1. Thành phần dinh dưỡng cần thiết cho trẻ 6 tháng tuổi
Ở 6 tháng tuổi, mặc dù sữa mẹ vẫn là thức ăn chính, chứa đến 3/4 tổng lượng thức ăn mỗi ngày cho trẻ, nhưng đây là thời điểm hệ tiêu hóa của con đã tốt hơn, con nên được bắt đầu cần làm quen với thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Bước chuẩn bị và giới thiệu này rất cần thiết để ở những tháng sau, khi nhu cầu dinh dưỡng của con tăng nhiều, việc bổ sung thức ăn ngoài sữa sẽ không gặp khó khăn.
Sau 1-2 tuần làm quen với thực phẩm mới, chế độ ăn dặm hằng ngày của bé bắt đầu nên được cung cấp đủ 4 nhóm chất cần thiết: bột đường, chất đạm, vitamin và các khoáng chất cần thiết. Mẹ cũng nên bổ sung thêm những thực phẩm có màu sắc như: màu xanh của rau, màu đỏ, màu vàng hay màu cam của các loại củ quả khác nhau, để con hấp thu được nguồn dưỡng chất và vitamin phong phú dồi dào.
2. Bé 6 tháng tuổi ăn được những gì?
Như đã đề cập ở trên, 6 tháng tuổi là giai đoạn tập ăn các thực phẩm mới, bé cần được làm quen các nhóm thực phẩm, vì những nhóm thực phẩm này còn bảo đảm chế độ dinh dưỡng của bé được đầy đủ. Tuy nhiên, cũng vì còn ở bước khởi đầu nên số lượng và loại thực phẩm đầu tiên tập cho con ăn là hạn chế. Thực phẩm sẽ chỉ bao gồm các loại phù hợp nhất với hệ tiêu hóa ở giai đoạn này của bé.
Mẹ có thể tham khảo cụ thể hơn về những loại thực phẩm cho bé 6 tháng tuổi được liệt kê như dưới đây:
2.1 Rau củ và trái cây
Rau củ
Rau củ là những thực phẩm đầu tiên lành mạnh cho bé. Những loại rau củ tiêu biểu, thích hợp cho thực đơn của bé 6 tháng tuổi có thể kể đến như: khoai lang, bí đỏ, bí ngòi, cà rốt, đậu cô ve, súp lơ xanh và trắng, rau dền, rau đay, rau ngót, rau bina, củ cải trắng, cải bắp, măng tây, cà chua và khoai tây.
Trái cây
Các loại trái cây mẹ có thể tập cho bé ở giai đoạn này như: chuối, bơ, táo, lê, mận, kiwi và một số loại quả mọng.
2.2 Ngũ cốc
Ngũ cốc giàu dinh dưỡng và tinh bột là nhóm thực phẩm không thể thiếu, trong thực đơn tập ăn dặm cho bé ngay từ bước đầu. Mẹ có thể chọn một số loại gạo ngon như gạo tám thơm, gạo lứt giàu dinh dưỡng, hay yến mạch, hạt quinoa để nấu cháo cho bé , cũng như có thể dùng một số thực phẩm được chế biến từ các loại hạt này.
2.3 Nhóm thực phẩm giàu chất đạm và sắt
Sau khi con đã làm quen tốt với nhóm rau củ quả, mẹ bắt đầu có thể giới thiệu cho bé nhóm thực phẩm giàu đạm và chất sắt. Thực phẩm giàu đạm và sắt phù hợp cho bé ăn ở thời điểm này là thịt cá trắng như cá quả chẳng hạn, thịt ức gà, thịt nạc heo, thịt thăn bò, phi lê cá hồi, thịt lươn, trứng và đậu phụ.
2.4 Sữa và chế phẩm sữa
Ngoài sữa công thức phù hợp với bé, mẹ có thể cho bé dùng phô mai kem với hàm lượng phù hợp. Bé 6 tháng tuổi có thể tiêu thụ 10-12g phô mai kem/ ngày. Ngoài việc cho bé dùng phô mai kem như bữa phụ, phô mai kem cũng có thể được sử dụng kết hợp chế biến các món cháo, rau, củ quả nghiền cho bé ăn dặm, để tăng độ béo, thay đổi thực đơn ăn dặm cho bé và kích thích bé ăn ngon miệng hơn.
3. Lưu ý chế biến thực phẩm cho bé ăn dặm ở độ tuổi 6 tháng
Vì 6 tháng là độ tuổi tập ăn dặm, chủ yếu mẹ giới thiệu thực phẩm cho bé vì vậy nên bắt đầu lượng ít và từng loại một. Khi con quen với loại thực phẩm mẹ giới thiệu, mới chuyển sáng thực phẩm khác hoặc kết hợp với các loại thực phẩm khác để đổi vị cho con.
Sau khi con làm quen với rau củ quả và tiếp nhận tốt, mẹ mới nên giới thiệu cho con nhóm thực phẩm giàu tinh bột và sau đó là nhóm thực phẩm giàu đạm có mùi tanh.
Thức ăn ở giai đoạn này cần bảo đảm có độ nhuyễn mịn, từ lỏng đến đặc để bé có thể thích ứng từ từ, tốt cho tiêu hóa của bé hơn.
Mẹ cũng đặc biệt lưu ý, ở 6 tháng, không nêm gia vị muối, nước mắm hay đường vào thức ăn của bé. Vì, dưới 1 tuổi, lượng muối đường tự nhiên có sẵn trong thực phẩm đã đủ cho nhu cầu của bé.
Đến đây, có thể mẹ đã thấy, bé 6 tháng tuổi ăn được những gì quả thực là một chủ đề hay cần phải xem xét kỹ hơn và chi tiết hơn. Bởi, dù con đã bắt đầu ăn dặm nhưng không phải thực phẩm nào con cũng có thể tiếp nhận ngay được. Hy vọng những chia sẻ này thực sự hữu ích cho mẹ, để mẹ có những chọn lựa thật thích hợp, giúp quá trình ăn dặm của con thực sự có kết quả tốt, mà mẹ cũng không phải quá lo lắng mệt mỏi, khi chăm từng bữa ăn cho con.
Cát Lâm tổng hợp