Bé sơ sinh bị cảm phải làm sao mẹ đã biết?

Bé sơ sinh bị cảm phải làm sao có lẽ là câu hỏi rất nhiều mẹ có con lần đầu khá băn khoăn. Vì ở trẻ sơ sinh hệ miễn dịch còn non yếu, và việc chăm sóc bé đòi hỏi các cha mẹ phải rất chú ý, đặc biệt khi con bị ốm. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này, để có thêm thông tin, xử lý tốt hơn phòng khi con gặp các vấn đề thông thường liên quan đến sức khỏe nhé. 

banner ads
Bé sơ sinh bị cảm
Bé sơ sinh bị cảm phải làm sao có lẽ là điều mẹ nào có con lần đầu cũng đều rất băn khoăn. Ảnh Internet

1. Bé sơ sinh bị cảm phải làm sao?

1.1. Nên nắm tổng quát về bệnh cảm ở trẻ sơ sinh

Chúng ta biết rằng hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh đều rất non yếu và cần một khoảng thời gian nhất định để phát triển hoàn thiện. Điều này khiến các bé dễ bị nhiễm virus gây cảm lạnh.

Có đến hơn 200 loại virus có thể gây bệnh cảm cho bé sơ sinh. Nhưng may mắn thay, hầu hết chúng sẽ giúp bé tăng khả năng miễn dịch. Mặc dù vậy, cơn cảm lạnh đầu tiên thường khiến cha mẹ thấy lo lắng và sợ hãi hơn cả.

Một điều đáng lưu ý là các em bé có thể bị cảm lạnh ở mọi lứa tuổi và ở mọi thời gian trong năm. Trên thực tế bé có khả năng bị từ 8-10 lần cảm mỗi năm trong 2 năm tuổi đầu tiên. Nếu bé có anh chị lớn hơn thì tỷ lệ bị cảm còn cao hơn.

Cảm lạnh thông thường ở trẻ sơ sinh không phải là tình trạng đáng lo ngại. Tuy nhiên đôi khi nó có thể nhanh chóng tiến triển thành các bệnh bạch hầu thanh quản hay viêm phổi. Vì vậy, bạn cần báo cho bác sĩ nếu bé có biểu hiện bị cảm, đặc biệt khi kèm theo sốt.

Triệu chứng tiêu biểu đầu tiên của bệnh cảm ở bé sơ sinh đó là nghẹt mũi và chảy nước mũi. Ban đầu nước mũi của bé có thể lỏng và trong, nhưng dần chuyển sang đặc và vàng lục trong vài ngày. Điều này là bình thường và không có nghĩa là bệnh cảm của con đang trở nên nặng hơn. 

Bé sơ sinh bị sổ mũi
Triệu chứng tiêu biểu đầu tiên của bệnh cảm ở bé sơ sinh là nghẹt mũi và chảy nước mũi. Ảnh Internet 

Các triệu chứng khác khi bé bị cảm có thể bao gồm:

  • Bé quấy khóc
  • Bé bị sốt
  • Bé bị ho đặc biệt là vào ban đêm
  • Bé bị hắt hơi
  • Bé giảm bú
  • Bé khó bú (bú mẹ hoặc bú bình) do bị nghẹt mũi
  • Bé bị khó ngủ hoặc ngủ không ngon (cũng do tình trạng nghẹt mũi)

Triệu chứng của bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh có thể giống với triệu chứng của một số căn bệnh nguy hiểm khác như trẻ sơ sinh bị cảm cúm , bị bạch hầu thanh quản và bị bệnh viêm phổi. Điều này làm cho việc đoán bệnh ở nhà của ba mẹ sẽ trở nên thực sự căng thẳng. Vì vậy, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để bé được chẩn đoán chính xác nhất.

Bạn có thể tham khảo thêm triệu chứng của các căn bệnh trên cụ thể như dưới đây, để có cách xử lý đúng, kịp thời, nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ, cũng như giúp con mau khỏi bệnh hơn. 

Bé bị ho
Bé bị ho cũng có thể là một triệu chứng khác của cảm. Ảnh Internet 

1.2. Bệnh cúm

Bên cạnh một số triệu chứng tương tự như cảm, bé có thể bị thêm:

  • Ớn lạnh
  • Nôn
  • Tiêu chảy

Ngoài ra có những triệu chứng mà bạn không thể nhìn thấy được như bé bị đau đầu, nhức mỏi hoặc đau họng.

1.3. Bệnh viêm phổi

Cảm lạnh có thể tiến triển thành viêm phổi một cách nhanh chóng trong một số trường hợp. Các triệu chứng tiêu biểu liên quan có thể gồm:

  • Bé bị ớn lạnh và run
  • Da bé bị ửng đỏ
  • Bé bị đổ mồ hôi
  • Bé sốt cao
  • Bé bị đau bụng hoặc dễ kích ứng
  • Bé ho nặng hơn
  • Bé thở nhanh hoặc khó thở

Môi hoặc đầu ngón tay em bé của bạn cũng có thể bị xanh tái ở nhiều mức độ, điều này cho thấy con đang bị thiếu oxi, lúc này bạn cần đưa con đến gặp bác sĩ ngay lập tức. 

Bé sốt
Bé sốt cao cũng có khả năng liên quan đến bệnh viêm phổi chứ không đơn thuần là cảm. Ảnh Internet 

1.4. Bệnh bạch hầu thanh quản

Nếu bệnh cảm của bé tiến triển thành bạch hầu thanh quản, con có thể bị:

  • Khó thở
  • Khàn giọng
  • Ho khan. Tiếng thở của con nghe cũng có vẻ khó chịu như tiếng khò khè .

1.5. Bệnh RSV – virus hợp bào hô hấp

Đây là một nguyên nhân nghiêm trọng gây nhiễm trùng đường hô hấp có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng nó đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh vì đường thở của các bé chưa phát triển đầy đủ. Triệu chứng của bệnh do RSV thường nhẹ và giống cảm lạnh, bên cạnh đó, bé có thể biểu hiện một số triệu chứng khác như:

  • Bé lừ đừ và buồn ngủ
  • Bé khó chịu, ngủ không ngon
  • Bé bú kém
  • Bé cáu kỉnh và quấy khóc
  • Bé không hứng thú với những thứ xung quanh 
Bé quấy khóc
Bé cáu kỉnh và quấy khóc bạn cần lưu ý vì có thể tình trạng của con liên quan đến bệnh RSV. Ảnh Internet 

1.6. Bệnh viêm phế quản

Đây là tình trạng phổ biến nhất khiến các bé sơ sinh phải thường xuyên nhập viện, thường do virus RSV gây ra. Ngoài các triệu chứng bệnh cảm, triệu chứng phổ biến của viêm phế quản có thể gồm:

  • Bé khó thở
  • Da bé xanh tái do thiếu oxi
  • Bé mệt mỏi
  • Bé thở nhanh
  • Bé bị ho
  • Bé bị nghẹt mũi
  • Bé bị khò khè và trong trường hợp nghiêm trọng ngực bé lõm sâu khi thở (lúc này bạn phải đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức) 
Bé mệt mỏi
Mệt mỏi có thể là một triệu chứng của bệnh viêm phế quản. Ảnh Internet 

Như vậy, việc nắm qua triệu chứng của bệnh cảm hay một số bệnh khác mà trẻ dễ gặp phải như trên hẳn sẽ giúp mẹ có thể phân biệt dễ dàng hơn tình trạng mà trẻ gặp phải. Điều này sẽ thuận lợi để mẹ có cách xử lý phù hợp, nhanh chóng, nhằm giúp trẻ được điều trị đúng bệnh, đúng lúc và kịp thời.

2. Nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh ở bé sơ sinh

Một tên gọi khác của bệnh cảm lạnh thông thường ở trẻ sơ sinh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus. Không giống như nhiễm trùng do vi khuẩn, bệnh do virus không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh, nên chúng thường được điều trị để làm giảm triệu chứng bệnh hơn.

Bé có thể bị lây bệnh từ:

  • Virus trong dịch tiết từ người bệnh trong không khí (nếu bé hít phải hay chạm phải và đưa lên mũi, miệng)
  • Các bề mặt chứa dịch tiết của người bệnh (khi bé chạm vào và đưa lên mũi, miệng)
  • Người bệnh (khi tiếp xúc trực tiếp)

Do tính dễ lây lan của virus nên bé có thể dễ dàng bị nhiễm bệnh khi ở gần anh chị lớn, khi đến phòng khám của bác sĩ, khi người khác ôm, bế, hay trong khi đang đi đến cửa hàng với mẹ.

Thông thường, em bé bú mẹ có sức đề kháng tốt hơn bé bú sữa công thức. Do con được nhận tất cả hoặc một phần khả năng miễn dịch của mẹ đối với các bệnh mà cô ấy đã từng mắc phải. Vì vậy khả năng bị nhiễm bệnh của các bé này sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn miễn dịch với cảm lạnh. 

Bé nhăn mặt
Bé bú mẹ có đề kháng tốt nhưng không có nghĩa là con hoàn toàn miễn dịch với cảm lạnh. Ảnh Internet 

3. Khi nào bạn cần đưa bé đến bác sĩ

Bé sơ sinh dưới 2-3 tháng tuổi nên được đưa đến gặp bác sĩ nếu bị cảm lạnh. Điều này sẽ giúp loại trừ một số tình trạng nghiêm trọng, đồng thời cũng giúp bạn thấy yên tâm hơn.

Một điều bạn hãy lưu ý đó là mặc dù sốt là biểu hiện cho thấy cơ thể bé đang chiến đấu chống lại virus, nhưng nếu bé dưới 2-3 tháng tuổi sốt 30 độ C (100,4 độ F) hoặc cao hơn, thì bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Đối với các bé lớn hơn, từ 3-6 tháng tuổi thì cần được thăm khám khi nhiệt độ sốt ở 39 độ C (101 độ F) hoặc cao hơn.

Nếu bé bị sốt kéo dài hơn 5 ngày thì bạn hãy đưa bé đi khám bất kể độ tuổi của con là bao nhiêu.

Bạn hãy chú ý đến những biểu hiện của bé khi bị cảm, và đưa con đến cơ sở y tế hoặc bác sĩ nếu con có bất cứ triệu chứng nào sau đây:

  • Bé nổi mẩn đỏ
  • Bé bị nôn mửa
  • Bé bị tiêu chảy
  • Bé khóc bất thường
  • Bé bị ho dai dẳng
  • Bé bị khó thở
  • Ngực bé lõm sâu vào khi thở
  • Bé có dịch tiết từ mũi hoặc miệng đặc hoặc có máu
  • Bé bị sốt kéo dài trên 5-7 ngày
  • Bé chà xát tai hay biểu hiện sự khó chịu ở bất cứ bộ phận nào của cơ thể
  • Bé bị mất nước (biểu hiện qua việc ướt tã ít hơn bình thường)
  • Bé bỏ bú
  • Môi hoặc móng tay bé tím tái 
Bác sỹ khám cho bé
Nếu bé có dịch tiết đặc từ mũi hoặc miệng bạn cần mang bé đi khám. Ảnh Internet 

4. Chăm sóc bé bị cảm cúm tại nhà

Điều trị cảm tại nhà cho bé sơ sinh gồm những việc giúp bé thấy dễ chịu hơn.

Những việc bạn nên làm:

  • Cung cấp cho bé nhiều chất lỏng bao gồm cả sữa mẹ và sữa công thức. Đối với bé trên 6 tháng tuổi, bạn có thể cho con uống thêm một chút nước
  • Dùng nước muối sinh lý để nhỏ và rửa mũi cho bé
  • Làm ẩm không khí trong phòng bé

Những việc bạn không nên làm:

  • Không tự ý cho bé uống kháng sinh vì chúng không có tác dụng đối với bệnh do virus
  • Thuốc hạ sốt (không theo đơn) bao gồm Tylenol cho trẻ sơ sinh, không dùng cho những bé dưới 3 tháng tuổi. Bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi cho bé dưới 1 tuổi dùng bất kỳ loại thuốc không theo đơn nào, kể cả thuốc hạ sốt
  • Không bao giờ cho trẻ uống aspirin
  • Thuốc ho không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi
  • Không dùng dầu thoa giảm ho đối với bé (bôi trên da hay qua mũi), kể cả những loại có công thức dành cho trẻ nhỏ vì chúng có thể gây hại cho đường thở của bé
  • Không để bé ngủ ở tư thế nằm úp

Ngoài những việc trên, không có cách điều trị đặc hiệu nào đối với bệnh cảm lạnh ở bé sơ sinh. Điều tốt nhất bạn có thể làm là luôn ở gần và đảm bảo bé được thoải mái dễ chịu để có thời gian nghỉ ngơi mà bé cần. 

Mẹ cầm tay bé
Nếu bé bị cảm, bạn hãy luôn ở bên để con cảm thấy dễ chịu thoải mái. Ảnh Internet 

5. Bệnh cảm ở bé kéo dài bao lâu

Trung bình, một đợt bệnh cảm của bé kéo dài từ 9-10 ngày, bao gồm cả khoảng thời gian bé đã nhiễm bệnh nhưng chưa biểu hiện triệu chứng và cả thời gian bé vẫn ăn ngủ bình thường nhưng bắt đầu bị sổ mũi .

6. Phòng tránh bệnh cảm ở bé như thế nào

Bú mẹ có thể giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể bé, đặc biệt nếu bé được bú sữa non lúc mới sinh.

Ngoài ra, dù bạn không thể giữ bé trong một môi trường kín hay vô trùng nhưng bạn có thể thực hiện một số việc sau để phòng tránh một số loại vi trùng phổ biến, trong đó có virus cảm như:

  • Bạn hãy thường xuyên rửa tay và yêu cầu các vị khách đến thăm cũng làm như vậy
  • Bạn hãy tránh tiếp xúc với người bệnh, và vệ sinh những bề mặt mà người khác chạm vào sau khi ho và hắt hơi
  • Bạn hãy yêu cầu những người tiếp xúc với em bé của bạn hắt hơi hay ho vào khuỷu tay thay vì bàn tay
  • Bạn hãy hạn chế cho bé tiếp xúc với các trẻ lớn khác (nếu có thể), nhất là khi trẻ lớn có triệu chứng cảm
  • Bạn hãy chắc chắn rằng những người lớn hoặc trẻ lớn trong nhà đã được tiêm phòng ho gà và cúm
Rửa tay
Bạn thường xuyên rửa tay để bảo đảm sức khỏe cho bé. Ảnh Internet

Bé sơ sinh bị cảm phải làm sao có thể đã từng khiến nhiều cha mẹ lo lắng, nhưng qua những thông tin trên, hy vọng sẽ có ích cho các mẹ đang có con nhỏ, phần nào giúp mọi người bớt căng thẳng đi. Chúng ta cần biết rằng cảm do virus rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Căn bệnh này thường không nghiêm trọng nhưng nó vẫn có thể tiến triển thành những tình trạng nguy hiểm hơn. Vì vậy, dù không nên quá lo lắng khi em bé của mình bị cảm, nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt khi bé dưới 2-3 tháng tuổi để chắc chắn rằng mình có cách xử lý đúng đắn nhất bạn nhé.

Theo Healthline

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI