Nuôi dưỡng một đứa trẻ không chỉ là lo chuyện ăn, ngủ mà còn đòi hỏi bố mẹ và người thân dành nhiều thời gian để chơi, để âu yếm, hát, kể chuyện... cho bé mỗi ngày. Chị Quỳnh Nga, bà mẹ trẻ có con gái 15 tháng tuổi tên là Bông ở Quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, "mọi người tưởng là trẻ con còn bé chưa biết gì nhưng thực ra bé đã biết cảm nhận tình yêu của mọi người dành cho bé và điều đó chính là thứ vitamin nuôi dưỡng bé lớn khôn". Chị Nga cũng chia sẻ thêm rằng có những việc làm dù nhỏ nhưng thực sự ý nghĩa với bé và làm tăng gắn kết giữa người thân trong gia đình với bé.
Một cái ôm của mẹ có ý nghĩa hơn nhiều lời nói. Ảnh minh họa: P.E .
1. Chào bé yêu
Buổi sáng, mỗi khi đi làm, chị Nga thường hay nói với con: "Chào Bông, mẹ đi làm đây". Bé Bông nghe thấy mẹ chào thì phấn khởi lắm, bập bẹ đáp lại "Mẹ, mẹ, mẹ" và còn giơ tay lên chào mẹ. Theo chị Nga, mỗi khi đi vắng, bố mẹ nên chào bé hoặc báo cho bé biết trước, đừng nghĩ bé còn nhỏ không biết gì. Như trường hợp của bé Bông, được mẹ chào như thế, bé Bông sẽ không khóc nhè hay đòi mẹ mà chịu ở nhà rất ngoan. Ngược lại, nếu mẹ đi vắng mà không cho bé biết trước, khi ngủ dậy, trẻ sẽ khóc hờn và đòi mẹ.
2. Ôm ấp, nũng nịu và xoa lưng
Khi bố mẹ đi làm về, bé thường sà vào lòng mẹ hay bố để nũng nịu. Bố mẹ hãy dành thời gian để yêu bé theo cách mà bé vẫn thích. Nhiều bé thích ôm cổ mẹ, thích được kề má vào ngực mẹ, thích được cuộn tròn trong lòng mẹ hay đơn giản chỉ là gối đầu lên cánh tay của mẹ. Bố mẹ hãy lưu ý những cử chỉ yêu thương đó để đáp lại bé như ôm bé, thơm bé và có mẹ còn hay xoa lưng cho bé như trường hợp của chị Nga. "Bé Bông bình thường nghịch và hiếu động lắm nhưng hễ mẹ mà xoa lưng, xoa bụng cho thì nằm im, mắt lim dim như con cún vậy, yêu lắm".
3. Chơi trò chơi với bé
Dù bận rộn trong ngày, nhưng bố mẹ đừng quên chơi các trò chơi đơn giản mà bé vẫn thích. Có bé thích chơi nu na nu nống với mẹ, có bé lại thích trò giã gạo với bố hay chơi oẳn tù tì... Dù chỉ là dành ra 5 đến 10 phút chơi với bé hàng ngày nhưng lại rất có tác dụng tương tác, làm tăng sự gắn kết giữa bố mẹ với bé. Chị Nga chia sẻ: "Bé Bông mỗi lần được chơi giã gạo với bố thì cười như nắc nẻ, mình đi làm cả ngày mệt mỏi, về nhà nhìn thấy con cười như thế mà cảm thấy hạnh phúc quá".
4. Trả lời câu hỏi của bé
Chị Nga vừa cười vừa kể, bé Bông thường có một đến hai câu hỏi mà bé đã biết câu trả lời rồi nhưng vẫn cứ thích hỏi đi hỏi lại mẹ, ngày nào cũng hỏi mà không chán. Ví dụ như, con gà nó mấy chân? Mẹ yêu ai nhất?... Nếu mẹ trả lời đúng thì bé hoan hô, nếu mẹ giả vờ trả lời sai thì bé lập tức "phạt mẹ". Theo chị Nga, bố mẹ hãy kiên nhẫn trả lời những câu hỏi kiểu như thế của bé. Qua đó, bé học được tính kiên nhẫn của bố mẹ và trên hết, bé sẽ luôn cảm thấy được quan tâm, được yêu thương.
5. Hát, kể chuyện cùng bé
Hầu hết các em bé đều thích hát, thích kể chuyện và muốn bố mẹ vừa là "bạn diễn" vừa là những khán giả trung thành của bé. Như trường hợp nhà chị Nga, mẹ luôn là bạn hát song ca với bé các bài hát thiếu nhi, còn bố thì đóng vai bác thợ săn hay con sói trong các câu chuyện cổ tích mà bé được nghe kể. Vì thế, nhà chị Nga lúc nào cũng có tiếng hát líu lo, tiếng cười trong trẻo của bé hay tiếng cười nói hỉ hả của bố mẹ.
6. Chúc bé ngủ ngon
Các bé thường thích nghe bà, mẹ hát ru cho ngủ. Có bé còn có thói quen trước khi ngủ, bố hay mẹ kể một câu chuyện nhỏ thì mới chịu ngủ. Hoặc có bé lại có sở thích "khác lạ" là phải ôm chiếc chăn có hơi của mẹ... Theo chị Nga, bố mẹ hãy làm tất cả để có thể đưa bé vào giấc ngủ ngon theo những cách mà bé thích. "Khi nhìn thấy bé yêu của mình ngủ ngon giấc, mình cảm thấy chẳng thấy có gì trên đời này tuyệt vời hơn thế" - Chị Nga chia sẻ và ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Theo ngoisao