6 bước chuẩn bị tâm lý để trở thành mẹ đơn thân

Làm mẹ đơn thân không hề đơn giản. Bạn phải gánh lấy trách nhiệm và vai trò của cả người cha lẫn người mẹ, phải chu toàn cùng lúc công việc ngoài xã hội và trong gia đình. Vì lẽ đó, một sự chuẩn bị tâm lý chu đáo là việc bạn cần phải làm trước khi muốn trở thành một người mẹ đơn thân.

banner ads

Nhiều người gọi chuyện làm mẹ đơn thân là một xu hướng trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, suy cho cùng đó lại là sự lựa chọn mà lý do chỉ có người trong cuộc mới tường tận. Một khi lựa chọn làm mẹ đơn thân, người phụ nữ đã quyết định chấp nhận những luồng dư luận chĩa vào mình. Áp lực từ dư luận đã khó, đối diện với những thách thức chồng chất khi cùng con tạo lập cuộc sống mới càng khiến nhiều người mẹ đơn thân trăn trở nhiều hơn. Hãy cùng xem bạn có đủ sức vượt qua những khó khăn sau không nhé!

1. Chật vật về kinh tế

7953-lam-me-don-than-1.jpg

Mẹ đơn thân thường gặp khủng hoảng khi đối mặt với những vấn đề kinh tế.

Nếu như người đàn ông trở thành trụ cột của gia đình với vai trò chính là chăm lo cho “miếng cơm manh áo” của mọi thành viên trong nhà, thì giờ đây, gánh nặng ấy sẽ đặt hết lên vai bạn. Chỉ còn duy nhất một nguồn thu nhập trong khi các hóa đơn thanh toán điện, nước, ga… lại không ngừng tăng vọt theo thời giá. Thực tế, không ít mẹ đơn thân đã từng lường trước vấn đề này khi tạo lập cuộc sống mới với con nhưng một khi đã đối mặt với sự chật vật về kinh tế, bản thân họ cũng khó tránh khỏi những cú sốc tinh thần ghê gớm.

banner ads

Để tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng, bạn nên có một kế hoạch chi tiêu cụ thể cho mình trong thời gian tới. Nó sẽ giúp bạn nhìn ra đâu là những bất trắc có thể gặp phải trong cuộc sống của hai mẹ con. Có được sự chuẩn bị như vậy, bạn sẽ biết mình có khả năng đối mặt với điều gì trong tương lai không xa. Điều cần thiết, bạn nên đón nhận sự giúp đỡ của người thân hoặc bạn bè để san sẻ bớt gánh nặng quá sức này.

2. Nuôi dạy con

Lúc này bạn sẽ vừa làm bố, vừa làm mẹ. Có những chuyện nuôi dạy con cái mà người mẹ không thể làm tốt hơn người bố nhưng bạn sẽ buộc phải làm. Như vậy, bạn phải trở nên cứng rắn và kiên định hơn trong những quy tắc đã đặt ra và thống nhất với bé từ trước. Nếu không, bạn sẽ dễ dàng thất bại ngay từ lúc bắt đầu với vai trò mới này. Tốt nhất, bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho bé thay vì với suy nghĩ bù đắp vật chất. Điều này giúp bạn hiểu được những biến chuyển tâm sinh lý của trẻ vào mỗi giai đoạn khác nhau. Nhờ đó, mọi sự can thiệp sẽ thực sự hợp tình hợp lý và có sức thuyết phục lớn đối với trẻ. Song song với việc trở thành những người đồng hành cùng trẻ, bạn cũng nên vạch rõ ranh giới không thể xâm phạm trong mối quan hệ mẹ, con. Điều này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho bạn trong vấn đề nuôi dạy con khôn lớn và trưởng thành.

3. Xua tan áp lực

7954-lam-me-don-than-2.jpg

Mẹ đơn thân buộc phải tìm cách để xua tan mọi áp lực gặp phải.

Như đã nói, vì những lý do riêng, người trong cuộc chọn giải pháp ly thân để tạo lập một cuộc sống mới ý nghĩa hơn. Trường hợp khác, bà mẹ đơn thân có thể là người chịu nỗi đau mất mát lớn lao khi người chồng chẳng may qua đời. Hoặc chọn lựa sống với thiên chức làm mẹ mà không cần một người đàn ông bên cạnh… Tất cả những hoàn cảnh trên tuy không giống nhau nhưng điểm chung nhất giữa họ là đều phải sống cùng với sự trống trải đơn độc và nỗi lòng khó nguôi ngoai. Họ có thể phải chịu những dằn xé trong tâm hồn một cách đầy dữ dội trước khi nhận những lời mỉa mai, soi mói từ miệng đời. Chưa hết, những áp lực buộc người phụ nữ phải chèo lái một gia đình nhỏ lại không hề giản đơn. Chính vì thế, người chọn lựa cuộc sống mẹ đơn thân phải luyện cho mình một tinh thần thép để vượt qua tất cả mọi áp lực có thể đè nặng. Đồng thời họ cũng phải có một trái tim nóng để dùng tình yêu dành cho con cái làm sức mạnh cho chính mình.

4. “Ném” trẻ vào cuộc sống

7955-lam-me-don-than3.jpg

Mẹ đơn thân đừng ngại “ném” con vào cuộc sống.

Bên cạnh bạn lúc này, người chia sẻ nhiều nhất không ai khác chính là những đứa con. Chúng không chỉ là người vỗ về bạn những lúc bạn rơi nước mắt mà còn có thể giúp bạn xắp sếp ổn thỏa những công việc nhà trong khả năng của mình. Đó cũng sẽ là phương thế để đứa trẻ của bạn học làm quen với cuộc sống mới nhanh chóng hơn. Do đó, bạn đừng ngần ngại yêu cầu trẻ bắt tay vào công việc chỉ vì sợ đụng đến sự tổn thương trong con.

Một ngày nào đó bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy sự trưởng thành của con nếu bạn giúp chúng học cách đi qua những sợ hãi và đớn đau.

5. Đón nhận điều hay, điều dở

Khi chấp nhận cho con cái cùng mình vượt qua cuộc sống không có người cha, người chồng che chở, bạn sẽ thấy con cái chín chắn và có sự tự lập từ rất sớm. Điều này có thể làm bạn nguôi ngoai phần nào sự tủi thân luôn đau đáu trong mình.

Tuy nhiên, khi trẻ chỉ có một người mẹ để chia sẻ, chúng sẽ chịu những thiệt thòi khó tránh khỏi. Đôi khi điều chúng cho là đúng trong gia đình lại hoàn toàn ngược lại khi chúng đem nó đến trường. Kết quả là đôi lúc trẻ tự xung đột với chính mình. Hoặc khi người mẹ trở nên nuông chiều quá mức vì ý nghĩ bù đắp cho con những thiệt thòi, trẻ sẽ sinh ra tính ương bướng và có xu hướng đối đầu. Lúc này, mẹ sẽ nhận ra rằng nên thiết lập một ranh giới nhất định giữa mẹ và con ngay từ đầu.

Đó là những điều hay, điều dở mà bạn nên đón nhận từ khi có quyết định làm mẹ đơn thân.

6. Tư vấn tâm lý

7956-lam-me-don-than4.jpg

Tìm đến một nhà tư vấn tâm lý cho cả mẹ là một gợi ý hay cho bạn.

Tìm đến một nhà tư vấn tâm lý cho cả mẹ và con trước khi bắt đầu cuộc sống mới cũng là một gợi ý hay cho bạn. Mỗi đứa trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau cho vấn đề của cha mẹ, vì thế bạn cần để chúng được tỏ bày với người có thể cho chúng câu trả lời xác đáng nhất một khi không thể nói những điều ấy với mẹ.

Đừng bao giờ chắc chắn rằng quyết định của bạn là đúng đắn. Chúng có thể là một sai lầm đối với con bạn. Nếu phản đối không bằng lời nói, chúng sẽ ngấm ngầm hành động sai lệch và gây ra một số rắc rối không nhỏ. Vì lý do đó, trẻ cần có người để giãi bày và cho chúng những lời khuyên mang tính dẫn lối đầy tích cực.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI