Thực hư chuyện mẹ uống cà phê khi mang thai sinh con da đen

Có thực màu sắc từ thực phẩm có thể làm biến đổi sắc tố da của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ như nhiều người vẫn gán cho câu chuyện của những tách cà phê đen? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau đây:

banner ads

Thực chất, câu chuyện về sắc tố da liên quan nhiều đến tế bào hắc tố melamin hơn là sắc màu của những loại thực phẩm. Nếu có một sự thật rằng màu sắc của thực phẩm ảnh hưởng đến màu da của con người thì có lẽ đến nay các chủng tộc người trên thế giới đã có nhiều màu da khác nhau hơn hiện tại. Và tác nhân quyết định đến màu da của con người, melamin lại là câu chuyện của sự di truyền chủng tộc.

Vì melanin là một dạng tế bào có tác dụng bảo vệ da trước những tác hại của tia nắng mặt trời bằng cách sản sinh thêm nhiều tế bào hơn. Do đó, ngoài yếu tố di truyền, người tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời thì sắc tố da sẽ càng sẫm đi.

Như vậy, di truyền và ánh nắng mặt trời chính là hai yếu tố quyết định đến sắc tố da chứ không phải là màu sắc thực phẩm như nhiều người vẫn nghĩ.

Sự hình thành sắc tố da của thai nhi có phải là một trường hợp ngoại lệ?

15795-ca-phe-4.jpg

Tương tự như người lớn, làn da của một thai nhi cũng được quyết định bởi yếu tố di truyền.

Tương tự như người lớn, làn da của một thai nhi cũng được quyết định bởi yếu tố di truyền. Do đó, có thể khẳng định ngay rằng, việc mẹ có ăn uống thế nào, màu sắc thức ăn ra sao cũng không thể quyết định đến màu da của bé. Thực phẩm được mẹ tiêu thụ chỉ đóng vai trò cung cấp dưỡng chất cho mẹ và thai nhi.

Riêng với loại thức uống như cà phê, cho đến nay sau nhiều nghiên cứu về những tác hại của cafein lên thai nhi, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải được tác động của nó lên các bào thai. Tuy nhiên, theo số liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, nguy cơ dị tật ở thai nhi sẽ lên đến 1,39 lần nếu người mẹ tiêu thụ 3 ly cà phê trong một ngày và gấp 1,39 lần nếu vượt quá 3 lần uống. Trường hợp, người mẹ khi mang thai uống đến 8 tách cà phê trong một ngày thì khả năng thai chết lưu sẽ gấp hai lần so với những người mẹ không dùng.

15789-ca-phe-1.jpg

Cà phê không tốt cho người mang thai.

Cũng xuất phát từ mối liên hệ giữa cà phê và sức khỏe thai nhi, một nghiên cứu cho thấy nguy cơ sảy thai của người mẹ sử dụng quá 2 tách cà phê mỗi ngày lên đến 25%. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu người mẹ uống 5 cốc nước có chứa chất cafein trong ngày. Tỷ lệ này sẽ giảm còn lại 15% nếu số tách cà phê giảm đi một nửa, nghĩa là chỉ còn 1 tách mỗi ngày.

Chưa hết, những tác động lâu dài trên thai nhi từ việc người mẹ dùng thức uống cafein còn ảnh hưởng đến đứa trẻ cả sau khi chúng chào đời. Theo đó, những đứa trẻ có mẹ thường xuyên dùng 3 tách cà phê một ngày trong thai kỳ, khi sinh ra nhịp tim, nhịp thở sẽ nhanh hơn mức bình thường và khi ngủ luôn bị giật mình.

15790-ca-phe-3.jpg

Mẹ mang thai nên nghĩ đến việc dùng những thức uống phù hợp chẳng hạn như nước trái cây.

Ngoài những tác động âm ỉ trên, việc sử dụng thức uống có chứa cafein còn trực tiếp dẫn đến những rối loạn nhịp tim, dẫn đến trạng thái bồn chồn và sinh ra chứng mất ngủ kéo dài, đồng thời làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể thai phụ. Với những tác dụng phụ không hề “lành mạnh” này, tốt nhất bạn nên nghĩ đến việc dùng những thức uống thay thế khác cho phù hợp hơn như nước trái cây chẳng hạn.

Sau cùng, mẹ cần lưu ý rằng trong các thức uống như cà phê luôn có chất phenol. Hoạt chất này sẽ làm cản trở sự hấp thu sắt, một chất vô cùng cần thiết cho cả mẹ và bé.

Ngoài cà phê ra những chất nào chứa cafein?

Có thể kể đến những thức uống chứa cafein phổ biến như trà, nước tăng lực, nước có ga, chocolate, kem cà phê… Tùy theo cách chế biến, cách pha và cũng như lượng tiêu thụ mà cafein trong mỗi lần dùng sẽ nhiều hay ít.

Ngoài ra, một số thảo mộc được dùng bào chế thuốc cũng chứa chất này. Do đó, việc sử dụng thuốc phải luôn cẩn trọng.

Giúp mẹ cai nghiện cafein khi mang thai

Nếu là một trong số những người nghiện cà phê hoặc trà, việc từ bỏ dường như là điều không đơn giản. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến sức khỏe con để có thể nghị lực chống lại cơn thèm khát nhé!

15801-ca-phe-5.jpg

Pha sữa vào cà phê có lẽ là một bắt đầu tốt nhất để bạn dần từ bỏ cà phê.

Trước hết, bạn có thể bắt đầu pha ít giọt cà phê vào cốc sữa tươi và làm quen dần với sự vắng mặt của cà phê.

Để cai trà, ban đầu bạn có thể pha trà nhạt bớt đi. Thay vì bình thường cho nhiều trà và uống đậm, bạn hãy bớt lượng trà lại và uống nhạt. Cứ như vậy mỗi ngày bạn giảm đi một ít cho đến khi bỏ được.

Sau cùng, dù trong thảo mộc chỉ chứa một ít cafein nhưng bạn cũng nên cẩn trọng đối với một số loại không được phép dùng cho phụ nữ mang thai.

Tóm lại, màu đen của cà phê không phải là nguyên nhân khiến da của con bạn sẽ đen hơn sau khi chào đời. Nhưng không vì thế bạn có thể thỏa sức uống cà phê tùy thích vì nó có thể dẫn đến dị tật thai nhi, sinh non, sẩy thai, thai chết lưu và nhiều vấn đề sức khỏe khác sau khi trẻ được sinh ra.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Đã có 1 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI