Tôi không còn dám đưa chồng về quê ăn Tết

Dù rất muốn được về ăn Tết cùng gia đình nhưng quả thật tôi và chồng thấy sợ khi nghĩ lại chuyện Tết năm ngoái. Tôi không thể hiểu được tại sao ở quê tôi họ lại uống rượu nhiều đến thế.

banner ads

11989-best1d6e355ca8-5-img-8213-1.jpg

Ảnh minh họa

Tôi là một phụ nữ trẻ mới lập gia đình. Tết Nguyên đán đang đến rất gần, tôi có một kỷ niệm không vui, hay phải nói là kinh hoàng của chồng tôi, một chàng trai Hà Nội trong chuyến về quê vợ ăn Tết năm ngoái muốn được chia sẻ với mọi người, đồng thời phản ánh về một tật xấu có lẽ không chỉ có riêng ở quê tôi.

Tôi sinh ra ở một làng nhỏ, cách Hà Nội không quá xa. Tuy là ở làng nhưng từ nhỏ, chị em chúng tôi đã được bố mẹ hướng cho phải học hành đến nơi đến chốn nên chúng tôi không phải giúp việc nhà hay việc đồng áng nhiều như các bạn khác. Có lẽ vì thế mà ngoại hình tôi cũng ưa nhìn với dáng dong dỏng, da trắng, dễ mặc quần áo nên không bị coi là “quê” khi tôi lên Hà Nội học đại học, rồi sau này là đi làm.

Tôi và chồng tôi quen và yêu nhau được một năm thì làm đám cưới. Anh là người Hà Nội, rất hiền và yêu thương tôi. Chúng tôi cưới nhau được hơn một năm, hiện sống và làm việc ở Hà Nội. Gia đình chồng tôi rất hiện đại nên bố mẹ chồng cho vợ chồng tôi ở riêng ngay từ khi mới cưới. Công việc của vợ chồng tôi cũng ổn định với mức thu nhập khá nên cuộc sống cũng không có gì phải phàn nàn. Tết năm ngoái, sau khi cưới được hơn một tháng, bố mẹ chồng và chồng tôi đã rất tâm lý, hai cụ bảo chồng tôi đưa tôi về quê ăn Tết, còn các cụ vào TP HCM đón tết với gia đình anh chồng tôi, kết hợp thăm cháu đích tôn mới sinh. Tôi đã rất vui và cảm ơn bố mẹ chồng và chồng tôi rất nhiều.

banner ads

Vợ chồng tôi xin nghỉ phép sớm để về quê từ hôm 28. Tàu xe không vất vả nên hai vợ chồng rất vui. Bố mẹ tôi rất mừng, làm mấy mâm cơm mời nhà các bác, các chú sang ăn cơm, muốn tạo không khí vui vẻ, đồng thời giới thiệu chồng tôi với họ hàng. Tết năm ngoái của vợ chồng tôi đáng ra đã rất vui vẻ nếu không có sự quá đà của các anh em họ tôi.

Bữa cơm ngày Tết thì ở đâu cũng phải có chén rượu. Sau mấy chén đầu e dè, các anh em họ nhà tôi đã thấy quý và thân thiết với chồng tôi. Thôi thì đủ lý do để họ bắt anh ấy nâng chén. Nào là rể mới, là lần đầu anh em gặp nhau, rồi “lượt đi”, “lượt về”, chào mâm, bắt tay, hỏi tên… Cứ lần lượt từng người, từng người chúc rượu chồng tôi. Nói là mời, là chúc nhưng thật ra là ép anh ấy phải uống. Mặc cho tôi rồi bố mẹ tôi ngăn cản, các anh em họ bên nhà tôi nhất định bắt chồng tôi phải uống cho bằng được. Vì là người nhà, và cũng sợ họ tự ái, bố mẹ tôi và tôi cũng không dám ngăn cản gay gắt. Bữa cơm từ quá trưa kéo dài đến qua cả thời gian của bữa tối. Đến 19h thì chồng tôi không còn biết trời đất là gì nữa, say rượu nằm vật ra cạnh mâm thì họ mới dừng. Các anh em họ nhà tôi liêu xiêu dìu nhau về sau khi đã nôn oẹ đầy vườn nhà tôi. Cả đêm hôm đấy, tôi phải thức chăm chồng say rượu. Bố mẹ tôi cũng xót con rể mà mất ngủ. Suốt đêm chồng tôi mê man vật vã, nôn ra hết đồ ăn rồi đến cả mật xanh mật vàng.

11990-say-ruou.jpg

Ảnh minh họa

Sáng hôm sau, trời vừa hửng thì các anh em họ tôi lại sang. Họ qua gọi chồng tôi sang nhà bác cả mổ lợn để chuẩn bị ăn Tết. Chồng tôi cả đêm vật vã mà cũng không được yên với họ. Mà cũng không thể hiểu nổi tại sao hôm qua vừa uống rượu nhiều như thế, sáng ra họ lấy sức ở đâu mà tỉnh táo được như vậy nữa.

Không biết là quý em rể hay là muốn bắt nạt chồng tôi vì anh ấy hiền mà họ hết bắt anh phải cầm dao chọc tiết lợn, anh ấy không dám làm thì họ bắt anh giữ lợn để rồi bị lợn cắn vào tay chảy máu. Rồi lại bắt anh ấy hứng tiết, cạo lông. Tôi sang gọi chồng tôi về để “giải cứu” cho anh nhưng nhất định họ không cho chồng tôi về, giữ ở lại bằng được. Bác cả cũng nhất định giữ chồng tôi lại, nói rằng lệ của họ nhà tôi là như thế. Chồng tôi là con trai Hà Nội hiền lành, từ bé không bao giờ phải động tay động chân chuyện gì, nay chưa tỉnh rượu đã bị quay như đèn cù, lại còn bị lợn cắn, rồi nhìn thấy cảnh máu me khiến anh gần như lả đi.

Bữa trưa hôm đó lại là một kịch bản như cũ với mồi nhậu là lòng lợn tiết canh. Chồng tôi lại bị ép uống đến say mèm, rồi được dìu về nhà, cả đêm tôi lại phải chăm anh say mê man. Cũng may là anh say nên không bị họ lôi đi tá lả, chắn cạ thâu đêm.

Các anh em họ nhà tôi chỉ “tha” cho chồng tôi ngày 30 và bữa trưa ngày mồng 1 để anh được ăn cơm với nhà vợ, cũng vì họ cũng bận phải lo việc ở nhà nữa. Chiều ngày mồng 1, họ qua đưa chồng tôi đi “chào họ hàng”, đi một lượt đến nhà từng người họ, rồi lại ăn lại uống rượu. Sang đến ngày mồng 2, chồng tôi ốm. Anh nằm bẹp trên giường ba ngày, rồi hai vợ chồng tôi dắt nhau về Hà Nội. Bố mẹ tôi xót ruột lắm nhưng cũng phải nói rằng: “Ở quê mình cái lệ nó thế”. Chỉ thương chồng tôi, tiếng là đưa vợ về quê ăn Tết, gặp họ hàng mà chẳng gặp được ai ngoài mấy ông anh em họ của tôi, đã thế lại bị ốm ba ngày, người xanh như tàu lá.

Bố mẹ chồng tôi hỏi chuyện về quê ăn Tết, chồng tôi lại vẫn nói đỡ lời cho tôi để tôi không cảm thấy ngại với bố mẹ chồng. Nếu không yêu thương tôi, chắc anh không thể làm được như vậy.

Tết năm nay được nghỉ 9 ngày, bố mẹ chồng tôi lại vào ăn Tết trong Nam, nhưng vợ chồng tôi đã bàn với bố mẹ tôi rằng chúng tôi chỉ tranh thủ về thăm hai cụ trước Tết rồi ra Hà Nội luôn chứ không dám ăn Tết ở quê nữa và đã được các cụ đồng tình. Có thể chúng tôi sẽ ăn Tết ở Hà Nội, hoặc cùng vào miền Nam với bố mẹ chồng. Dù rất muốn được về ăn Tết cùng gia đình nhưng tôi và chồng thấy sợ khi nghĩ lại chuyện Tết năm ngoái. Tôi cũng không thể hiểu được tại sao ở quê tôi họ lại uống rượu nhiều đến thế. Tại sao lại cứ phải ép rượu người khác. Em trai tôi đã thi đỗ đại học và đang học ngoài Hà Nội, nếu không chẳng biết rồi nó sẽ thế nào khi ở gần những anh em hũ chìm nhà các chú các bác tôi nữa.

Ánh Trân - Vnexpress

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI