1. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi
Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ là vô cùng cần thiết và quan trọng để trẻ có thời gian phát triển và hoàn thiện các bộ phận, các giác quan trên cơ thể mình. Do đó, khi chăm sóc trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi, mẹ phải đảm bảo trẻ ngủ đủ và ngủ ngon giấc. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, mỗi giấc ngủ sâu của trẻ chỉ thường kéo dài trong khoảng 20 phút nên nếu trẻ chỉ ngủ những giấc ngắn thì mẹ cũng đừng quá lo lắng, mà thay vào đó mẹ hãy tăng số lượng giấc ngủ của trẻ lên, tập cho trẻ nằm nôi và tự ngủ, tránh việc bồng bế để ru ngủ thường xuyên.
Khi cho trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi ngủ, mẹ nên chú ý đến tư thế nằm ngủ của trẻ. Khi trẻ ngủ trẻ phải luôn nằm ngửa và trẻ chỉ nằm sấp vài lần mỗi ngày, mỗi lần một vài phút khi trẻ thức. Không nên để trẻ nằm sấp quá lâu. Dần dần, khi cổ và thân trên của trẻ khoẻ hơn trẻ sẽ tự nằm được lâu hơn.
2. Bữa ăn cho trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi
Trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi có nhu cầu nổi trội về dinh dưỡng so với giai đoạn trước đó, để tập trung phát triển não bộ. Do đó, việc bú sữa của trẻ sẽ tăng lên rất nhiều lần so với tháng đầu tiên do nhu cầu năng lượng cho cơ thể thay đổi.
Nếu trẻ bú sữa mẹ, mẹ sẽ thấy trẻ không hay đòi bú như các tuần trước đó. Khoảng cách giữa các cử bú dài hơn, dễ canh hơn. Nhưng lượng sữa bé bú vào mỗi lần sẽ nhiều hơn, nếu trước trẻ chỉ bú một bên ngực thì đây là lúc trẻ có nhu cầu bú cả 2 bên cho mỗi lần bú. Nếu trẻ bú bình, mẹ sẽ thấy thể tích mỗi lần bú tăng lên. Lượng sữa tiêu chuẩn cho trẻ bú mỗi ngày là 150 ml/kg cân nặng.
3. Mẹ vệ sinh thân thể cho bé như thế nào?
Mẹ vẫn vệ sinh thân thể cho trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi theo chu kì bình thường như trước đó. Tuy nhiên, mẹ sẽ nhận ra khi trẻ bắt đầu lớn, số lần mẹ phải thay tã có giảm dần đi do số lần trẻ “tè” ít đi và khoảng cách giữa các lần “tè” lâu hơn nhưng thường là lượng nhiều hơn.
4. Trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi hay quấy khóc
Đây là một trong những đặc điểm có thể có khác biệt ở một số trẻ so với những tuần trước. Ở trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi, nhu cầu “giao tiếp” với thế giới của trẻ bắt đầu tăng mạnh. Trẻ sẽ thức nhiều hơn và hiếu động hơn, đồng nghĩa với việc có khả năng trẻ sẽ quấy khóc nhiều hơn, nếu cảm thấy không được chú ý.
Một số chuyên gia lí giả rằng, trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi trở nên dễ bị kích thích hơn nên trẻ sẽ quấy khóc mỗi khi lo lắng, khi quá mệt mỏi, không thoải mái... Hoặc khi bé cảm thấy nhàm chán, đói bụng đương nhiên cũng sẽ khóc hoặc đơn giản đôi lúc chỉ là trẻ thích khóc để gây sự chú ý đến mọi người xung quanh.
Để khắc phục tình trạng này, mẹ có thể học các bài massage nhẹ nhàng phù hợp với trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi nhằm hỗ trợ cho trẻ trong suốt giai đoạn này. Việc massage đúng cách với tần suất, lưu lượng phù hợp sẽ giúp trẻ cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, giảm cảm giác căng thẳng, mệt mỏi giúp trẻ ngủ ngon hơn và đỡ quấy khóc hơn.
Một cách khác là mẹ có thể tìm đến sự hỗ trợ của “địu trẻ em” để ổn định và dỗ dành trẻ. Mẹ cũng có thể dùng các loại gấu bông, búp bê, các loại chăn gối mềm mại phù hợp để chúng trở thành người bạn “ấm áp” của trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy an tâm vì có ai đó hay thứ gì đó luôn bên cạnh mình.
Thêm vào đó, mẹ cũng hãy ở bên cạnh để trò chuyện với con thường xuyên. Bằng cách này, sẽ vừa giúp trẻ cảm thấy được yêu thương vừa giúp trẻ được đáp ứng mong muốn “giao tiếp” với thế giới của mình.
Hy vọng, với một số lưu ý liên quan đến cách chăm sóc trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi được đề cập ở trên, mẹ sẽ biết bé nhà mình đang trải qua những điều gì và cần gì trong giai đoạn này. Dựa vào đó, mẹ sẽ linh động hơn trong cách chăm bé và cùng con vượt qua giai đoạn này một cách thật nhẹ nhàng, thật hạnh phúc và thật bình yên.
Ngọc Hoài tổng hợp