Trai mà chi, gái mà chi

(Yeutre.vn) Tôi may mắn có đủ nếp đủ tẻ, thành ra cũng chẳng mấy quan tâm đến chuyện con trai, con gái.

banner ads

4576-trai-gai.jpg

Tôi may mắn có cả đủ nếp, đủ tẻ.

Những người tôi quen biết, bạn tôi, chị tôi, họ cũng đều đã có gia đình và con cái đề huề. Số ít trong đó cũng may mắn như tôi. Phần lớn còn lại nhà thì toàn trai, nhà lại toàn gái. Ấy thế mà, cuộc sống của họ chẳng bao giờ ngớt tiếng cười. Cái áp lực phải sinh bằng được con trai dường như đã được giải tỏa trong các gia đình hiện đại. Hoặc như muốn sinh thêm con gái cho nhà đủ đầy đã là việc có cũng được, không có cũng chẳng sao. Có thể tôi chưa gặp những người phải sống trong cảnh khốn cùng chỉ vì không sinh được con trai nối dõi nên chưa thể đánh giá được mức độ thay đổi của quan niệm con trai, con gái trong xã hội. Nhưng có lẽ câu chuyện mà tôi chia sẻ sau đây, sẽ là một điều gì đó khiến chúng ta phải nhìn nhận lại.

Cụ ông Kim, có người con gái tên Mộc Hương. Một thời trai trẻ ông xông pha chinh chiến, là một chỉ huy của chính quyền ngụy quân Sài Gòn. Ông lấy vợ và tiếp tục công tác cho đến khi bị bắt và giam ở ngoài Hà Nội. Ngày ông đi tù, vợ ông không được hay vì bà mắc bệnh tim. Đứa con gái duy nhất của ông là Mộc Hương phải khăn gói thăm nuôi cha đều đặn hàng tháng dù đường từ Nam ra Bắc lúc bấy giờ vô cùng vất vả. Chưa kể đến chuyện đạn lạc, thương vong. Cũng từ ngày cha đi tù, mọi lo toan trong gia đình đều đè gánh lên đôi vai gầy guộc của đứa con gái đang tuổi mạ non. Cô phải làm việc cật lực để có cái ăn và thuốc thang cho mẹ.

Năm năm trôi qua, vợ của ông Kim vô tình hay biết tin chồng, bà lâm bệnh nặng và qua đời một thời gian không lâu sau đó. Thời gian đằng đẵng theo khói lửa chiến tranh cũng đã qua, cha con cô gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi không nói nên lời. Ấy cũng là lúc người cha cứng rắn ngày nào phải rơi nước mắt khi nhìn lại con gái đã lỡ xuân thì. Ông tự trách mình đã có lúc thấy buồn vì chỉ có con gái.

Những ngày tháng ẩm ướt, khô khốc và mục rữa trong tù đã khiến cơ thể ông Kim không còn được như trước. Trong một lần lao động khổ sai, ông đã bị gãy chân nhưng không chữa trị dứt điểm nên đã thành thương tật. Ông quanh đi quẩn lại trong nhà khi đứa con gái cứ ngày ngày vừa quần quật kiếm tiền, vừa luôn tay luôn chân chăm sóc ông mọi bề. Khi cảm thấy mình quá bất lực, ông xin vào làm công nhân một xưởng giấy ở gần nơi ông ở. Nhưng sức khỏe không cho phép con người ta làm điều mình muốn. Ở nơi làm viêc, Hương tức tốc trở về vì được tin báo ba bị ngất trong xưởng. Nước mắt thấm đẫm gương mặt hốc hác, gầy sọm của Hương. Cô đưa ba về nhà.

Từ đó, ông cụ phải nằm bất động một chỗ. Mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền và việc chăm sóc ba một lần nữa lại len lỏi cả trong giấc ngủ của Hương, người con gái lỡ thì. Một ngày nọ, cha con cô được một người quen đưa lên tàu vượt biên qua Mỹ. May mắn thay, lần vượt biên đầu tiên trót lọt. Vậy là hai cha con đã đặt chân đến nước Mỹ phồn hoa. Những tưởng cuộc sống ở nơi được gọi là thiên đường sẽ cho cha con cô những ngày tháng thoát ly khỏi cảnh nghèo khó. Nhưng cuộc đời không đơn giản. Hương sang Mỹ còn phải làm việc gấp ba, gấp bốn lần ở Việt Nam. Cái ăn, cái mặc cứ bám lấy cô. Mà thời gian lại không buông tha cho người phụ nữ.

Quay quắt qua bao năm tháng chật vật, mái tóc chị đã pha màu sương nhưng bù lại cuộc sống của hai cha con đã có phần khởi sắc. Hương giỏi xoay sở, giỏi chắt chiu nên cũng dành dụm được ít vốn để tự làm bà chủ nhỏ của một cửa hàng ăn uống. Về phần ông Kim, không khi nào người ta thấy ông âu sầu, buồn bã. Dù không thể đi lại nhưng người ông lúc nào cũng thơm tho, sạch sẽ. Hương chẳng bao giờ để ông cụ phải buồn. Bữa ăn nào chị cũng ngồi trò chuyện tíu tít với ba, kể cho ông nghe mọi thứ chị quan sát được.

Hằng ngày, việc lau rửa cơ thể ông chiếm khá nhiều thời gian của chị nhưng chưa bao giờ ông cụ thấy chị than vãn hay chê bai dù bản thân ông cũng thấy mùi khó chịu từ cơ thể mình. Trời không phụ lòng người, cuối cùng Hương cũng gặp được một người đàn ông tử tế, có nghề nghiệp ổn định và cưới làm chồng. Ngày lên xe hoa, chị đã qua cái ngưỡng U50. Hai vợ chồng chị, người tất bật đầu này, người bận rộn đầu kia nhưng chưa bao giờ quên sót một bữa ăn nào của ông Kim.

4575-dan-ba-mat-trinh.jpg

Nhờ trời thương, cuối cùng Hương đã gặp người đàn ông tử tế và lấy làm chồng.

Hàng ngày, hễ có thời gian, chị lại ngồi bên ba thủ thỉ. Chị làm cho ông cụ vui suốt. Ai đến nhà thăm hỏi, chị Hương cũng đều hớn hở khoe “Vợ chồng em có phúc lắm nên ở tuổi này rồi mà vẫn còn có ba để phụng dưỡng ”. Vừa nói, chị vừa nhìn ba với ánh mắt trào dâng niềm hạnh phúc chất ngất. Có lẽ, cuộc đời không cho ông Kim nhiều như ông muốn hay nhiều hơn những gì người khác có nhưng nếu như con cái là kho báu để dành thì hẳn ông đã có được kho báu của cả trần gian khi có đứa con gái như chị Hương. Trong khi nhiều đứa con ở Mỹ sẵn sàng tống cha mẹ vào nhà dưỡng lão thì chị lại hết sức nâng niu chăm sóc ông từng giờ.

Tôi thiết nghĩ, cuộc đời này chẳng biết đâu được mất. Chỉ biết rằng con người cần trân trọng những thứ đang có. Ông bà ta đã từng nói “Trai mà chi, gái mà chi. Con nào có nghĩa có nghì thì hơn”. Yêu thương và trao yêu thương, có lẽ cũng là điều mà các bậc cha mẹ cần làm cho con mình hơn cả. Thời gian sẽ cho ta trải nghiệm điều quý giá nhất của cuộc đời.

Yeutre.vn

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI