗ lực của trẻ. Đồng thời, hãy khuyến khích trẻ tiếp tục cố gắng.
Tiến sỹ Frances Walfish, một nhà tâm lý trị liệu trẻ em và phụ huynh, và là tác giả của quyển Self-Aware Parent, nói: “Thời thơ ấu là khoảng thời gian quan trọng và là tiền thân của tuổi thiếu niên. Vì vậy, cha mẹ nên khen ngợi ngay cả những thành tựu nhỏ nhất trẻ đạt được như: tự mang giày, tự rót nước,…để thúc đẩy trẻ trên con đường tự lập.
2.3. Hãy cho trẻ được chọn lựa
Một phần của sự độc lập là có thể đưa ra quyết định cho chính mình. Vì vậy bạn hãy để trẻ đưa ra một số lựa chọn của riêng mình trong suốt cả ngày.
“Điều quan trọng là bạn không hỏi những câu hỏi mở vì chúng có thể khiến bạn gặp rắc rối.” Laura Olson, cựu giáo viên và phó chủ tịch về giáo dục của học viện Kiddie – một thương hiệu về giáo dục và chăm sóc trẻ em quốc gia – cho biết. “Bạn hãy thu hẹp các lựa chọn trước, ví dụ: “Con muốn bơ đậu phộng và thạch hay mì ống và phô mai cho bữa trưa?” Hãy thử đưa ra 2 loại nước trái cây với mùi vị yêu thích của trẻ và hỏi xem trẻ muốn chọn loại nào…Trong tất cả những đề nghị này, trẻ đều có thể tự quyết định và đưa ra lựa chọn của mình, nhưng bạn vẫn là người nắm quyền kiểm soát, Olson giải thích.
2.4. Hãy giữ lại sự trợ giúp đối với trẻ
Theo Michelle La Rowe – một cựu bảo mẫu và là tác giả của cuốn A Mom’s Ultimate Book of List – cho biết “Bạn không bao giờ nên làm cho trẻ những gì chúng có thể tự làm cho chính mình.” Bạn hãy để trẻ tự buộc dây giày, tự đổ ngũ cốc ăn sáng vào chén, tự mặc áo khoác."
Nếu bé không thể tự cài khóa kéo, bạn hãy cài giúp bé và để con tự kéo khóa. Nếu việc trẻ tự làm khiến mọi thứ chậm chạp và có nguy cơ bị muộn (giờ đến trường, giờ đi đến một cuộc hẹn,…) bạn hãy đặt đồng hồ báo thức sớm hơn 15 phút để cho trẻ thêm thời gian cần thiết hoàn thành nhiệm vụ.
2.5. Hãy tạo môi trường và điều kiện phù hợp với độ tuổi của trẻ
Bạn làm điều này để trẻ có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình. Bạn hãy sắp xếp mọi thứ phù hợp với độ tuổi của trẻ để con có thể tự phục vụ mà không cần giúp đỡ.
Ví dụ bạn có thể đặt bát, đĩa, ly, đồ dùng,...ở ngang tầm của trẻ để con có thể tự lấy khi cần; hay đổ sữa vào bình nhựa nhỏ để trẻ có thể tự rót;…Amy McC đề nghị: bạn hãy theo dõi thói quen hàng ngày của trẻ và tự hỏi “Tôi có thể thay đổi gì để con hoàn thành được nhiệm vụ này mà không cần sự giúp đỡ của tôi?”
2.6. Hãy chỉ dẫn cho trẻ khi cần thiết
Theo Tricia Ferrara, một nhà trị liệu gia đình và người tạo ra series audio “Parenting in the 21st Century” (Làm cha mẹ trong thế kỷ 21), thì “Một số bậc phụ huynh có xu hướng nói ra tất cả những gì liên quan đến mục tiêu hoặc sự phản hồi. Điều này có thể ngăn chặn cơ hội phát triển kỹ năng tự định hướng dựa trên ngôn ngữ của một đứa trẻ.”
Vì vậy, thay vì nói cho trẻ biết phải làm gì, bạn hãy yêu cầu trẻ nói cho bạn biết chúng sẽ làm gì. Nó sẽ mang lại cho trẻ cơ hội làm chủ sự thử thách. Tất nhiên, nếu trẻ cần một số gợi ý hoặc trợ giúp về cách hoàn thành một nhiệm vụ, bạn có thể cung cấp cho trẻ.
2.7. Hãy nhìn nhận điểm tích cực trong tiêu cực
Thay vì xem những sai sót của trẻ là thất bại, bạn hãy coi đó như là cơ hội để trẻ học được một điều mới. Theo tiến sỹ Sam Goldstein – đồng tác giả cuốn “Raising a Self-Disciplined Child” (Nuôi dạy một đứa trẻ kỷ luật): “Bạn đừng sợ trẻ phạm sai lầm. Trẻ cần nhận ra được đó là một phần của cuộc sống.
Khi trẻ không thành công ở một việc gì đó, hãy chắc chắn nói theo cách giải quyết vấn đề. Thay vì: “Mẹ đã nói con đừng làm theo cách đó” hãy nói “Hãy thử lại lần nữa xem liệu chúng ta có thể làm cho nó hoạt động được không!”
2.8. Hãy từ bỏ sự hoàn hảo
Nếu bạn can thiệp để chỉnh đốn những thứ trẻ vừa làm xong (dưới sự chứng kiến của chính trẻ), bạn sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và sẽ ngăn cản chúng tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ khác trong tương lai.
Theo Lynne Milliner – một bác sỹ nhi khoa tại Bệnh viện Rainbow Babies & Children ở Cleverland thì “Nếu bạn không thể để mọi thứ như vậy (sau khi trẻ làm), hãy tiếp cận tình huống bằng cách nói với trẻ “Mẹ không nghĩ chúng ta lại làm theo cách đó. Con có muốn xem mẹ làm như thế nào không? Nếu cách này không hiệu quả, bạn luôn có thể quay lại và sữa chữa nó sau.”
3. Một số cách dạy trẻ tự lập theo độ tuổi
Bạn sẽ cảm nhận được niềm vui to lớn khi để em bé mới biết đi của bạn tự buộc dây giày, và bé lớn nhà bạn dọn bàn ăn. Mặc dù để trẻ tự làm có thể rất vụng về và mất nhiều thời gian hoàn thành công việc hơn bình thường, nhưng khi trẻ tự làm như thế là con đang bắt đầu bước những bước tự lập đầu tiên. Điều này nghĩa là bạn không còn phải làm tất cả mọi thứ cho trẻ mà giờ đây, bạn chuyển sang vai trò “giám sát”.
Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng để rèn tính tự lập cho trẻ theo độ tuổi:
3.1. Đối với trẻ ở tuổi đi nhà trẻ
3.1.1. Hãy đưa trẻ đến nhà bạn chơi một mình
Theo Wendy Sue Swanson, một tiến sỹ, bác sỹ nhi tại bệnh viện Nhi Seattle và là tác giả của cuốn sách “Mama Doc Medicine” thì, “Thật tuyệt vời khi hình thành các mối quan hệ độc lập bên ngoài gia đình và cho trẻ thời gian tự do phù hợp với độ tuổi nhà trẻ của mình.
Nếu trẻ đã đi học và có bạn mới, bạn có thể sắp xếp với phụ huynh để đưa trẻ đến một buổi vui chơi. Tuy nhiên nếu bạn thấy không yên tâm, bạn có thể bắt đầu với một trẻ hàng xóm của một gia đình mà bạn tin tưởng. Bạn hãy để trẻ chơi ở đó với những trẻ khác và đón con sau một buổi trưa hoặc chiều.”
Bạn cần lưu ý nơi bạn định đưa trẻ đến phải đảm bảo an toàn, đáng tin cậy và bạn có thể luôn giữ được liên lạc với chủ nhà.
3.1.2. Hãy hướng dẫn và cho trẻ dùng dao
Cũng theo tiến sỹ Swanson, việc để trẻ em tham gia vào quá trình nấu nướng từ sớm giúp khuyến khích trẻ đưa ra lựa chọn lành mạnh.
Ngay chính cô, cũng để những đứa trẻ nhà mình tự phết bơ lên bánh mì bằng dao trước khi chúng bước vào tiểu học. Khi con gái 6 tuổi của cô gần đây đề nghị được cắt bánh mì bằng một con dao có răng cưa lớn hơn, Swanson đã để bé đi lấy nó trong khi cô quan sát. “Việc này tạo sự tự tin cho cả hai chúng tôi”. Bác sỹ Swanson cho biết.
3.2. Đối với trẻ từ 4 tuổi
Hãy cho trẻ tham gia một buổi cắm trại qua đêm hoặc không
Bạn có thể cho trẻ 4 tuổi trở lên tham gia một buổi dã ngoại hoặc cắm trại cùng lớp của trẻ, dưới sự giám sát của giáo viên, và tất nhiên, không có phụ huynh. Những buổi ngoại khóa như vậy sẽ giúp trẻ trở nên năng động, độc lập và tự tin hơn.
3.3. Đối với trẻ 6 tuổi trở lên
Hãy cho trẻ đi một mình qua vài dãy nhà
Tùy thuộc vào khu vực bạn ở và tình hình an ninh ở đó, bạn có thể cho trẻ (6 tuổi trở lên) chơi ở sân trước hoặc đi bộ qua một vài dãy nhà, đến nhà hàng xóm của bạn. Việc này vừa giúp trẻ rèn luyện sự tự tin, độc lập, vừa giúp tạo mối quan hệ với những gia đình sống ở khu của bạn.
Bạn có thể nhờ bạn bè hoặc những người hàng xóm quen, để ý trẻ qua cửa sổ. Sau khi trẻ đã có thể tự đi nhuần nhuyễn ở khu vực quanh nhà, bạn có thể luyện cho con tự đi bộ đến trường (nếu trường của con ở gần nhà) hoặc đến một địa điểm nào đó quen thuộc như cửa hàng, tiệm bánh, hay nhà sách.
3.4. Đối với trẻ 7 tuổi trở lên
Hãy để trẻ đi trước bạn và tự lựa đồ ở lối đi trước hoặc cạnh bạn
Việc đếm tiền, nói chuyện với người lạ và cân nhắc giữa việc mua loại nước trái cây nào (trong khi bạn quan sát), đó có thể là những việc vặt đối với bạn nhưng lại là kinh kinh nghiệm có thể thay đổi cuộc sống của trẻ.
Bạn hãy cho phép trẻ đi đến một quầy hàng khác trong siêu thị để chọn một món trong danh sách mua sắm của gia đình theo ý thích của trẻ. Ví dụ như chọn nước trái cây theo mùi vị trẻ yêu thích. Bạn vẫn có thể quan sát trẻ từ vị trí khác, và bạn sẽ nhận thấy sự tự tin của trẻ khi con được tự chọn đồ.
3.5. Đối với trẻ từ 11-14 tuổi
Hãy đưa trẻ đến trung tâm thương mại hoặc thư viện hay rạp chiếu phim và để trẻ vui cùng bạn bè.
Chắc chắn đây sẽ là một cách thực hành tuyệt vời để giúp trẻ tuân thủ giới hạn thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, nếu bạn không yên tâm, hãy bắt đầu bằng việc nhỏ hơn. Ví dụ như đưa trẻ (độ tuổi trung học cơ sở) của bạn cùng với bạn bè của trẻ đến trung tâm thương mại hoặc rạp chiếu phim và cho trẻ chơi trong giới hạn thời gian (1-2 giờ). Nếu bạn không muốn rời đi, hãy uống một tách cà phê hoặc trà tại khu ẩm thực trong khi đợi trẻ.
Lưu ý : những cách trên có thể giúp rèn luyện tính tự lập cho trẻ. Nhưng Vì ở những khu vực khác nhau sự ảnh hưởng đến trẻ là khác nhau. Nên, bạn cần xem xét các yếu tố xung quanh như môi trường, hoàn cảnh sống và điều kiện an toàn để áp dụng một cách phù hợp.Cách dạy trẻ tự lập như đã chia sẻ ở trên, là một tập hợp các hoạt động mà trẻ được tạo điều kiện để thực hành thường xuyên. Bạn hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, từ độ tuổi nhỏ, sau đó tăng dần theo độ tuổi và khả năng tiếp nhận của trẻ. Như vậy bạn sẽ giúp trẻ hình thành, xây dựng và phát triển tính độc lập của mình một cách vững chắc. Đồng thời duy trì và phát huy tính độc lập này theo quá trình trưởng thành của bản thân, để trẻ sớm trở thành một người có ích cho chính mình, cho gia đình và xã hội sau này.
Theo Smart Kids School & Parents
Lily Nguyễn tổng hợp