1. Bệnh bạch hầu là gì
Căn bệnh bạch hầu do khuẩn bạch hầu gây ra. Loại vi khuẩn này tiết ra độc tố làm nhiễm độc nhiều cơ quan trong cơ thể như: cổ họng, mũi, hệ thần kinh, tim, thận. Nếu bị nặng và không điều trị kịp thời, bạch hầu có thể gây liệt, trụy tim, thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận, nặng nhất là tử vong.
Do nếu để nhiễm bệnh lâu, tỷ lệ biến chứng và tử vong rất cao nên chúng ta cần biết được các triệu chứng của bạch hầu để có thể điều trị một cách kịp thời.
2. Triệu chứng của bệnh bạch hầu
Các dấu hiệu nhiễm bệnh trong thời gian đầu rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm, vì vậy chúng ta không nên chủ quan. Thông thường, bệnh sẽ biểu hiện sau khoảng 2-5 ngày cơ thể bị nhiễm khuẩn. Các triệu chứng thường thấy gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Cổ sưng to
- Ho khan
- Đau cổ họng
- Da nhợt nhạt
- Sổ mũi
- Người khó chịu, mệt mỏi
Một biểu hiện quan trọng để đánh giá bệnh đó là sự xuất hiện màng nhầy màu trắng, xám hoặc đen, - dính và dễ chảy máu - ở mũi và họng.
Các triệu chứng khác có thể kèm theo như:
- Khó thở, nuốt khó
- Thay đổi tầm nhìn
- Nói lắp
- Dấu hiệu của sốc như da nhợt nhạt, đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh
Đối với khu vực có điều kiện vệ sinh kém hoặc vùng nhiệt đới, bệnh có thể phát triển thành bạch hầu da, biểu hiện thành các vết đỏ xung quanh khu vực bị nhiễm khuẩn.
Bệnh bạch hầu không những nguy hiểm vì biến chứng mà nó có thể gây ra, mà còn do khả năng dễ lây lan của nó. Chúng ta hãy cùng theo dõi những con đường lây lan của căn bệnh này nhé.
3. Phương thức lây lan của bạch hầu
Bạch hầu có thể lây từ người qua người qua đường hô hấp (khi tiếp xúc với nước bọt, nước mũi của người bệnh lúc ho hay hắt hơi), hoặc cũng có thể qua các vật dụng bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, người lành mang mầm bệnh dù không có biểu hiện gì vẫn có thể truyền bệnh cho người khác. Đối với trẻ em, vì các bé khá hiếu động, có thể tiếp xúc với nhiều vật dụng, đồ chơi ở nơi công cộng nên rất dễ lây bệnh nếu ở trong khu vực có dịch.
4. Điều trị bệnh bạch hầu như thế nào
Bạch hầu là căn bệnh nguy hiểm có thể gây các biến chứng nghiêm trọng, do vậy nếu được chẩn đoán bị bạch hầu, trước tiên thuốc kháng độc sẽ được tiêm vào cơ thể để khống chế độc tố do vi khuẩn sản xuất ra. Thuốc sẽ được tiêm liều lượng nhỏ trước sau đó tăng dần. Thuốc kháng sinh như erythromycin hoặc penicillin cũng được sử dụng để điều trị sự nhiễm khuẩn.
Người nhiễm bệnh cần nằm lại bệnh viện để theo dõi và hạn chế lây lan cho cộng đồng. Những người có tiếp xúc với người bệnh cũng sẽ được dùng kháng sinh.
5. Phòng bệnh bạch hầu ở trẻ em
Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả nhất cho trẻ là tiêm vaccine. Hiện nay mũi tiêm phối hợp 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi-màng não do vi khuẩn Hib) sẽ được tiêm cho trẻ vào 2,3,4 tháng tuổi. Khi trẻ được 18 tháng tuổi sẽ tiêm nhắc lại vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván để đảm bảo tác dụng phòng bệnh được cao nhất. Bên cạnh đó, nếu gia đình bạn nằm trong khu vực có dịch bệnh, hãy hạn chế cho trẻ đến khu vực đông người. Nếu ra ngoài hãy cho con mang khẩu trang y tế. Trong sinh hoạt, cả gia đình bạn nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đồng thời đồ chơi của con nên được vệ sinh sạch sẽ.
Bạn cũng nên biết rằng, mỗi vaccine chỉ có hiệu lực khoảng 10 năm, do vậy trẻ sẽ cần được tiêm nhắc lại khi được khoảng 12 tuổi.
Bệnh bạch hầu ở trẻ em là căn bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm vì trẻ là đối tượng dễ bị lây lan. Các biến chứng nếu xảy ra đối với trẻ cũng để lại hậu quả nặng nề hơn người lớn do cơ thể trẻ còn đang trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, nếu được tiêm ngừa đầy đủ, khả năng phòng bệnh của trẻ sẽ được tăng lên rất nhiều. Vì vậy, hãy tiêm ngừa bệnh bạch hầu cho trẻ đầy đủ, đúng thời điểm để giúp bảo vệ sức khỏe của con cũng như gia đình bạn và cả cộng đồng.
Theo Healthline
Lily Nguyễn lược dịch