Phạt trẻ liệu có là cách giáo dục hiện đại?
Thiết lập trước quy định
Đây là tập hợp những quy định nhỏ mà bạn nên đưa ra cho con trẻ từ trước, áp dụng hàng ngày. Quy định không nên áp cho riêng các con mà bao gồm tất cả thành viên trong gia đình, kể cả ba mẹ, nhằm tạo sự công bằng và cho trẻ thấy mình không phải là “trường hợp cá biệt”.
Các quy định nên bao gồm chuyện vui chơi của trẻ, giờ giấc xem ti vi, học hành, thói quen ăn uống, nghỉ ngơi…
Giữ bình tĩnh, không nổi nóng
Tâm lý ba mẹ khi thưởng thì vui sướng, cười nói nhưng khi phạt hay kỷ luật con thì hay nổi nóng, mất bình tĩnh. Điều này không có lợi chút nào về hiệu quả lẫn sự tác động đến con. Trẻ có thể “đáp trả” khi bị dồn ép thái quá hoặc học hỏi thói quen giận dữ của ba mẹ, do vậy cần phải thận trọng.
Ba mẹ tuyệt đối không nên nổi nóng khi trẻ làm sai việc gì
Thay vào đó, ba mẹ nên giữ bình tĩnh, lắng nghe con và giải thích cho con hiểu con đã làm sai như thế nào, và bất cứ ai trong nhà làm sai những quy định đặt ra sẽ đều bị kỷ luật, nặng nhẹ tùy mức độ và độ tuổi. Hãy cho con thấy, kỷ luật không phải để vạch tội con, tố cáo con là người xấu mà là cách để chúng ta cùng lớn lên mỗi ngày, sống tốt hơn.
Tránh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”
Nếu đã có quy định và muốn kỷ luật con, ba mẹ cần thống nhất với nhau, tránh mỗi người mỗi ý hay thậm chí ba kỷ luật mẹ phản đối, bênh vực hoặc ngược lại. Ba mẹ thường bất đồng với nhau ở hình thức và mức độ kỷ luật con, vì vậy cần tìm tiếng nói chung từ trước. Nếu một trong hai người cảm thấy “yếu lòng”, thì chỉ nên dỗ dành con khi đã thực hiện xong kỷ luật, tránh can thiệp nửa chừng khiến con ỷ lại, lâu ngày sẽ quen.
Thưởng sau khi kỷ luật
Để khuyến khích con thực hiện kỷ luật, hay thậm chí vì yêu cầu mà con không nghe lời nên nhiều ba mẹ vội vàng dùng đến “hạ sách”: Nếu con đồng ý thực hiện những quy định, kỷ luật ba mẹ đưa ra, ba mẹ sẽ… thưởng cho con!
Không khen thưởng khi con chấp hành tốt kỷ luật, chỉ nên động viên khen ngợi con dám làm dám chịu
Điều này cực kỳ sai lầm vì vô hình chung sẽ khiến trẻ xem đó như lần điều hiển nhiên, lần sau nếu trẻ không được thưởng thì sẽ không “thi hành” kỷ luật do ba mẹ đặt ra. Tệ hơn, ý nghĩa thật sự của chuyện kỷ luật cũng bị trẻ hiểu sai, không mang lại tính giáo dục hiệu quả, bổ ích. Điều ba mẹ nên làm là động viên, khen ngợi con đã can đảm, dám chịu trách nhiệm và thực hiện đúng kỷ luật của gia đình, trẻ sẽ cảm thấy mình được chia sẻ, tôn trọng.
Yeutre.vn (Tổng hợp)