Chương trình từ thiện “Ươm mầm hạnh phúc” lần hai bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1 đến 11/12. Điều kiện tham gia là các cặp vợ chồng chưa có con, đã có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm mà chưa đủ điều kiện kinh tế thực hiện hoặc đã thất bại một chu kỳ. Người vợ dưới 37 tuổi, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, không có tổn thương ở buồng trứng, tử cung bình thường và ống dẫn trứng không ứ dịch. Người chồng cần có từ một triệu tinh trùng di động trong tinh dịch trở lên.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: M.Đ
Các cặp vợ chồng muốn tham gia chương trình cần có xác nhận hộ nghèo từ địa phương, giấy tóm tắt bệnh án từ bác sĩ của cơ sở y tế đang điều trị hiếm muộn. Chương trình tài trợ chi phí quá trình thụ tinh ống nghiệm, không hỗ trợ việc đi lại, ăn ở, khám sàng lọc... Chi phí sẽ được hỗ trợ từ khi bắt đầu điều trị cho đến khi bệnh nhân có thai 7 tuần (siêu âm thấy túi thai) hoặc khi đã sừ dụng hết phôi trữ lạnh sau lần làm thụ tinh trong ống nghiệm. Số phôi còn trữ lạnh sau khi sinh em bé sẽ được xử trí theo đề xuất của bệnh viện và chọn lựa của các cặp vợ chồng.
Các hồ sơ thông qua 2 vòng xét duyệt bởi hội đồng chuyên môn và bắt đầu quá trình điều trị từ ngày 22/12. Trường hợp có nhiều hơn 30 hồ sơ đạt yêu cầu, hồ sơ được chọn dựa trên hai yếu tố là đủ điều kiện tham gia chương trình và theo thứ tự thời gian nhận hồ sơ.
Chương trình "Ươm mầm hạnh phúc" lần thứ nhất bắt đầu từ cuối năm 2014, thực hiện điều trị thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí hoàn toàn cho 30 trường hợp. Trong 30 trường hợp được theo dõi điều trị, đã có 16 ca có thai, một trường hợp có thai tự nhiên sau chọc hút trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm. Trong đó có 8 thai phụ sinh em bé khỏe mạnh, 8 trường hợp còn lại thai đã trên 4 tháng tuổi và phát triển tốt. Bé gái đầu tiên của chương trình chào đời vào ngày 28/8 tại Hà Nội.
Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 80 triệu cặp vợ chồng gặp vấn đề về hiếm muộn. Tại Việt Nam, ước tính có gần một triệu cặp vợ chồng gặp vấn đề khó khăn trong việc mang thai tự nhiên. Hai phương pháp điều trị hiếm muộn phổ biến hiện nay là bơm tinh trùng vào buồng tử cung, hay còn gọi là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
Thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật thường được dùng trong trường hợp tắc 2 ống dẫn trứng, tinh trùng bất thường nặng (thậm chí không có tinh trùng), thụ tinh nhân tạo thất bại nhiều chu kỳ… Với kỹ thuật này, người vợ được tiêm thuốc để kích thích buồng trứng. Khi các nang noãn đạt đến kích thước nhất định, noãn sẽ được chọc hút ra ngoài và kết hợp với tinh trùng chồng để thành phôi. Khoảng 2-3 ngày sau khi lấy noãn ra ngoài, phôi được chuyển vào buồng tử cung. Các phôi dư còn lại, nếu chất lượng tốt, sẽ được trữ lạnh để sử dụng sau này.
Tổng thời gian để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm trung bình 2-4 tuần. Chi phí tại Việt Nam ước tính là 50-60 triệu đồng cho một chu kỳ điều trị, thấp hơn khoảng 3-5 lần so với thực hiện tại nước ngoài. Hiện nay, cơ hội thành công của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trung bình khoảng 40%, có thể thay đổi tùy theo từng bệnh nhân.
Địa chỉ nhận hồ sơ: Bệnh viện Mỹ Đức, số 4 Núi Thành, Phường 13, Quận Tân Bình, TP HCM, gửi qua đường bưu điện từ ngày 1 đến 11/12.Hội đồng chuyên môn gồm: Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM; Tiến sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM; Thầy thuốc ưu tú Trịnh Viết Tín, Giám đốc Bệnh viện Mỹ Đức; Thạc sĩ Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức.
Liên hệ chương trình qua mail [email protected] hay https://www.facebook.com/IVFMD.Vietnam
Theo VNE