Tết tự trong lòng

Từ ngày nhận biết được Tết, đã hơn 20 năm qua, chưa bao giờ trong lòng tôi không mong Tết.

banner ads

11823-1.jpg
Ảnh: Ngọc Hồ

Tết đã gần về, lòng người như tất bật hơn, nôn nao hơn, hào sảng hơn để chuẩn bị đón những ngày bắt đầu năm mới tốt đẹp. Người ta dễ dàng bỏ lại những lỗi lầm của nhau, để bước tiếp, để hưởng trọn niềm vui.

Thế nên, ngày Tết Việt luôn tươi đẹp, háo hức đến vậy.

Người xa quê muốn quay về gia đình để sum vầy đầm ấm những ngày đầu năm. Người kinh doanh bận bịu để tất toán những công việc cuối năm. Người lao động thì nhanh tay gia tăng sản xuất. Mọi người cùng tất tả hòa vào nhịp điệu chuyển mùa, bước vào năm mới...

banner ads

Từ ngày nhận biết được Tết, đã hơn 20 lần đi qua, chưa bao giờ trong lòng tôi không mong Tết. Người Việt có câu truyền miệng nhau "vui như Tết", cứ mỗi khi nói đến chuyện vui là Tết cứ len lỏi đâu đó.

Có lần về quê ăn Tết, mang vác hành lý ra đến tận bến xe, lúc loay hoay, tôi lỡ đánh rơi cái bóp tiền. Chú xe ôm lượm được liền mang đến trả, kèm theo nhắc nhở: "Tiền bạc phải cẩn thận chứ, lỡ mất hết rồi tiền đâu mà ăn Tết...".

Tôi cảm kích tấm lòng của chú xe ôm, móc trăm ngàn để "hậu tạ", chú từ chối: "Nhìn bây là biết, có khá giả gì đâu mà cho tiền. Thôi, để đó mà mua quà cho ba má". Lòng tôi vui hơn Tết. Cứ phiến diện nghĩ bến xe là chỗ của những chuyện phức tạp. Đâu có! Chú xe ôm đã cho tôi ăn Tết trước khi về quê.

Cũng có lần, tôi cùng má đi chợ Tết để mua đồ ăn. Người ta chạy xe, quẹt trúng làm tôi té ngã, cặp dưa hấu má biểu xách về nát bét. Người ta vội vàng dựng xe, khuôn mặt sợ hãi, lo lắng nhìn vết trầy trên tay, chân của tôi. Người ta run đến độ không lấy được miếng khăn giấy để lau vết bẩn cho tôi. Người ta lấy vài tờ tiền đưa tôi để mua thuốc men, “bồi thường” cặp dưa hấu. Má ngăn lại: "Thôi, chuyện xui rủi, ai muốn đâu... Cậu chạy xe cho cẩn thận lại nghen!". Cậu thanh niên cúi đầu vô cùng biết ơn.

Vết thương ngoài da không đau nữa. Má đã dạy tôi buông bỏ và tha thứ. Khi về đến nhà, lúc rửa và băng vết trầy trên da cho tôi, má nói: "Tết nhất đến nơi mà xui quá chừng, nhưng thôi kệ, trong cái rủi có cái may. Cái may của người ta là được mình bỏ qua, cái may của bây là bị tông nhưng chỉ trầy da".

Đến giờ, tôi mới biết tại sao vết thương khi ấy nó không đau. Ấy là vì tình người luôn làm lành mọi vết thương.

Người Việt ta lại có những câu tự an ủi mình rất hay: "Thôi kệ, xem như của đi thay người. Thôi kệ, duyên phận có số mà. Thôi kệ, Tết nhất mà...".

Trong những lời nói đó, phải chăng ông bà ta đã truyền đời cho con cháu về cách tha thứ, buông bỏ? Phải chăng đã dạy mỗi người phải bớt bỏ cái tôi, cái sân si trong mình?

Tết là cơ hội để tất cả mọi người họp mặt lại với nhau bên gia đình của mình. Nam về Bắc. Bắc vô Nam. Người ở tỉnh về lại với nhau. Và cả những kiều bào xa xứ, lang bạt nơi đất khách, họ vẫn hớn hở trên hành trình nửa vòng Trái đất để về với quê hương. Những người phục vụ trong ngành vận tải lại làm nhiều hơn, mệt nhọc hơn. Nhưng thôi kệ... Tết mà! Người ta vui thì mình cũng vui.

Nghề nào cũng vậy, cũng có những khó khăn, mệt nhọc và cả những áp lực. Nhưng hãy để "nghề làm người" thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tốt đẹp. Để cùng nhau kết thúc một năm cũ, chào đón một năm mới với những điều tốt đẹp!

Theo Hiền Phạm (P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Nguồn PNO

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI