Bố mẹ cần chọn những loại bỉm đảm bảo chất lượng và phù hợp với cân nặng của trẻ
Câu hỏi: Tôi mới sinh con trai được 2 tháng. Tối nào, tôi cũng đóng bỉm cho bé đi ngủ. Gần đây, có nghe các mẹ bỉm sữa truyền tin dùng bỉm hay tã giấy sẽ làm nóng tinh hoàn của bé trai, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản sau này và khiến chân vòng kiềng. Tôi hoang mang quá. Giờ không dùng bỉm, tôi phải dậy 4-5 lần/ đêm để thay tã vải cho con và chuyển sang chỗ nằm khác. Thưa bác sĩ, việc đóng bỉm cho trẻ có tác hại như vậy hay không? Sử dụng bỉm như thế nào là đúng cách và an toàn cho trẻ?
Độc giả Phạm Quỳnh Hương (Nam Từ Liêm- Hà Nội)
Trả lời:
Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng, đeo bỉm thường bị kín hơi, bó sát vào cơ thể trẻ, dễ làm cho nhiệt độ cục bộ bên trong tăng lên. Khi nhiệt độ tăng, để lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng của các bé trai sau này.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Lan, khoa Nhi- Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội sẽ giải đáp những thắc mắc của các ông bố bà mẹ về vấn đề trẻ đóng bỉm nhiều bị vô sinh, chân vòng kiềng và cách sử dụng bỉm đúng cách.
“Việc đóng bỉm không gây vô sinh”
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Lan cho biết: “Trẻ bú mẹ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, khả năng kiếm soát cơ tròn (cơ thắt hậu môn, cơ niệu đạo) rất hạn chế. Do đó, trẻ sẽ bài tiết (tống phân, nước tiểu) theo nhu cầu, ngay lập tức mà không có khả năng trì hoãn. Vì vậy, việc đóng bỉm là cần thiết đối với trẻ nhằm tránh bị ướt nhiều lần trong ngày”.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Lan, khoa Nhi- Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội
Bác sĩ nhấn mạnh thêm, việc đóng bỉm không gây vô sinh, chân vòng kiềng cũng như làm hăm trẻ. Trong quãng thời gian trẻ được đóng bỉm, cho dù đeo cả ngày cũng không ảnh hưởng đến việc làm hẹp bao quy đầu hay chức năng sinh sản sau này của trẻ. Vấn đề tinh hoàn cần môi trường nhiệt độ thấp là đúng nhưng đó là môi trường điều kiện để sản xuất tinh trùng. Còn, đối với trẻ nhỏ, tinh hoàn không sản xuất tinh trùng.
Cách sử dụng bỉm an toàn
Khi đóng bỉm, trẻ cần được thay nhiều lần trong ngày hoặc thay bỉm cho trẻ khi có báo hiệu đầy. Đặc biệt, cần thay ngay sau khi đại tiện. “Mỗi lần thay bỉm, bố mẹ cần rửa sạch, lau khô vùng mông và “hạt lạc” của trẻ. Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số loại thuốc chống hăm (có chứa oxide kẽm) để ngăn cách làn da em bé với bề mặt bỉm nhằm phòng chống, hạn chế bệnh hăm cho trẻ”, bác sĩ Ngọc Lan chỉ rõ cách sử dụng bỉm an toàn cho trẻ.
Ngoài ra, khi chọn bỉm cho trẻ, bố mẹ cần chọn những loại bỉm đảm bảo chất lượng và phù hợp với cân nặng của trẻ.
Thời gian sử dụng bỉm phụ thuộc hoàn toàn vào thói quen vệ sinh của trẻ. Khi trẻ làm chủ được cơ tròn, cha mẹ có thể ngừng sử dụng bỉm. “Việc luyện cho bé đi tiểu có thể bắt đầu khi bé khoảng 1 tuổi, nhưng không nên đánh thức bé giữa ban đêm để cho trẻ đi tiểu. Bởi, có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Ngừng sử dụng bỉm sớm sẽ tiết kiệm chi phí cho gia đình cũng như rèn được tính vệ sinh cho trẻ”, bác sĩ Ngọc Lan cho hay.
Theo eva