6 cách khiến những “đầu gấu nhí” trở nên ngoan ngoãn

(Yeutre.vn) Quan sát con vui chơi ở nhà, bên hàng xóm, nơi công cộng hay thậm chí ở trường học, nếu con có biểu hiện “đầu gấu”, thích dùng bạo lực với trẻ khác, hẳn nhiều bậc ba mẹ sẽ rất đau lòng và lo lắng. Phải làm sao bây giờ?

banner ads

Nếu có tính hung hăng, trẻ 6 - 12 tuổi thường dễ có nguy cơ gia tăng hành vi phạm tội trong tương lai, nếu trẻ không được chấn chỉnh kịp thời. Do vậy, việc ba mẹ chủ động giúp đỡ trẻ thay đổi thái độ và hành vi phù hợp là điều hết sức quan trọng. Thử 6 cách sau các ba mẹ nhé!

7270-yeutrevn-danh-nhau.jpg

Trẻ "đầu gấu" thường thích dùng bạo lực với bạn bè

1. Trao đổi với con như một người lớn

Ba mẹ nên đối thoại, trò chuyện với con như những người lớn, bắt đầu từ việc gợi ý để trẻ kể về những câu chuyện, bất đồng xảy ra. Thông qua đó, ba mẹ sẽ biết được lý do vì sao trẻ hay thích thể hiện mình là “đầu gấu” và khéo léo phân tích cho trẻ hiểu làm như vậy là không nên. Hãy chia sẻ rõ quan điểm của mình: “Ba mẹ không đồng ý khi con hành động như vậy. Ba mẹ thấy rất buồn vì con không yêu thương, chia sẻ với bạn bè”.

2. Giữ thái độ nghiêm túc

Đặc biệt, ba mẹ cần tránh phủ nhận hoặc xem nhẹ việc trẻ đang là “đầu gấu” trong mắt bạn bè. Hãy lắng nghe thật cẩn thận và xem xét kỹ thực tế, bởi trẻ “đầu gấu” thường rất “tinh ranh” trong việc thêu dệt một câu chuyện khiến chúng có vẻ vô tội. Khi phát hiện con thực sự là “đầu gấu”, ba mẹ cần quy trách nhiệm cho con nghiêm túc, làm rõ với trẻ rằng mình sẽ không dung thứ cho những hành động bạo hành và mong rằng con sẽ từ bỏ trong tương lai.

3. Giúp con thay đổi

Ba mẹ nên lập những quy định rõ ràng trong gia đình, cần phải kiên định với việc áp dụng quy định và có thái độ cứng rắn thích hợp với trẻ như phạt con không được đi chơi, không được xem tivi hay chơi game… Tuy nhiên, không nên dùng đòn roi vì có thể làm cho trẻ củng cố thêm quan điểm sai lầm rằng kẻ mạnh có thể bắt nạt kẻ yếu để đạt được thứ mình muốn. Ngoài ra, ba mẹ cũng cần dạy con nói lời xin lỗi khi gây ra hành động không phải với bạn bè.

4. Khéo léo tác động vào “máu anh hùng” của con

Trước khi đưa ra lời khuyên, ba mẹ có thể dành tặng con những lời khen: “Con thật khỏe, vì con ăn uống tốt nên con cao lớn và không sợ bạn nào”. “Tuy nhiên, người dũng cảm thì sẽ không bắt nạt bạn bè, người dũng cảm chỉ bảo vệ và giúp đỡ bạn bè thôi”. Trẻ sẽ tự hào về lời khen của bạn, đồng thời sẽ tác động vào “máu anh hùng” của trẻ, giúp trẻ hiểu rằng chỉ có dùng sức mạnh của bản thân để giúp đỡ bạn bè mới là điều đáng khen ngợi.

5. Theo dõi kịp thời

7271-yeutrevn-phim-bao-luc.jpg

Trẻ xem nhiều phim bạo lực thường có khuynh hướng thích đánh nhau

Phim bạo lực là một trong những lý do chủ yếu khiến trẻ thích sử dụng bạo lực để bắt nạt bạn bè. Do đó ba mẹ cần hạn chế trẻ tiếp xúc với những bộ phim này. Ngược lại, nên hướng trẻ đến những nội dung lành mạnh, giàu giá trị nhân văn. Ba mẹ cũng nên dành nhiều thời gian với trẻ và giám sát hoạt động của trẻ một cách gần gũi. Tìm hiểu bạn bè của trẻ, nơi chúng thường tụ tập và chúng thường hay làm gì khi nhàn rỗi? Liệu trẻ có kết bạn với người xấu không? Nếu có, hãy tìm cách ngăn chặn ngay.

6. Đừng quên nhờ trợ giúp

Nếu trẻ có xu hướng thích gây gổ mà mọi cố gắng của ba mẹ đều thất bại thì đã đến lúc ba mẹ cần mạnh dạn đưa trẻ đi khám. Chuyên gia tâm lý sẽ tìm hiểu nguyên nhân và giúp đỡ trẻ vượt qua. Ngay cả trong trường hợp này, vai trò của ba mẹ vẫn rất quan trọng. Tất cả các biện pháp dạy dỗ trẻ đều cần ba mẹ kiên trì và cẩn thận mới mong đạt được kết quả như mong muốn.

Biểu hiện tại nhà của trẻ “đầu gấu”

- Trẻ hay đòi hỏi cao về sự thống trị và chinh phục người khác, đòi quyền lợi của bản thân bằng “nắm đấm”.

- Hăm dọa anh chị em ruột hoặc những đứa trẻ hàng xóm khác.

- Khoác lác về khả năng thực tế hoặc huyễn hoặc về bản thân với những đứa trẻ khác.

- Nóng tính, dễ nổi cáu, bốc đồng và sức chịu đựng kém khi thất vọng.

- Có biểu hiện chống đối, thách thức và gây hấn với người lớn,

Yeutre.vn

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI