Thông thường, có 2 trường hợp xảy ra khi trẻ quá vụng về. Một là trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường, không mắc phải bệnh lý gì nhưng do chưa được khéo léo, hoàn thiện trong các động tác. Hai là do trẻ mắc phải các bệnh lý về mắt, não, rối loạn phối hợp tay chân… Với mỗi trường hợp, ba mẹ cần có những lưu ý tương ứng.
Trẻ quá vụng về so với các bạn cùng tuổi ba mẹ chớ nên xem thường
Bé khỏe mạnh, bình thường
Trẻ ở tuổi lên 4 thường đã biết làm nhiều động tác, công việc khác nhau, tuy có thể không hoàn hảo, khéo léo. Dù vậy, nếu bé yêu nhà bạn tỏ ra kém khéo léo hơn các trẻ cùng trang lứa khác, chẳng hạn trong các việc như ăn uống, vệ sinh, nằm ngồi, vui chơi, đi lại…, thì vấn đề nằm ở chỗ có thể trẻ chưa được bạn hướng dẫn, tập luyện một cách đầy đủ, thường xuyên (tất nhiên sau khi đã cho trẻ đi khám sức khỏe tổng quát và không phát hiện trẻ mắc phải bệnh lý gì).
Khi đó, điều ba mẹ nên làm cần dành nhiều thời gian cho con hơn, kiên nhẫn tập cho con thực hiện các việc hàng ngày, mỗi việc có thể tập nhiều lần, lặp đi lặp lại, qua nhiều thời gian sẽ cải thiện được tình hình của trẻ. Thực tế cho thấy, khi trẻ có thêm tuổi thì sự thành thục trong các hoạt động hàng ngày của trẻ sẽ càng bớt vụng về hơn.
Bé yếu ớt, có dấu hiệu mắc bệnh
Các bệnh về mắt:Nếu trẻ nhà bạn thường xuyên lặp lại các “tật” như cầm nắm thức ăn không chính xác, đi lại hay đụng phải ghế hay các vật dụng trong nhà, ngồi xuống nhưng không đúng vị trí ghế, hay cầm nhầm đồ vật… thì rất có thể trẻ đang gặp phải các vấn đề về mắt như cận, viễn hay loạn thị. Bạn cần cho trẻ đi khám mắt sớm.
Nếu trẻ bị bé ngã liên tục ba mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để tìm nguyên nhân
Vấn đề về não: Nếu bạn cảm thấy chân tay của trẻ yếu ớt, mềm nhũn hay cứng đơ khác thường, gây khó khăn cho trẻ trong các hoạt động hay sinh hoạt hàng ngày như cầm nắm đồ vật không chắc, hay té ngã, đi đứng không vững… thì cũng cần đưa trẻ đi khám sớm. Trường hợp này rất có thể não trẻ đang có vấn đề như bị bại não nhẹ hay bị chấn động não.
Bệnh xương khớp:Tình trạng trẻ lóng ngóng, đi đứng không vững, cầm nắm không tốt… bỗng đột ngột xuất hiện, vì trước đây trẻ không như vậy thì ba mẹ cũng không nên chủ quan. Rất có thể xương khớp của trẻ đang có vấn đề, có thể là dấu hiệu của sự thoái hóa khớp hay các triệu chứng khác như teo cơ, bị thấp khớp…
Rối loạn phối hợp phát triển:Trẻ không những vụng về mà còn chậm chạp, hay va vào trẻ khác, phối hợp tay chân không đồng bộ… là dấu hiệu cho thấy trẻ có thể mắc phải hội chứng rối loạn phối hợp phát triển. Trẻ bị hội chứng này thường hơi thừa cân béo phì và mắc thêm chứng hiếu động.
Trong tất cả các trường hợp nghi ngờ trẻ có bệnh lý nào đó khiến trẻ trở nên vụng về, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm. Những tiến bộ của y học ngày này sẽ giúp phát hiện và chữa trị cho bé hiệu quả, an toàn.
Yeutre.vn (Tổng hợp)