Thưởng tiền nếu sinh toàn con gái: tranh luận trái chiều...

Dự thảo Luật Dân số lần 3 của Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh toàn con gái.

banner ads

Theo dự thảo, “Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định đối tượng, mức hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”.

34651-bo-y-te-de-xuatsinh-toan-con-gai-duoc-thuong-tien2960664.jpg

Theo dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ và tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn. (Ảnh minh họa)

Đồng tình với đề xuất của dự thảo, Ông Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con một bề là khuyến khích, động viên, tuyên truyền.

Ông Trọng nhấn mạnh: “Tôi nhận thấy, việc hỗ trợ về kinh tế là hết sức quan trọng. Điều này có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rất lớn và đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với các gia đình sinh con một bề là nữ. Điều đó giá trị hơn tiền rất nhiều và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Xã hội cần ghi nhận điều đó".

Trái với quan điểm này, GS.TS. Nguyễn Đình Cử,- Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em nói:

"Tôi được biết, khi xây dựng dự thảo còn có ý kiến đề cập cho tiền khi cặp vợ chồng sinh con gái. Cá nhân tôi không đồng tình việc này bởi nó không hiệu quả nếu tâm lý họ vẫn khao khát con trai.

Thậm chí gia đình được “thưởng” còn cảm thấy bị xúc phạm do đó là phần thưởng được hiểu là dành cho người yếu thế. Tôi biết, có địa phương đã có hình thức thưởng tiền, thưởng quạt cho các gia đình sinh con một bề gái, nhưng đó không phải là giải pháp hiệu quả cho việc ngăn chặn mất cân bằng giới”.

Ngoài ra, GS phân tích, độ tuổi sinh đẻ của chị em phụ nữ kéo dài đến khoảng 49 tuổi. Giả sử, một phụ nữ sinh con đúng theo kế hoạch thì 27 tuổi đã có hai con.

Nếu thưởng cho họ ngay thì ai đảm bảo rằng hơn 20 năm nữa họ không thay đổi ý định sinh con? Khi ấy có đòi lại tiền không? Có khi lại là chủ đề để dư luận phê phán chính sách thưởng tiền của Nhà nước.

Theo ông Cử, Bộ Y tế nên cẩn trọng trước một chính sách đưa ra mà liên quan đến tâm tư, tình cảm của hàng triệu gia đình và tiêu tốn kinh phí lớn.

Tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở mức cao, tăng nhanh và ngày càng lan rộng; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang xảy ra cả ở thành thị và nông thôn, nhiều vùng địa lý, một số tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh ở mức rất cao khiến Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ.

Cũng theo Bộ Y tế, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam từ năm 2006 đến nay luôn ở mức trên 110%. Và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang xảy ra cả ở các gia đình có trình độ học vấn cao, tình trạng kinh tế khá giả đang xảy ra.

Kết quả điều tra biến động dân số kế hoạch hóa gia đình năm 2011 của Tổng cục Thống kê qua các lần sinh, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam đều ở mức cao và đều mất cân bằng. Lần thứ nhất: 109,7; Lần thứ 2: 11,9 và lần thứ 3 trở lên rất cao: 119,7.

Trước thực trạng này, Bộ y tế nhận định, tình trạng tăng tỉ số giới tính khi sinh sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị…khi nam nữ bước vào độ tuổi kết hôn.

"Theo dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ và tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới nguy cơ phải nhập giống vì mất cân bằng giới tính", Ths.Bs Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ truyền Thông-Giáo dục, Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết. (ĐSPL).

Theo PNO

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI