5 điều nhất định mẹ nên biết về bệnh tay chân miệng ở trẻ

Tay chân miệng có lẽ là một trong những căn bệnh phổ biến ở trẻ dưới 10 tuổi khiến các cha mẹ lo lắng nhiều nhất. Đây là một bệnh do virus gây ra (thường là các virus thuộc nhóm đường ruột như Coxsakie, Echo và các virus đường ruột khác), dù không quá nguy hiểm nhưng rất dễ lây lan, đồng thời nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng (như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp), thậm chí là tử vong.

banner ads

Để bảo vệ trẻ trước bệnh tay chân miệng, các mẹ hãy cùng Yêu trẻ tìm hiểu 5 điều cơ bản cần thiết sau đây nhé.

1. Triệu chứng của bệnh tay chân miệng là gì?

Trẻ bị tay chân miệng có thể không có triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ phát ban và loét miệng. Nhưng một số biểu hiện thường thấy nhất gồm:

  • Sốt, mệt mỏi
  • Đau họng và đỏ mũi
  • Sau sốt 1-2 ngày, xuất hiện đốm đỏ trong miệng, nổi ban trên da ở lòng bàn chân, tay, đôi khi ở cả mông và bộ phận sinh dục.
Tay chân miệng
Trẻ bị tay chân miệng sẽ nổi ban trên da ở lòng bàn chân, tay. Ảnh Internet

2. Bệnh tay chân miệng lây lan như thế nào?

Bệnh tay chân miệng có thể lây từ trẻ bệnh sang trẻ lành qua tiếp xúc với dịch tiết từ mũi, họng của trẻ bị bệnh. Nó còn lây qua vật dụng, đồ chơi mà trẻ bệnh đã tiếp xúc.

3. Bao lâu thì trẻ mang bệnh có thể lây cho trẻ khác và môi trường xung quanh?

Trẻ bị tay chân miệng dễ lây cho trẻ khác nhất trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh. Khả năng truyền bệnh vẫn còn thậm chí sau khi các vết lở đã lành và các vết phát ban đã lặn.

banner ads
Trẻ bị tay chân miệng dễ lây cho trẻ khác.
Trẻ bị tay chân miệng dễ lây cho trẻ khác. Ảnh Internet

4. Điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?

Đây là căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu dùng thuốc để làm dịu các triệu chứng. Vì vậy trẻ bị nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, nghỉ ngơi, tăng cường dinh dưỡng, uống nhiều nước, mẹ cần chăm sóc trẻ bị tay chân miệng thật cẩn thận. Trẻ bị tay chân miệng ở mức độ nặng (sốt cao, nôn ói nhiều, co giật, hoảng hốt, dễ giật mình, đi loạng choạng) thì cần đưa đến cơ sở y tế để được theo dõi đề phòng các biến chứng có thể xảy ra.

5. Có thể phòng ngừa bệnh tay chân miệng không?

Mẹ có thể thực hiện một số việc để phòng ngừa hoặc hạn chế lây lan bệnh tay chân miệng, bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước, đặc biệt sau khi thay tã cho trẻ.
  • Khử trùng các bề mặt mà trẻ đã tiếp xúc bằng nước và thuốc tẩy.
  • Giữ vệ sinh cho trẻ, rửa tay chân cho con thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn. Giặt quần áo, ra giường, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ bằng nước sôi.
  • Nếu trẻ bị nhiễm bệnh, không nên cho trẻ đến nhà trẻ, trường học hay những khu vực công cộng đông người để hạn chế lây nhiễm.
Giữ vệ sinh cho trẻ thật tốt để phòng ngừa tay chân miệng
Giữ vệ sinh cho trẻ thật tốt để phòng ngừa tay chân miệng. Ảnh Internet

Các mẹ nên lưu ý rằng bệnh tay chân miệng vẫn có khả năng lây lan dù các triệu chứng bên ngoài của trẻ đã biến mất. Trẻ bị bệnh nhẹ cũng có thể mất 7-10 ngày mới khỏi, trẻ bị nặng có thể lâu hơn. Đặc biệt dù trẻ đã khỏi bệnh,virus vẫn còn tồn tại trong đường hô hấp của trẻ 1-3 tuần, và trong phân từ vài tuần đến vài tháng. Vì vậy mẹ không nên chủ quan, mà hãy duy trì giữ vệ sinh cẩn thận cho con, cũng như hạn chế cho con tiếp xúc với các bé khác để tránh lây nhiễm bệnh mẹ nhé.

Theo Health Cleveland Clinic

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI