"Ở nước ta, đúng là thuốc có ở quanh ta, nhưng an toàn hay không thì chưa rõ. Việc dùng các loại cây, lá để tắm cho trẻ nhỏ,chúng tôi cũng không khuyến khích." - BS Vũ Minh Hoàn đưa ra lời khuyên
Con tôi hiện nay được 7 tháng tuổi. Tôi nghe các mẹ vẫn thường mách nhau theo kinh nghiệm dân gian để lại rằng, lấy lá đun sôi với nước hoặc vò trực tiếp lá tươi vào nước ấm rồi tắm cho trẻ con rất tốt, giúp da bé sạch mát, mềm mịn, không lo rôm sảy, mụn nhọt.
Vì thế nên tôi đã thử dùng lá khế, lá bồ công anh đun nước tắm cho con hàng ngày.Tuy nhiên, thời gian gần đây, con tôi thường xuyên có những dấu hiệu lạ trên da, càng tắm lá càng nổi rõ, dừng vài ngày lại khỏi.
Tôi cho rằng bé bị như vậy là do tắm lá và rất muốn dừng lại, nhưng các bà, các mẹ thì nghĩ đó chỉ là sự trùng hợp và khuyên vẫn nên tiếp tục. Tôi rất hoang mang không biết nên thế nào thì tốt nhất cho con.
Vậy thưa bác sĩcó nên cho hàng ngày hay không? Công dụng của từng loại lá ra sao và cách sử dụng thế nào an toàn nhất?
Độc giả Lâm Thị Mỵ (Hải Phòng)
Trả lời:
Theo TS. BS đông y Vũ Minh Hoàn - Trưởng phòng Đào tạo nghiên cứu Khoa học và chỉ đạo tuyến BVĐK Y học Cổ truyền Hà Nội:
“Nếu phát hiện da của trẻ có biểu hiện bị dị ứng sau khi tắm nước lá, việc đầu tiên là phải ngừng tắm lá ngay và theo dõi thêm. Nếu đúng là do dị ứng với lá tắm, thường thì chỉ cần dừng lại là da bé sẽ tự bình phục. Tuy nhiên, nếu sau một vài ngày vẫn không đỡ thì cần cho trẻ đi khám để có kết luận cụ thể và hướng điều trị phù hợp”.
TS. BS Vũ Minh Hoàn - Trưởng phòng Đào tạo nghiên cứu Khoa học và chỉ đạo tuyến, BVĐK Y học Cổ truyền Hà Nội
Bệnh nào lá đấy mới có tác dụng
BS Hoàn cho biết, trong đông y, các loại lá tắm được chia làm nhiều nhóm công dụng khác nhau:
- Trị rôm sảy, mụn nhọt: lá sài đất, bồ công anh, mướp đắng, rau má… Trong đó mướp đắng và rau má là hai loại khá mát và có thể dùng để tắm hàng ngày, thường xuyên mà không gây hại.
- Trị mẩn ngứa, dị ứng, lở sơn, viêm da cơ địa: theo y học cổ truyền, đây là các triệu chứng của phong, cần dùng nhóm cây thanh nhiệt, khu phong như lá khế hay kinh giới…
- Làm săn se mụn, trị thủy đậu, chốc lở, ngứa, mụn mủ: lá trầu không, chè xanh, chân vịt, xuyên tâm liên…
- Diệt côn trùng (chấy, rận…): lá na, hạt na, lá xoan…
Da hoàn toàn khỏe mạnh có nên tắm lá?
Đề cập đến vấn đề này, TS. BS Phạm Thị Mai Hương, chuyên khoa da liễu, BV Nhi Trung ương cho hay:
“Ở nước ta, đúng là thuốc có ở quanh ta, nhưng an toàn hay không thì chưa rõ. Việc dùng các loại cây, lá để tắm cho trẻ nhỏ, chúng tôi cũng không khuyến khích. Ngày nay, khi mà thực phẩm, đồ để ăn vào người còn bị nhiễm nhiều chất vô cùng độc hại thì các loại cây, lá để tắm cũng khó có thể đảm bảo có thực sự sạch và lành hay không”.
"Ở nước ta, đúng là thuốc có ở quanh ta, nhưng an toàn hay không thì chưa rõ. Việc dùng các loại cây, lá để tắm cho trẻ nhỏ,chúng tôi cũng không khuyến khích." - BS Vũ Minh Hoàn đưa ra lời khuyên.
Đặc biệt, khi da của trẻ bị tổn thương như trầy xước hay sưng tấy, mưng mủ... da đã mất đi lớp màng bảo vệ, trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều trong khi một số loại vi khuẩn bám trên lá cây vẫn còn sống dù đã đun sôi nước.
BS Hoàn cũng cho biết thêm, việc dùng nước lá để tắm cho bé hàng ngày ngay cả khi da của trẻ hoàn toàn khỏe mạnh là không cần thiết. Dùng lá để tắm cho trẻ không thực sự “lành và vô hại” như nhiều người thường nghĩ.
Lá tắm có thể gây thêm bệnh cho trẻ nếu sử dụng không đúng cách hoặc dùng lá không rõ nguồn gốc. Các loại lá đều có khả năng bị sâu bệnh hay có côn trùng làm tổ, nếu không xử lý được hoàn toàn, chúng sẽ chính là tác nhân gây hại, bội nhiễm ở trẻ.
Cách sử dụng an toàn và hiệu quả
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, các loại lá cần được xử lý rất cẩn thận với nhiều công đoạn:
- Rửa thật sạch cây, lá để loại trừ bụi bẩn và trứng côn trùng. Nên ngâm, rửa với nước muối loãng để tăng thêm hiệu quả trước khi đun sôi.
Các loại lá đều nên được đun sôi, để nguội để đảm bảo an toàn cho trẻ. Riêng kinh giới có thể nấu chín hoặc giã lá tươi tắm luôn, nếu đun thì không nên đun sôi quá kỹ, bởi như vậy sẽ làm mất đi lượng tinh dầu có tác dụng tốt.
- Lọc để vứt bỏ bã lá, chỉ lấy phần nước để sử dụng.
- Tắm tráng cho trẻ bằng nước ấm trước để loại bỏ bã nhờn và bụi bẩn trên da, sau đó tắm nước lá và cuối cùng lại tráng bằng nước lọc đun sôi một lần nữa để loại bỏ những bột lá có thể sót lại trên da.
Riêng với một số bệnh lở, ngứa có thể chấm nước lá trầu đặc để chữa thì khi tắm với nước lá trầu cũng có thể pha nước đặc hơn bình thường một chút và không cần tắm tráng.
Lá cây cũng là nơi dễ bám bẩn, nhiều vi khuẩn và côn trùng làm tổ. (Ảnh minh họa)
Nhiều bà mẹ có thói quen cho thêm muối vào nước tắm cho trẻ khi đun. Theo BS Hoàn, việc này là không cần thiết, thậm chí còn có thể khiến cho da của trẻ có cảm giác nhớp, dính hơn bình thường. Chỉ nên dùng muối để hòa vào nước lúc rửa cây, lá trước khi đun.
Để trẻ tránh bị mẩn ngứa do dị ứng với một số loại cây,lá, các bà mẹ có thể thử bằng cách đun lấy một cốc nước lá nhỏ, bôi một ít lên tay của bé và theo dõi trước khi cho bé tắm một loại lá mới.
Theo Khám phá