Tất tần tật những điều mẹ muốn biết về bữa ăn dặm của trẻ

Trong 6 tháng đầu, trẻ chỉ cần bú mẹ là có thể đáp ứng đủ cho mọi nhu cầu của cơ thể. Nhưng khi bước qua tháng thứ 6, lượng dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể trẻ bắt đầu sụt giảm và nhu cầu dinh dưỡng vì thế cũng tăng cao. Đây chính là thời điểm thích hợp để bổ sung thức ăn dặm cho trẻ.

banner ads

1. Ăn dặm bắt đầu từ lúc nào?

5964-an-dam-1.jpg

Bé đủ 6 tháng là lúc thích hợp để bắt đầu cho ăn dặm.

Trước giai đoạn 6 tháng, do hệ tiêu hóa của trẻ không có đủ men amylase nên trẻ khó tiêu hóa thức ăn dạng bột dễ dẫn đến những vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, bụng chướng, tiêu chảy... Trong khi đó, sữa mẹ vẫn có đủ dinh dưỡng và đảm bảo cho trẻ một hệ miễn dịch khỏe mạnh đáp ứng mọi hoạt động trong ngày. Do đó, khi trẻ chưa đủ 6 tháng, mẹ chớ vội cho bé ăn dặm quá sớm làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa vốn khó hấp thu của trẻ.

Sau giai đoạn 6 tháng, sữa mẹ đã giảm dần về cả lượng và chất. Đồng thời, những dưỡng chất tích trữ trong cơ thể trẻ cũng dần giảm đi. Đến 9 tháng tuổi thì nguồn dữ trữ này mất dần. Tuy nhiên, cho đến lúc đó, trẻ cần được làm quen với thức ăn từ lúc 6 tháng tuổi là thích hợp nhất. Nếu để sang 7 tháng, trẻ sẽ có tâm lý sợ cái mới rất khó tập cho trẻ.

Tuy vậy, vẫn có những trường hợp ngoại lệ các bé muốn ăn sớm từ sau 4 tháng. Mẹ có thể thông qua một số biểu hiện để nhận biết nhu cầu bé. Nhưng dù bắt đầu từ thời điểm nào đi nữa thì ăn dặm vẫn nên hiểu là giai đoạn bé tập làm quen với thức ăn. Bởi thế, bạn nên bắt đầu từ dạng lỏng trước khi chuyển sang dạng sệt, đặc, lợn cợn trước khi bé có thể ăn từng miếng.

Ăn dặm là cả một quá trình gian nan, đòi hỏi mẹ phải thật kiên nhẫn cho đến khi bé thích nghi dần với thức ăn các dạng.

2. Những dấu hiệu cho biết bé muốn ăn dặm

5970-an-dam-4.jpg

Đã bú cạn cùng lúc hai bình sữa mà vẫn khóc và đòi thêm có thể là dấu hiệu bé đòi ăn.

+ Bé khó chịu hoặc khóc khi bình bú đã cạn và có dấu hiệu mút tay sau đó.

+ Bé đã bú cạn cùng lúc hai bình sữa mà vẫn khóc và đòi thêm.

+ Bé thức dậy đòi bú giữa đêm dù bình thường không có thói quen này.

+ Ban ngày bé ngủ không ngon, thường chập chờn thức giấc hoặc dậy sớm hơn.

+ Bé nhìn miệng khi bạn ăn, chảy nước miếng hoặc mút tay theo động tác nhai của bạn.

+ Bé đã có thể ngẩng đầu cứng và ngồi thẳng lưng.

+ Bé hào hứng với các thức ăn được dọn ra.

+ Bé bắt đầu có những hoạt động đưa lưỡi.

3. Tập cho bé ăn dặm như thế nào?

Có những nguyên tắc bạn nên tuân theo khi cho bé ăn dặm để giúp bé tăng cân khoa học:

Tăng lượng thức ăn từ ít đến nhiều

Với những bé mới tập ăn, trước tiên mẹ nên cho bé thử nếm trước từng chút một. Nếu bé chịu ăn có thể tăng dần từ 1 đến 2 thìa nhỏ. Chọn lúc bé đói hãy cho ăn. Sau ăn cho bú đến no để bé ngủ ngon giấc hơn.

Sau thời gian cho ăn với lượng một vài thìa, mẹ tăng dần lên đến khi bé ăn được chừng một bát nhỏ.

Sau khi bé đã làm quen với các thức ăn, tùy theo nhu cầu cơ thể mà bé có thể dung nạp một lượng thức ăn phù hợp. Vì thế, mẹ không cần phải bắt ép con ăn nhiều hơn lượng thức ăn cơ thể cần để khiến trẻ nảy sinh tâm lý sợ ăn dẫn đến biếng ăn.

Chuyển đổi từ thức ăn dạng loãng đến dạng đặc

Ban đầu, để bé không bị sốc thức ăn, mẹ nên cho bé ăn bột ngọt trước. Có thể chọn những loại bột đóng gói sẵn của những thương hiệu uy tín. Ưu điểm của những loại bột này là không qua chế biến nên các chất dinh dưỡng trong thực phẩm được bảo toàn và rất tiện lợi.

Giai đoạn mới tập ăn, nên chọn loại bột đơn giản và có vị ngọt nhẹ gần với vị sữa. Vì đây chỉ là thời điểm bé tập ăn, do đó mẹ không cần cho ăn nhiều cả về lượng và chất.

Nếu không chọn bột, mẹ có thể cho ăn thay thế bằng các thức ăn khác như:

5969-chuoi.jpg

Chuối được bổ sung vào thức ăn của trẻ.

- Trái cây chín mềm bao gồm: chuối, đu đủ, xoài.

- Khoai tây hoặc khoai lang nấu chín, đem đánh nhuyễn và trộn chung một vài thìa sữa.

- Bí đỏ hoặc bí xanh nấu chín, tán mềm và pha chút sữa trộn đều.

Sau thời gian cho ăn loãng, mẹ chuyển cho bé sang giai đoạn ăn đặc. Thức ăn lúc này sẽ bớt lượng nước và tăng cường tinh bột nhiều hơn. Đồng thời, bổ sung thêm các thực phẩm như cá, thịt, trứng cùng với các loại rau củ để đa dạng bữa ăn sao cho đủ các nhóm dinh dưỡng bột, béo, đạm, rau và hoa quả.

Khi bé đã ăn được dạng đặc, mẹ tiếp tục chuyển sang dạng thức ăn có cợn để bé tập nhai.

Sau cùng là tập cho bé ăn từng miếng. Bé có thể bốc, cầm, nắm thức ăn như một cách để khám phá, mặt khác cũng để bé tập dần với việc tự xúc thức ăn cho đến lúc tự ăn một mình.

Làm quen dần với nhiều vị thức ăn

Chỉ nên thay đổi thức ăn khi bé đã quen vị vì việc thay đổi đột ngột có thể khiến bé bỏ ăn. Khi bé đã làm quen với một vị thức ăn khoảng 3 đến 5 ngày, mẹ hãy chuyển sang vị khác và tập dần cho đến khi bé nếm được nhiều mùi vị khác nhau.

Việc cho ăn một vị thức ăn trong vài ngày liên tiếp cũng giúp mẹ phát hiện ra trẻ dị ứng với thức ăn nào để tránh lặp lại, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

4. Tập cho trẻ ăn theo giai đoạn cụ thể

Từ 4 đến 6 tháng

Chỉ cho bé ăn khi nhận thấy bé có dấu hiệu đòi ăn đặc biệt. Ngoài trường hợp này ra, tốt nhất chỉ nên cho trẻ ăn từ lúc 6 tháng tuổi.

Ban đầu, mẹ cho ăn một ngày một bữa khoảng đôi ba thìa và cho bú ngay sau đó đến lúc bé no.

Đến khoảng 5 tháng rưỡi hoặc 6 tháng, mỗi ngày có thể cho ăn 2 bữa, mỗi bữa khoảng nửa bát nhỏ. Song song đó vẫn phải duy trì cho bú mẹ đều đặn.

Từ 6 đến 9 tháng:

5968-be-tap-an.jpg

Đến 9 tháng, bé có thể bắt đầu chuyển sang ăn đặc.

Đây là thời điểm tập ăn của phần lớn trẻ em, do đó cũng nên bắt đầu từ bột ngọt vị sữa để bé làm quen dần.

Nếu mới tập ăn, cho ăn một ngày một bữa từ một vài muỗng trong những ngày đầu. Sau đó cho ăn hai bữa một ngày, khoảng nửa bát nhỏ.

Đến 7 tháng, chuyển cho bé sang ăn bột mặn cùng với các thực phẩm đủ đạm, béo, rau. Tiếp tục duy trì bú mẹ và có thể cho bú đêm nếu bé đòi.

Đến 9 tháng, bé có thể bắt đầu chuyển sang ăn đặc. Hãy tập dần cho bé để giai đoạn sau nữa bé có thể chuyển sang nhai thức ăn.

Lưu ý: Trong giai đoạn này, lượng dinh dưỡng dự trữ của bé vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu cơ thể nên không cần thiết ép bé ăn thật nhiều nếu bé không muốn.

Từ 9 đến 12 tháng

Lúc này, nhu cầu của bé tăng cao. Có thể tăng bữa ăn lên ba bữa một ngày và không quên tô màu bát cháo bằng những thực phẩm thịt, cá, trứng cùng các loại rau củ quả khác. Để tăng thêm vị và nguồn dinh dưỡng khác mẹ có thể bổ sung thêm các loại trái cây nghiền, thức ăn như phomai, bánh flan, đậu hũ non.

Khi đến 10 tháng, bé có thể bắt đầu nhai lợn cợn thức ăn. Vì thế, mẹ không cần nấu cháo quá nhuyễn mà có thể để nguyên hạt cháo và thức ăn băm nhỏ để bé tập nhai.

Khi sang 12 tháng tuổi, bé có thể ăn được thức ăn dạng miếng. Việc bé cầm nắm thức ăn cũng là một cách bé học hỏi và khám phá. Mẹ chớ ngại bẩn mà hãy để bé tập bốc, nắm và cầm muỗng tự xúc thức ăn cho vào miệng dù mọi thứ có vẻ bừa bộn một chút. Những kỹ năng này sẽ hình thành cho bé cách ăn uống tự lập hơn.

Nhìn chung lại, nhu cầu ăn uống của mỗi trẻ một khác. Bạn không nên nhìn trẻ khác để đánh giá sức ăn của con. Điều này vừa không đúng cho trẻ vừa có thể khiến bạn mệt mỏi hơn khi cứ phải chạy đua theo các bé khác trong khi con bạn chỉ cần một lượng dinh dưỡng như vậy là đủ.

5. Đảm bảo bữa ăn đủ dưỡng chất

5967-dinh-duong.jpg

Tháp dinh dưỡng đầy đủ.

Theo tháp dinh dưỡng, bạn có thể thấy rõ 4 nhóm thực phẩm chính: tinh bột (gạo, bún, bánh mì, bánh phở); chất béo (dầu động, thực vật và bơ); chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng), rau và trái cây.

Nếu đảm bảo đủ trong khẩu phần của trẻ có đủ 4 nhóm trên thì xem như bạn đã cho con ăn đủ chất. Chẳng hạn: nửa bát bột/ cháo, bạn cho thêm vào đó một thức ăn trong nhóm chất đạm, rau củ, và một vài giọt dầu ăn.

Mẹ không nên chỉ chắt nước cho bé mà phải cho ăn cả nước lẫn cái để đảm bảo đủ dinh dưỡng thiết yếu. Để tránh hóc thức ăn, mẹ có thể băm nhuyễn trộn chung cho đến khi bé tự nhai được.

Nếu có điều kiện, nên nấu riêng mỗi bữa chứ không nấu sẵn một nồi và đến lúc ăn lại hâm nóng để tránh thức ăn bị nhiễm khuẩn, mất vị khiến bé biếng ăn.

Hạn chế nêm nếm trong bát cháo của trẻ vì thận bé không thể đào thải được hết lượng muối trong thức ăn.

Nên bổ sung từ 50-100 ml nước trái cây hoặc trái cây tán nhuyễn vào giữa bữa để cung cấp thêm các khoáng tố cần thiết.

Những dụng cụ cần thiết để cho bé ăn dặm

• Vài chiếc muỗng (thìa) nhựa cứng cáp, nhỏ nhắn vừa miệng bé, có màu sắc bắt mắt

• Một cái chén (bát) nhựa rực rỡ, tốt nhất là đáy có thể bám dính để tránh bị đổ

• Vài cái yếm và khăn cotton nhỏ, mềm để lau miệng bé

• Một chiếc khay nhựa có nhiều ngăn để đựng các thức ăn khác nhau cho bé

• Một chiếc ghế ăn để tập cho bé thói quen ngồi yên trong bữa ăn

Xử lý với những rắc rối khi cho trẻ ăn dặm

Bé chống cự lại, không chịu ăn:

5978-bieng-an.jpg

Bé không chịu ăn.

Bạn đổi thức ăn thử xem. Có thể bé không thích vị ngọt mà lại thích vị mặn hay ngược lại. Nếu bạn thấy bé không chịu cho thìa vào miệng hãy thử rửa tay sạch và dùng ngón tay quệt thức ăn cho vào miệng bé. Nhiều bé vẫn thích cách ăn có phần "hoang dã" này đấy! Nếu đã thử mà không thành, bạn thử dừng việc cho ăn chừng một hai tuần hãy bắt đầu lại. Đừng sốt ruột quá mà quên mất bé vẫn trong giai đoạn tập ăn nhé.

Bé đi tiêu hơi lỏng:

Bé có thể vẫn tiêu tiểu tốt, bú khỏe, chơi vui thì bạn cứ an tâm tiếp tục cho ăn. Nếu một ngày bé tiêu hơn 3 lần và nhiều nước, phân nổi bọt, có triệu chứng nôn trớ, chướng bụng, không chịu bú... thì mẹ nên ngưng ngay việc cho ăn và hỏi ý kiến bác sĩ xem sao nhé. Có thể bé gặp vấn đề về tiêu hóa và cần hỗ trợ. Sau nửa tháng, bạn tập cho ăn lại cũng không muộn.

Bé bị nổi mề đay, lác sữa... sau khi ăn trứng:

Đây là dấu hiệu cho biết bé có thể dị ứng thức ăn có trong bột. Bạn hãy ngưng cho ăn và đổi một thức ăn khác xem còn lặp lại tình trạng này nữa không? Nếu không có nghĩa bé phản ứng với thức ăn trước đó và bạn nên ghi nhớ điều này để không lặp lại vì nhiều trẻ dị ứng nặng có thể gây lở loét, viêm da.

Bé bị nghẹn, khó nuốt:

Có thể bạn nấu đặc hơn so với khả năng nhai nuốt của trẻ. Hãy pha thêm vào chén bột ít nước chín hoặc ít sữa và tán đều lần nữa trước khi cho bé ăn tiếp tục.

Bé không muốn ăn:

Bạn có thể chưa hiểu ý bé hoặc bé chưa đến lúc đói. Hãy đợi đến bữa sau, khi bụng bé đòi ăn hãy cho bé ăn xem sao. Đừng cố ép khi bé đang no dễ khiến bé bị biếng ăn vì quan trọng không phải là ăn hết bát bột mà là tập dần cho bé thói quen ăn uống.

Những lưu ý khi cho bé ăn dặm

Chế biến món ăn dặm không đúng cách

5979-rua.jpg

Nguyên liệu có thể bị rửa trôi hoặc hao hụt dinh dưỡng trong lúc bạn sơ chế.

Nguyên liệu có thể bị rửa trôi hoặc hao hụt dinh dưỡng trong lúc bạn sơ chế và chế biến thức ăn. Bởi vì đa phần các loại rau củ đều chứa vitamin nhóm B, C rất dễ bị tan trong nước và bị hủy ở nhiệt độ vừa và cao.

Vì thế, với rau, mẹ nên rửa sạch trước khi băm nhỏ và chỉ khi cháo chín mới cho vào. Khi rau chuyển màu chín thì tắt bếp ngay không nấu thêm tránh mất chất.

Với thịt, cá, trứng chỉ nấu chín không ninh quá nhừ vì trong quá trình trung chuyển chúng cũng đã hao hụt đi đáng kể.

Với gạo, bạn cũng chỉ nên vo một lần, không vo kỹ tránh làm mất vitamin B.

Không cân đối giá trị dinh dưỡng thực phẩm

Một số mẹ không cho con ăn phần cái như thịt, cháo mà chỉ chắt lấy nước cho uống. Trong khi đó, các chất đạm, vitamin và các khoáng tố khác đều nằm ở phần cái. Cho ăn bằng nước trong thời gian dài dễ khiến trẻ thiếu chất, dẫn đến suy dinh dưỡng. Một số mẹ khác lại quan niệm cho con ăn nhiều tôm, cua, thịt thì con cứng cáp hơn nên chỉ chăm chăm cho ăn đi ăn lại những thức ăn đó không kể bé đủ tuổi dung nạp hay chưa. Thực tế, việc chế biến các món này không đúng cách có thể dẫn đến khó tiêu, chán ăn hoặc thậm chí hại đến thận.

Vệ sinh an toàn thực phẩm

5986-bot.jpg

Mẹ nên tự nấu cho trẻ ăn theo từng bữa trong ngày.

Hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Những thực phẩm chế biến bên ngoài, không đảm bảo vệ sinh hoặc chứa các chất phụ gia, chất bảo quản dễ ảnh hưởng đến trẻ. Chưa kể, những độc chất này có thể tích tụ gây ra những bệnh mạn tính nguy hiểm.

Nếu có điều kiện, mẹ nên tự nấu cho trẻ ăn theo từng bữa trong ngày. Nếu không, có thể mua các loại bột ăn dặm của các thương hiệu uy tín. Đồng thời, không quên bổ sung các vitamin và khoáng chất từ các loại trái cây để giúp trẻ hấp thu tối đa dưỡng chất giúp trẻ có thêm sức đề kháng.

Không cho bé ăn dầu ăn

Trẻ em khác với người lớn là rất dễ tiêu hóa dầu mỡ. Nếu không có dầu trong khẩu phần ăn, trẻ không đủ axit béo không no để phát triển hệ thần kinh cũng như hấp thu được dưỡng chất, không đủ năng lượng hoạt động. Vậy nên, mẹ cho rằng dầu ăn gây táo bón, biếng ăn, ho... là điều không đúng.

Những dầu ăn tốt cho trẻ: dầu mè, dầu nành, dầu hướng dương, dầu cá... . Các dầu này rất giàu omega 3. Các loại dầu ô liu, dầu cọ, dầu bắp... lại rất giàu omega 6. Đây là những a xít béo thiết yếu mà cơ thể không tổng hợp được. Chúng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là não bộ.

Dầu ăn có thể tạo thêm vị cho trẻ nên mẹ có thể sử dụng xen kẽ.

Đổi món thường xuyên cho trẻ

Điều này vừa giúp trẻ ngon miệng hơn vừa giúp trẻ có thêm nhiều nguồn dinh dưỡng cho cơ thể phát triển. Nên cho trẻ tham gia vào bữa ăn của gia đình, cùng ăn một bữa và cùng từng ấy thức ăn. Điều này thuận tiện cho mẹ và trẻ cũng được đổi món.

Việc nấu sẵn một nồi cháo và hâm đi hâm lại trong ngày sẽ khiến trẻ ngấy và chán ăn. Chưa kể việc này còn làm mất nhiều vitamin có trong thực phẩm.

Nói không với bánh kẹo, quà vặt trước bữa ăn

Những loại bánh kẹo rất nghèo dinh dưỡng, dễ tạo cảm giác đầy bụng. Vì thế trước bữa ăn không nên cho trẻ dùng khiến trẻ không muốn ăn bữa chính. Kẹo bánh cũng là thủ phạm làm hỏng cấu trúc răng mới hình thành của trẻ.

Khi nào có thể cho trẻ ăn cơm?

Khi trẻ 2 tuổi, có đủ 8 chiếc răng hàm, sẽ bắt đầu cho trẻ ăn cơm mềm. Cho trẻ ăn sớm sẽ không tiêu hóa được thức ăn, không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Cho ăn trễ, 2-3 tuổi vẫn ăn cháo, trẻ không có đủ dưỡng chất để phát triển, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, sau này lười ăn cơm và thức ăn. Lúc trẻ có 4 răng tiền hàm (tổng cộng 16 răng sữa, khoảng 18 - 20 tháng tuổi) thì cũng có thể cho bé ăn cơm nát, tán hơi nhuyễn.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI