Hầu hết tình trạng sổ mũi ở trẻ sơ sinh là biểu hiện cơ thể bé chống lại tác nhân gây bệnh khi thời tiết có sự thay đổi. Đối với các bố mẹ đã có nhiều kinh nghiệm thì điều này có thể không đáng ngại, nhưng đối với những ai lần đầu làm cha mẹ thì nó không phải là chuyện đơn giản. Yeutre.vn sẽ giúp các chị em giải tỏa nỗi lo âu qua những thông tin dưới đây.
1. Phương pháp điều trị khi bé bị sổ mũi lâu ngày
Khi bé bị sổ mũi lâu ngày, các mẹ nên áp dụng những phương pháp điều trị sổ mũi sau đây:
- Áp dụng chế độ ăn giàu vitamin và khoáng chất từ rau, củ, quả. Những vitamin như C, E, A giúp hệ miễn dịch của bé được củng cố, đồng thời khiến tình trạng bé bị sổ mũi lâu ngày được cải thiện đáng kể. Lời khuyên cho các mẹ là nên bổ sung cho bé các nhóm rau, hoa quả xanh giàu chất chống oxy hóa như: bông cải xanh, cà rốt, quả mọng... Các mẹ cũng nên cho các bé ăn nhiều chế phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa chua vì nó rất có lợi cho hệ tiêu hóa và miễn dịch của bé.
- Bổ sung lượng nước hằng ngày cũng là phương pháp giúp hỗ trợ điều trị bé bị sổ mũi lâu ngày. Nhờ nước, độc tố trong cơ thể bé sẽ nhanh chóng được đào thải. Đó là chưa kể đến việc khi bị sổ mũi lâu ngày, bé thường mất nước, dẫn đến khô họng, viêm họng.
- Ngoài ra, các chị em cũng có thể áp dụng các bài thuốc, thực phẩm dân gian đối với các bé ăn dặm như cháo hành - tía tô, cháo gà, cháo trứng…xay nhuyễn để trị cảm, giữ ấm, nhất là khi bé bị sổ mũi lâu ngày kèm theo triệu chứng ho khan, ho có đờm.
- Biện pháp tiếp theo giúp hỗ trợ điều trị tình trạng bé bị sổ mũi lâu ngày là giữ vệ sinh phòng ở, môi trường xung quanh, tránh bụi bẩn, ô nhiễm… để tạo không gian thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè và đủ ấm vào mùa đông cho bé.
- Các mẹ cũng có thể rửa mũi cho con bằng nước muối sinh lý 4 - 6 lần/ ngày theo sự hướng dẫn của các nhân viên y tế.
Tuy nhiên, các mẹ nên lưu ý rằng: Trong trường hợp nếu bé bị sổ mũi lâu ngày mà xuất hiện một số triệu chứng tăng nặng như: sốt cao, nước mũi trở nên đặc quánh và chuyển màu xanh… thì cần đưa trẻ đi khám và uống thuốc đúng theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ để đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
2. Cách phòng ngừa tình trạng bé bị sổ mũi lâu ngày
Để hạn chế tình trạng sổ mũi kéo dài của các bé sơ sinh, cha mẹ nên thực hiện những điều sau đây:
- Thứ nhất, bố mẹ nên cho trẻ ngủ đủ giấc (thời gian ngủ trung bình cho trẻ sơ sinh là khoảng 18h/ 1 ngày) để đảm bảo sức đề kháng cho bé. Như vậy, virus, vi khuẩn khó có thể xâm nhập gây bệnh, ảnh hưởng sức khỏe của bé.
- Thứ hai, các mẹ phải giữ vệ sinh cá nhân, đồng thời giữ vệ sinh cho bé, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Các mẹ nên tránh cho bé ngậm mút đồ chơi cũng như các vật dụng cá nhân để hạn chế tối đa tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm virus.
- Thứ ba, các mẹ nên lựa chọn quần áo thích hợp cho bé , không nên cho bé mặc quần áo quá nóng hoặc quá lạnh. Khi mùa đông đến, chị em cũng không nên ủ ấm thái quá cho bé, sẽ dễ khiến mồ hôi toát ra và thấm lại làm bé bị cảm gây ra ho, thậm chí có thể khiến bé bị sổ mũi lâu ngày.
Có thể nói, bé bị sổ mũi lâu ngày chính là nỗi lo chung của nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nếu nắm rõ các phương pháp điều trị sổ mũi cũng như cách phòng tránh hợp lý nói trên, Yeutre.vn tin rằng các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm chăm sóc bé yêu nhà mình thật tốt. Chúc các mẹ luôn vui khỏe nhé!
Mỹ Tiên tổng hợp