Tất tần tật những điều mẹ cần biết khi mang thai lần 2

Do đã có chút kinh nghiệm sau lần mang thai đầu nên lần mang thai thứ hai mẹ sẽ điềm tĩnh hơn và khá vững tin. Những điều mới mẻ trong lần mang thai này cũng sẽ được bạn đón nhận và tận hưởng một cách sâu sắc hơn.

banner ads

"Tập hai" có gì khác so với "tập một"?

Hiện tượng thai nghén

Nếu lần trước bạn đã từng rất thèm chua, thì có thể lần này bạn lại luôn thèm đồ mặn hoặc đồ ngọt.

Bạn sẽ nhận ra dấu hiệu thai nghén của mình không giống như lần mang thai trước cả về thời gian bắt đầu và thời gian xuất hiện cơn nghén cũng như mức độ nghén. Những cơn thèm ăn có thể cũng khác biệt hoàn toàn. Nếu lần trước bạn đã từng rất thèm chua, thì có thể lần này bạn lại luôn thèm đồ mặn hoặc đồ ngọt. Nếu lần trước bạn không hề có dấu hiện nôn ói thì lần này bạn sẽ luôn vật vã với những cơn nghén dai dẳng.

Những cơn mệt mỏi

Lần mang thai thứ hai, bạn sẽ thấy mệt mỏi hơn gấp bội so với lần mang thai đầu. Đơn giản vì mọi thứ đang chồng chất trên vai bạn từ chuyện kinh tế, chăm sóc con cái cho đến chuyện nhà cửa. Vì thế, hãy tìm sự giúp đỡ của một người thân nào đó trong gia đình hoặc từ chính chồng mình.

Sự thay đổi cảm xúc

Chỉ khi bạn cùng bé trải qua những tuần tiếp theo, mọi cảm xúc sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về tình mẫu tử.

Nếu như lần mang thai trước bạn được mọi người thăm hỏi hồ hởi bao nhiêu thì lần mang thai sau bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng vì sự thờ ơ của mọi người bấy nhiêu. Điều đó hoàn toàn bình thường và bạn cần chuẩn bị tâm lý để đón nhận. Ngay cả chính cảm xúc của bạn cũng đi theo xu hướng này. Nhưng chỉ khi bạn cùng bé trải qua những tuần tiếp theo, mọi cảm xúc sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về tình mẫu tử. Bởi suy cho cùng, mỗi đứa con chào đời đều là một giọt máu thiêng liêng của vợ chồng bạn.

Kích thước vòng bụng

Do tử cung của bạn đã giãn nở hơn từ sau lần sinh đầu nên giờ đây bụng bạn sẽ chóng lớn hơn. Bạn sẽ cảm nhận được dấu hiệu bầu bì của mình sớm hơn nên cũng cần mua sắm những bộ đồ bầu sớm hơn so với lần mang thai trước nhé!

Cảm nhận cử động thai

Kinh nghiệm và sự nhạy cảm của bạn sau lần mang thai đầu sẽ giúp bạn cảm nhận sớm hơn về những cử động của thai nhi.

Kinh nghiệm và sự nhạy cảm của bạn sau lần mang thai đầu sẽ giúp bạn cảm nhận sớm hơn về những cử động của thai nhi. Đôi khi, bạn cũng lầm tưởng bé phát triển nhanh hơn đứa con đầu nhưng thực chất đó chỉ là cảm nhận của mẹ mà thôi!

Chuyện sinh nở

Khi nghĩ đến những cơn đau phải chịu đựng sau lần sinh đầu, bạn sẽ cảm thấy sợ hãi đôi chút. Nhưng hãy tin rằng bạn có thể làm tốt hơn những gì đã từng làm bởi lúc này bạn đã là mẹ của hai đứa trẻ.

Lưu ý, nếu lần mang thai đầu tiên đã từng có những trục trặc hoặc gặp các biến chứng gì nên thông báo ngay cho bác sĩ để khả năng tầm soát được tốt hơn.

Điều mẹ cần làm khi mang thai lần hai

- Làm các xét nghiệm cần thiết: nước tiểu, nhóm máu, rubella, rhesus, huyết đồ, HBsAg, HIV, sàng lọc hội chứng down, đường huyết khi đói, dung nạp đường thai kỳ (áp dụng cho người sinh con đầu có cân nặng trên 4kg, người có tiền sử với bệnh đái tháo đường, người tăng cân nhanh trong thai kỳ lần này).

Dù là lần mang thai thứ mấy thì việc bổ sung đủ các dinh dưỡng cần thiết trong 4 nhóm dưỡng chất quan trọng là điều cần thiết mẹ nên làm.

- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng: Dù là lần mang thai thứ mấy thì việc bổ sung đủ các dinh dưỡng cần thiết trong 4 nhóm dưỡng chất quan trọng là điều cần thiết mẹ nên làm. Nếu muốn bổ sung đạm, mẹ có thể ăn thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu…; nếu bổ sung tinh bột mẹ có thể dùng cơm, xôi, bánh mì, bắp, khoai; với chất béo có thể tìm thấy trong dầu thực vật, phô mai, sữa; các loại vitamin và khoáng tố luôn có trong các loại rau xanh, củ, quả.

- Ngoài ra, mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ sắt, canxi và axit folic.

  • Với sắt, mẹ cần khoảng 30-60 mg/ngày
  • Với axit folic, mẹ cần 400-800 mcg/ngày
  • Với canxi, mẹ cần bổ sung từ 1.000–1.500 mg/ngày

Những điều cần lưu ý cho lần mang thai thứ hai

Khi bạn không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào nhưng mãi vẫn không thấy đậu thai như mong đợi, hãy nghĩ ngay đến khả năng bạn có thể bị vô sinh thứ phát nhất là khi trước đó bạn đã từng có tiền sử sẩy thai hoặc có thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp chậm có thai sau lần mang thai đầu đều quy về nguyên nhân này mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Nếu đợi mãi vẫn không có dấu hiệu mang thai trở lại sau lần sinh đầu, hãy nghĩ đến khả năng vô sinh thứ phát.

Nếu sau lần sinh đầu, bạn bị trầm cảm, tốt nhất nên đợi sau 2 năm hãy tiếp tục mang thai. Bởi lẽ gánh nặng chăm sóc con cái hiện tại có thể khiến bạn dễ mắc lại chứng bệnh này. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp sẽ vượt qua chứng trầm cảm dễ dàng do tự tin vào kinh nghiệm chăm sóc con từ lần mang thai đầu tiên.

Nếu đã từng có sinh non, bạn có thể sẽ tái diễn điều này trong lần sinh thứ hai. Do vậy cần trao đổi trước với bác sĩ để biết các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Khi thấy có dấu hiệu ra máu, đau bụng bất thường nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám.

Giữ hay bỏ “thai trộm” sẽ tốt hơn?

Dân gian gọi “thai trộm” để chỉ những thai đậu trong thời kỳ mẹ sau sinh chưa có kinh trở lại đã mang thai.

Trường hợp này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro bởi sức khỏe người mẹ còn rất yếu để chống chọi lại với những cơn thai nghén. Thêm vào đó, chính tâm lý bất ổn khiến việc mang thai càng trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, phần lớn trường hợp đều để thai lớn hơn 10 tuần mới phát hiện ra. Lúc này, do tử cung của mẹ còn mềm nên việc bỏ thai có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như sót nhau, băng huyết, thủng tử cung… Và hậu quả đáng tiếc có thể dẫn đến vô sinh.

Không ít trường hợp “thai trộm” giữ lại hoàn toàn khỏe mạnh trong suốt thai kỳ với điều kiện, người mẹ vượt qua được cú sốc tâm lý. Vì thế, nếu rơi vào trường hợp này, bạn hãy sẵn sàng đón nhận tất cả để mọi chuyện được tốt đẹp hơn.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI