1. Bệnh nhiệt miệng ở trẻ em là gì
Nhiệt miệng ở trẻ là những vết tổn thương nhỏ, nông phát triển trên các mô mềm trong miệng, mặt trong môi, má, dưới lưỡi hoặc nướu của trẻ. Các vết nhiệt này thường có hình oval hoặc tròn với nhân màu trắng, vàng hoặc xám và viền xung quanh màu đỏ. Chúng có thể gây đau và làm cho việc ăn uống của trẻ trở nên khó khăn.
Thông thường trẻ sẽ cảm thấy đau và nóng rát ở vị trí bị nhiệt một vài ngày trước khi các vết loét nhỏ này xuất hiện và chúng sẽ tự hết trong vòng một đến hai tuần. Chúng không phải là vết thương lây nhiễm, tuy nhiên trong một số trường hợp, các vết nhiệt có thể là một trong những triệu chứng của một căn bệnh khác. Vì vậy bạn cần chú ý theo dõi khi trẻ bị lên nhiệt để can thiệp kịp thời nếu trẻ bị một bệnh nào khác.
2. 4 dạng nhiệt miệng thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi
Các loại nhiệt miệng ở trẻ em thường xuất hiện ở 4 dạng: loét áp tơ (aphthous ulcers), lở miệng, bệnh tay chân miệng và lở do chấn thương vùng miệng. Trong đso nhiệt miệng dạng áp tơ là phổ biến nhất.
2.1 Loét áp tơ (aphthous ulcers)
Loét áp tơ là tình trạng những vết loét hình tròn nhỏ màu đỏ, trắng hoặc xám mọc ở những vùng mô mềm trong miệng trẻ như mặt trong môi, má, dưới lưỡi hay trên nướu. Đây thường là những vết loét lành tính, không lây nhiễm và sẽ tự khỏi trong vòng 7-14 ngày.
2.2 Lở miệng
Vết nhiệt do lở miệng thường là những mụn nước nhỏ trong chứa dịch và có thể lây lan. Khi những vết loét đầu tiên của bệnh xuất hiện, trẻ có thể bị sốt, đau và lờ đờ.
2.3 Vết loét do bệnh tay chân miệng
Các vết loét nếu là một triệu chứng của bệnh tay chân miệng thì sẽ xuất hiện dưới dạng mụn nước dày đặc không những trong miệng mà cả lòng bàn tay và lòng bàn chân trẻ đồng thời kèm theo sốt và mệt mỏi.
2.4 Nhiệt miệng do tổn thương vùng miệng
Trong một số trường hợp những tổn thương nhẹ vùng miệng cũng có thể phát triển thành vết nhiệt ban đầu có màu đỏ và chuyển dần thành màu trắng khi lành.
3. Nguyên nhân của bệnh nhiệt miệng ở trẻ
Thật không may là trẻ nhỏ cũng có khả năng bị bệnh nhiệt miệng ngang với người lớn. Các dạng nhiệt xuất hiện do những nguyên nhân khác nhau:
3.1 Đối với loét áp tơ
Mặc dù các chuyên gia không chắc chắn về nguyên nhân chính xác dẫn đến nổi nhiệt dạng áp tơ, nhưng một số vấn đề được cho là có liên quan đến tình trạng này đó là sự căng thẳng, thiếu nghỉ ngơi và rối loạn miễn dịch.
3.2 Đối với lở miệng
Các viết nhiệt do bệnh lở miệng gây ra bởi virus herpes simplex type 1 – một loại virus lây lan qua tiếp xúc. Chúng sẽ xuất hiện quanh môi và vùng da quanh miệng và sau đợt phát nhiệt đầu tiên, các vết loét sẽ mọc cả bên trong miệng.
Trẻ nhỏ thường bị lây nhiệt dạng này từ người lớn, qua việc âu yếm và ôm hôn. Vì vậy đối với trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn nên hạn chế hôn bé cũng như tránh để người lớn khác hôn con. Nếu bạn nghi ngờ mình bị lở miệng do virus, hãy trao đổi với bác sỹ để được tư vấn về việc cho con bú.
3.3 Đối với các vết loét do bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là một bệnh do virus rất dễ lây lan và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Vì vậy nếu bạn nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng, hãy hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác hoặc đến nơi công cộng, đồng thời nên đưa trẻ đến bác sỹ để được giúp đỡ.
3.4 Đối với nhiệt do tổn thương vùng miệng
Tổn thương nhẹ vùng miệng là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ khi trẻ bị va đập khi nhai hay trong các hoạt động khác, thậm chí là khi đánh răng mạnh hoặc ăn đồ ăn nóng.
Các vết nhiệt này cũng là dạng lành tính và sẽ tự khỏi trong vài ngày.
4. Điều trị và chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng như thế nào
Mặc dù phần lớn các vết nhiệt miệng ở trẻ đều lành tính và có thể tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1-2 tuần tuy nhiên nếu bạn lo lắng về tình trạng của con thì hãy đưa bé đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế để được thăm khám.
Nếu trẻ bị nhiệt do virus, bác sỹ có thể cho con thuốc kháng virus để trẻ mau lành bệnh hơn. Ngoài ra đối với các vết nhiệt không phải do virus nhưng quá lớn hoặc lâu lành, bác sỹ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để xem có gì bất thường hay không.
Để chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng, bạn nên cho trẻ ăn thức ăn nguội, cho trẻ uống đủ nước và nghỉ ngơi đầy đủ. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc hay miếng dán giảm đau nào.
Bệnh nhiệt miệng ở trẻ em dù thường là không nguy hiểm nhưng bạn cũng cần theo dõi kỹ để loại trừ các bệnh dễ lây lan như tay chân miệng hay herpes. Nếu con mắc phải tình trạng này, bạn hãy chú ý cách chăm sóc cũng như chế độ ăn uống, vệ sinh hàng ngày để giảm sự khó chịu cho trẻ cũng như giúp con lành bệnh trong thời gian sớm nhất. Và một khi con lành bệnh cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ đã chiến thắng kẻ thù rất khó chịu
Theo Mayo Clinic và Colgate
Lily Nguyễn lược dịch và tổng hợp