Dưới đây là 10 mẹo vàng bổ ích cho các mẹ:
1. Sức mạnh từ các cuốn truyện
Cùng trẻ đọc truyện sẽ giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng cao
Cha mẹ hãy cùng con đọc những cuốn truyện có nội dung ý nghĩa, dễ hiểu và ghi nhớ về con người, vùng đất mới… qua đó trẻ sẽ phát triển trí tượng tượng, mở rộng vốn từ và nâng cao kỹ năng giao tiếp, cảm thụ. Ngoài ra, để bé yêu thích việc đọc truyện, cha mẹ nên lựa những cuốn truyện phù hợp với lứa tuổi của bé, nhiều màu sắc, hình ảnh minh họa để bé dễ dàng có thể cảm thụ được nội dung.
2. Kích thích trẻ tự sáng tác truyện
Ngoài những câu chuyện trong sách, cha mẹ có thể tự sáng tác truyện và kể cho bé nghe, sau đó hãy nhờ bé kể tiếp phần kết theo trí tưởng tượng của mình. Chắc chắn bé sẽ rất thích thú với hình thức kể chuyện này vì chúng giúp bé được nhập vai và khám phá những điều mới lạ, thỏa sức sáng tạo mà không bị gò bó bởi một khuôn mẫu cụ thể nào.
Cha mẹ cũng nên nhớ, khi bé kết thúc chuyện, các mẹ hãy hỏi vì sao bé lại kết thúc như thế, điều này sẽ giúp bé vận động não, tư duy và đưa ra lời giải thích phù hợp nhất. Ngoài ra, những lần sau, cha mẹ không cần phải gợi ý phần mở đầu câu chuyện nữa, bé tự sáng tác truyện theo phong cách của mình, chắc chắn cha mẹ sẽ ngạc nhiên với khả năng sáng tạo của bé đó.
3. Khuyến khích trẻ biến hóa đồ chơi
Ngoài sáng tác truyện, cha mẹ cũng khuyến khích trẻ tự biến hóa đồ chơi của mình như biến những chiếc khăn len thành thú nhồ bông, biến những chiếc mũ len thành những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh hoặc cùng nhau chơi đồ chơi và đóng các vai tưởng tượng như chú cảnh sát, chú bộ đội…
Cha mẹ cũng nên dành thời gian chơi cùng con để có thể giúp trẻ kích thích sự sáng tạo nhiều hơn.
4. Cho trẻ tham gia trò chơi
Cho trẻ tham gia chơi cùng các trẻ khác sẽ giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo
Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà cha mẹ cho trẻ tham gia vào những trò chơi mang tính giải trí, giáo dục, trí tuệ và kích thích sự sáng tạo cao. Ví dụ cha mẹ có thể cùng bé chơi trò chơi dân gian hoặc tham gia các trò chơi tại cung thiếu nhi cùng những trẻ khác, giúp trẻ phát huy khả năng giao tiếp, sáng tạo. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tự tạo trò chơi ở nhà như trò chơi bác sĩ, giáo viên, cảnh sát…
5. Trao quyền tự quyết cho trẻ
Có những vấn đề cha mẹ nên để bé tự quyết định và phải chịu trách nhiệm với những quyết định đó. Ví dụ như việc quyết định chọn quần áo, chọn đồ chơi, chọn thực phẩm… nếu bé đã lựa chọn cha mẹ cần phải nhắc nhở bé thực hiện đúng những gì bé đã lựa chọn. Nếu bé chọn thực phẩm cho bữa ăn trong ngày bé phải vui vẻ ăn hết hoặc bé chọn đồ chơi tàu hỏa thì không được mè nheo và đòi những đồ chơi khác nữa. Nhờ đó, bé sẽ có trách nhiệm, sự cẩn thận và tinh tế hơn trong những lựa chọn của mình.
6. Động viên trẻ mô tả đồ vật
Miêu tả đồ vật là một trong những phương pháp kích thích mạnh mẽ sự phát triển giác quan ở trẻ, vì vậy cha mẹ nên khuyến khích trẻ làm điều này. Tuy nhiên, dù trẻ có mô tả như thế nào cha mẹ cũng tuyệt đối không được chế giễu khiến trẻ thiếu tự tin và sẽ mất hứng thú với trò chơi này.
7. Kích thích lòng hiếu kỳ ở trẻ
Tò mò là một trong những tính cách thúc đẩy sự sáng tạo, tìm hiểu của trẻ. Đó là lí do chúng ta thường thấy, ở độ tuổi lên 3 trẻ hay hỏi những câu hỏi “vì sao”. Vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ đặt câu hỏi hoặc đặt câu hỏi để trẻ trả lời, cùng trẻ tìm hiểu những điều bí mật xung quanh chúng ta.
8. Tạo điều kiện để trẻ tăng tính thẩm mỹ
Đưa trẻ đến những vùng đất thiên nhiên rộng lớn để trẻ nâng cao khả năng thẩm mỹ
Cha mẹ thường quên đi vấn đề thẩm mỹ đối với trẻ mà không biết rằng, cái đẹp sẽ khơi gợi trí tượng tượng ở trẻ rất cao. Để trẻ có cơ hội cảm thụ mỹ thuật, cha mẹ có thể đưa trẻ tới các trung tâm triển lãm tranh hoặc đưa trẻ đến những vùng đất mới lạ, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp để trẻ phát huy khả năng sáng tạo của mình.
9. “Tận dụng” tivi
Nếu biết cách, cha mẹ cũng có thể biến tivi thành nơi để trẻ phát huy khả năng sáng tạo và tư duy. Ví dụ, trẻ yêu thích chương trình hoạt hình, cha mẹ hãy hỏi trẻ tại sao lại thích chương trình đó, nhân vật nào trẻ yêu thích, nếu là trẻ có để nhân vật đó làm như vậy không… Chắc chắn, bé sẽ rất hào hứng trả lời vì đó là chương trình trẻ yêu thích mà.
10. Cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể
Tính sáng tạo không chỉ được phát huy trong môi trường cá nhân mà nó còn được phát huy mạnh mẽ trong môi trường tập thể. Cha mẹ hãy cho bé tham gia các trò chơi tập thể để bé có thể phát huy khả năng giao tiếp, sáng tạo thông qua các hoạt động đó.
Yeutre.vn
4 lợi ích của việc tưởng tượng đối với trẻ- Trí tưởng tượng giúp trẻ học cách giải quyết các vấn đề của mình bằng cách giúp chúng tự nghĩ ra các tình huống khác nhau, và đóng vai vào các tình huống đó để tự đương đầu khi gặp khó khăn.
- Trẻ được trang bị những kỹ năng sống thật tốt hơn.
- Khả năng ngôn ngữ của trẻ được cải thiện rõ rệt.
- Cha mẹ sẽ phát hiện được những năng khiếu tiềm ẩn của trẻ thông qua khả năng sáng tạo mà trẻ có được và từ đó bồi dưỡng, phát năng khiếu đó.