Bé gái teo thực quản do uống nhầm nước tro tàu làm bánh

Uống nhầm chai nước tro tàu dùng để làm bánh, bé gái 4 tuổi phải trải qua hơn 4 tháng nong thực quản tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM).

banner ads

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh nhi Phạm Thị Mai Lan nhập viện lần đầu cách đây 4 tháng. Tình trạng bên ngoài của bé không phồng rộp nghiêm trọng, được đánh giá là bỏng độ 2 nên các bác sĩ đặt stent liên tục trong 3 tuần lễ đầu giúp thực quản không dính. Sau khi rút stent ra để theo dõi, xác định thực quản teo hẹp, bệnh nhi được trải qua 4 lần nong thực quản.

35343-img-2629-jpg-6178-1444285144.jpg

Bà nội Trương Thị Lan cho biết trải qua 4 tháng nong thực quản, bé vẫn chưa thể ăn cơm trở lại bình thường, chỉ ăn cháo và uống sữa. Ảnh: Lê Phương.

"Trải qua 4 tháng điều trị, tưởng thực quản ổn không dính hẹp nữa nhưng về nhà một thời gian thì bé ăn không được nên phải trở lên nhập viện vào chiều 5/10", bác sĩ Sơn cho biết. Bé sẽ được tái khám theo dõi nong thực quản trong ít nhất một năm để đánh giá tình hình.

Theo bác sĩ Sơn, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận chừng 15-20 trẻ bỏng thực quản do acid, kiềm. Thường gặp là acid từ bình ắc quy, làm vàng..., kiềm từ chất tẩy rửa, nước tro tàu làm bánh. Acid khi uống nhầm thường bỏng dữ dội nên phụ huynh nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Chất kiềm thường ngấm ngầm, nhìn bên ngoài không đánh giá được tổn thương nên người nhà có thể chủ quan bỏ qua, đến khi nhập viện thì tổn thương đã nặng nề, teo hẹp thực quản.

banner ads

Bỏng thực quản ở mức độ nặng, điều trị trễ sẽ gây viêm, gây loét và di chứng nặng nề nhất là teo hẹp thực quản, chữa rất khó và tốn thời gian lâu dài. Nhiều trường hợp phải mổ sử dụng ruột già để tái tạo thực quản cho trẻ rất phức tạp.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo, xử trí ban đầu đơn giản nhất khi trẻ uống nhầm acid, kiềm là lấy nước lọc để rửa vết thương, cho em bé uống. Nhiều ý kiến cho rằng nếu trẻ uống chất kiềm thì lấy chanh vắt vô nước để dung hòa nhưng việc này có thể gây nguy hại vì không biết nồng độ bao nhiêu là hợp lý. Nếu bỏng acid thì lấy sữa tươi cho trẻ uống do sữa có tính chất kiềm nhưng cũng sẽ dẫn tới trường hợp không biết uống bao nhiêu, uống thế nào, có gây nhiễm trùng thêm ra hay không.

Theo VNE

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI