Bệnh bạch hầu lây qua đường nào, cách phòng bệnh ra sao?

Từ đầu năm 2024, Việt Nam có ghi nhận một số ca bệnh bạch hầu. Điều này làm cho chúng ta hầu hết đều rất lo lắng. Mặc dù tình trạng bệnh được nhận định chưa phải là vấn đề phức tạp, tuy nhiên việc chủ động tìm hiểu kỹ và phòng ngừa bệnh là vô cùng cần thiết vì đây là bệnh có lây và dễ lây. Vậy bệnh bạch hầu lây qua đường nào, làm sao để phòng bệnh? Nội dung sau đây sẽ giúp chúng ta có giải đáp chi tiết cho những băn khoăn này.

banner ads

1. Về bệnh bạch hầu

Hẳn bạn cũng phần nào biết, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng/ nhiễm khuẩn cấp tính dễ lây. Bệnh do độc tố một số chủng vi khuẩn tên Corynebacterium diphtheriae gây ra. Độc tố tác động nghiêm trọng đến các vùng niêm mạc họng, mũi và có thể là da.

Bệnh bạch hầu nếu mắc phải, người bệnh có thể được điều trị khỏi bằng thuốc. Dù vậy, ở những giai đoạn phát triển của bệnh, người bệnh có thể bị tổn thương thận, hệ thần kinh và tim. Với những trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể bị tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. 

C. diphtheriae
Bệnh bạch hầu do độc tố một số chủng vi khuẩn tên Corynebacterium diphtheriae gây ra. Ảnh Wikimedia 

2. Bệnh bạch hầu lây qua đường nào?

Như đã đề cập bệnh bạch hầu là bệnh dễ lây. Bệnh có thể lây ở các trường hợp tiêu biểu như:

2.1. Lây qua các giọt bắn trong không khí

Bệnh bạch hầu lây qua các giọt bắn trong không khí. Đây là đường lây phổ biến nhất. Ví dụ một người nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho, các giọt bắn họ tạo ra có vi khuẩn. Khi đó, những người ở gần có thể hít phải vi khuẩn qua các giọt bắn có chứa vi khuẩn. Cách này càng dễ lây lan ở những không gian có đông người, các khu vực dân cư đông đúc.

2.2. Lây qua các vật dụng cá nhân hoặc đồ dùng khác

Đồ dùng cá nhân của người bệnh đã qua sử dụng hoặc các vật dụng có nhiễm vi khuẩn đều có thể khiến người khác bị lây nếu họ tiếp xúc phải. Các đồ dùng cá nhân phổ biến hay sử dụng hàng ngày như khăn giấy, bàn chải đánh răng, tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi...

banner ads

2.3. Bệnh bạch hầu có thể lây qua vết thương hở

Nếu người bệnh có vết thương bị nhiễm trùng, các vết thương này cũng có thể lây truyền vi khuẩn gây bệnh cho người khác khi họ chạm vào. 

Vết thương hở
Vết thương hở dễ lây truyền vi khuẩn. Ảnh Pixabay 

2.4. Trường hợp khác

Những ai chưa tiêm vaccine bạch hầu dễ bị lây bệnh hơn người đã tiêm phòng. 

3. Các yếu tố nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu

Là bệnh dễ lây, chúng ta cũng cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Nắm được điều này cũng là một cách để phòng ngừa bệnh và tránh lây bệnh. Các yếu tố nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu điển hình bao gồm:

  • Những người không hoặc chưa tiêm vaccine ngừa bệnh bạch hầu một cách đầy đủ
  • Những người đang sống trong điều kiện đông đúc hoặc vệ sinh kém
  • Những khu vực có tỉ lệ tiêm vaccine bạch hầu thấp
  • Khu vực đang có bệnh bạch hầu
  • Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh
Đông đúc
Khu vực có dân cư quá đông đúc cũng là yếu tố nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Ảnh Pixabay 

4. Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu

4.1. Tiêm vaccine - cách phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả nhất

Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu tốt nhất vẫn là tiêm vaccine. Vaccine bạch hầu không có vaccine đơn mà thường được kết hợp. Phổ biến nhất hiện nay có vaccine 3 trong 1 tiêm phòng ngừa bạch hầu, uốn ván và ho gà. Nếu không, có thể tiêm vaccine 6 trong 1 có kháng nguyên bạch hầu.

Từ trước đến nay chúng ta thường chủ yếu quan tâm đến bệnh bạch hầu ở trẻ em , thực tế người lớn cũng có thể bị bệnh này. Do đó, tiêm vaccine bạch hầu là cần thiết với mọi người không chỉ có riêng trẻ em. Những trường hợp đã tiêm vaccine vẫn cần mũi tiêm nhắc sau 10 năm. Tiêm nhắc vaccine bạch hầu cũng rất quan trọng nhất là với những ai thường xuyên đi du lịch hoặc tiếp xúc, hay đi đến các khu vực có nguy cơ cao về bệnh này.

Lưu ý

Trong trường hợp tiêm vaccine bạch hầu hay tiêm nhắc đều cần trao đổi với bác sỹ. 

Tiêm vaccine
Tiêm vaccine là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu. Ảnh Pixabay 

4.2. Dùng thuốc kháng sinh

Những ai tiếp xúc gần với người bị bệnh bạch hầu được khuyên:

Dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa bị bệnh. Đồng thời họ cần kết hợp:

+ Theo dõi bệnh

+ Xét nghiệm bệnh bạch hầu

+ Tiêm vaccine bạch hầu nếu chưa tiêm

Lưu ý

Các cơ sở y tế sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể. Từ đó họ sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh phù hợp.

5. Cần làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh?

Khi nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu hoặc ở trong phạm vi tiếp xúc gần với người bệnh bạn cần:

  • Đến cơ sở y tế để kiểm tra, khai báo.
  • Tuân thủ và cộng tác tích cực với cơ sở y tế dù là điều trị bệnh hay điều trị dự phòng.

Bạn và Yeutre.vn vừa tìm hiểu nhanh chủ đề bệnh bạch hầu lây qua đường nào. Dù là bệnh chữa trị được và có vaccine phòng ngừa nhưng chúng ta vẫn cần hiểu rõ về bệnh. Việc hiểu rõ bệnh giúp mọi người chủ động phòng ngừa tốt hơn. Đồng thời, nếu ở trong tình trạng có nguy cơ lây nhiễm cao, chúng ta vẫn bình tĩnh xử lý đúng và thực hiện các bước cần thiết nhằm giữ sức khỏe, cũng như tránh làm lây lan bệnh trong cộng đồng.

Cát Lâm tổng hợp và lược dịch

Nguồn tham khảo :
  • VNVC, Bệnh bạch hầu: Nguyên nhân và triệu chứng nhận biết
  • VNCDC, Bệnh bạch hầu
  • Mayoclinic.org, Diphtheria
  • Cdc.gov, Diphtheria
  • Nhs.uk, Diphtheria
  • Hữu Ích Đáng tin cậy

      CHỦ ĐỀ MỚI