Dưới đây là 9 sai lầm cha mẹ nên tránh trong cách nuôi dạy con.
1. Chiều con quá mức
Chiều con quá mức sẽ làm hư con
Tấm lòng của cha mẹ dành cho con luôn bao la như biển trời vì muốn con được sống trong sung túc và không bị thua kém bạn bè nên nhiều bậc phụ huynh thường chiều con quá mức. Khi con đòi hỏi điều gì đó, họ liền nhanh chóng đáp ứng mong muốn của con mà không cần biết điều đó có cần thiết hay không. Với cách này, lâu dần trẻ sẽ học thói quen được người khác chiều chuộng và cung phụng, dẫn đến trẻ sống ích kỷ và hay ỷ lại.
Tình yêu thương sự quan tâm và bao bọc, che chở cho con là điều mà mọi ông bố bà mẹ trên thế gian này đều phải làm. Nhưng bạn cần thể hiện tình yêu ấy đúng cách, sự quan tâm đúng thời điểm và phải biết nói "không" khi cần thiết.
2. Thiếu kỷ luật
Trẻ em như một tờ giấy trắng, chính cha mẹ là người quyết định sẽ viết gì lên cuộc đời của con. Vì thế, ngay từ nhỏ cha mẹ cần giáo dục cho con biết yêu thương và kỷ luật.
Ở tuổi mới lớn, trẻ đã bắt đầu nhận thức được đúng sai, do đó cha mẹ cần đặt ra những quy tắc nhất định và nói với con rằng nếu con phạm lỗi con sẽ phải chịu hình phạt. Ví dụ, con bạn thường đi chơi về khuya, thay vì ngày nào cũng la mắng, càm ràm bạn nên đưa ra khung thời gian quy định về giờ con phải về nhà vào buổi tối, kèm theo đó là những hình thức kỷ luật và khen thưởng bắt con phải tuân theo.
Khi bạn đưa ra những kỷ luật, nghĩa là bạn đang rèn cho con những thói quen tốt. Do vậy, nếu muốn con nên người tuyệt đối đừng bỏ qua kỷ luật trong cách nuôi dạy con nhé.
3. Thiếu quan tâm đến trường, lớp của con
Nhà trường là nơi giáo dục cho con bạn về nhân cách và tri thức, là môi trường gắn với một chặng đường đời khá dài của con. Vậy tại sao, cha mẹ lại thờ ơ với nơi đào tạo, nuôi dưỡng và dạy dỗ về nhân cách, đạo đức, trí thức của con.
Thường xuyên quan tâm đến trường lớp của con
Nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng, chỉ cần có nhiều tiền, cho con học ở một ngôi trường danh tiếng thế là đủ. Tuy nhiên, trên thực tế việc giáo dục trẻ phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Do vậy, dù bận đến đâu các bậc phụ huynh cũng nên dành thời gian để quan tâm đến trường lớp của con. Đừng bỏ mặc con cho nhà trường thích làm gì cũng được và nghĩ rằng chỉ cần hàng tháng đóng đủ học phí và tiền học thêm cho con là đủ.
Sự quan tâm của cha mẹ được thể hiện bằng cách thường xuyên liên lạc với thầy cô giáo chủ nhiệm lớp, tham dự đầy đủ các buổi họp phụ huynh để nắm bắt và tìm hiểu về tình hình học tập cũng như lối sống của con. Điều này sẽ giúp cha mẹ và nhà trường sẽ sớm can thiệp nếu trẻ có biểu hiện đi sai đường.
Hơn nữa, khi bạn quan tâm đến việc học của con ở trường, thường xuyên trò chuyện với các thầy cô giáo sẽ giúp họ thấy được vai trò quan trọng của mình, từ đó quan tâm đến con bạn nhiều hơn.
4. “Con hát mẹ khen hay"
Nếu cha mẹ biết động viên, khen ngợi con đúng cách sẽ giúp trẻ tự tin và sống tốt hơn, nhưng như thế không có nghĩa là “con hát mẹ khen hay”. Khen con quá mức sẽ có tác dụng ngược lại, khiến trẻ trở nên kiêu ngạo. Điều này lại không hề tốt cho trẻ. Do vậy khi con đạt được thành tích nào đó, hãy dành cho trẻ những lời khen đúng mực, đừng quá phô trương hoặc “tâng bốc con lên tận mây xanh”.
5. Bố mẹ không tôn trọng lẫn nhau
Cha mẹ bất hòa sẽ ảnh hưởng xấu đến con
Cha mẹ chính là tấm gương để con trẻ noi theo, vì thế nếu trong gia đình cha mẹ luôn bất hòa và đối xử không tốt với nhau sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Con cái sẽ học theo cách cha mẹ đối xử với nhau để đối nhân xử thế. Vì thế, cha mẹ hãy học cách yêu thương và trân trọng lẫn nhau để giúp con trẻ cảm nhận được tình yêu thương, sự ấm áp của mái ấm gia đình.
6. Đặt quá nhiều kỳ vọng vào con
Đa phần các bậc phụ huynh thường mắc sai lầm này, thay vì nhìn nhận đúng năng lực của con, giúp trẻ phát huy tốt khả năng của mình thì cha mẹ luôn áp đặt hoặc bắt ép con phải làm những điều mà bạn muốn, dù điều đó quá sức với con bạn. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của trẻ, khi trẻ không đạt được như mong muốn cha mẹ, thay vì động viên giúp đỡ con, cha mẹ quay ra trách mắng, chì chiết con dẫn tới trẻ sẽ cảm thấy bản thân bất tài vô dụng, thậm chí có thể tìm đến cái chết.
Vì thế, thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng con và ép con phải đạt được những điều cha mẹ mong muốn hãy làm mọi điều để con được hạnh phúc nhất.
7. Không dạy con biết cách sống tự lập
Ngày nay, nhiều ông bố bà mẹ vì quá yêu thương con nên luôn bao bọc và chăm lo cho con đến tận "chân tơ, kẽ tóc" khiến trẻ có xu hướng sống thụ động và dựa dẫm. Do đó, ba mẹ thay vì làm giúp con mọi thứ, ngay từ khi con còn nhỏ, bạn nên dạy cho trẻ biết cách sống tự lập bằng cách giao cho con những công việc phù hợp với lứa tuổi của con. Chẳng hạn như ở tuổi dậy thì, dạy cho con biết tự dọn dẹp phòng ngủ, tự giặt quần áo và nấu cơm giúp cha mẹ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên trang bị cho con những kỹ năng sống cơ bản, tự lập và biết đối diện với khó khăn.
8. Áp đặt suy nghĩ cho con
Không nên sống thay con
Người lớn thường nghĩ rằng, con còn quá nhỏ để có thể tự quyết định và giải quyết được những mâu thuẫn trong cuộc sống. Vì thế, họ luôn suy nghĩ và làm thay con mọi việc. Dù trẻ còn nhỏ, nhưng con cũng có những suy nghĩ và cách nhìn nhận và lựa chọn riêng, do đó ba mẹ hãy tôn trọng suy nghĩ và lựa chọn của con. Điều cần làm là cha mẹ chỉ cần ở bên cạnh hướng con đi đúng đường là được.
9. Thất hứa
Nếu cha mẹ liên tục thất hứa, nói mà không làm lâu dần sẽ khiến trẻ mất niềm tin vào cha mẹ. Và vô tình bạn cũng dạy cho con về thói quen không biết giữ lời và không có chữ tín. Vì thế khi hứa với con điều gì đó, hãy cố gắng thực hiện, điều này sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị của chữ tín và tôn trọng cha mẹ nhiều hơn.
Yeutre.vn (Tổng hợp)