Sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi và những đặc điểm nổi bật của con mẹ nên biết

Sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi có điểm gì đặc biệt. Con có những thay đổi về thể chất và các giác quan phát triển ra sao. Trẻ 4 tháng tuổi ăn ngủ thế nào và mẹ chăm sóc con sao cho tốt nhất. Những thắc mắc này của mẹ sẽ được giải tỏa ngay qua nội dung chia sẻ sau đây. 

banner ads

Sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi
Sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi như thế nào là điều mẹ nào có con gần sang độ tuổi này hay đang độ tuổi này đều rất quan tâm. Ảnh Internet 

1. Sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi nói chung

So với tháng thứ 3, trẻ 4 tháng linh hoạt hơn hẳn. Con có nhiều điểm nổi trội mẹ có thể quan sát được, từ những tiến bộ rõ ràng trong vận động, sự linh hoạt của thị giác, đến khả năng ngôn ngữ và giao tiếp.

Về sự tăng trưởng của bé, con lúc này có thể sẽ tăng gấp đôi trọng lượng so với khoảng thời gian mới sinh. Tốc độ tăng cân của con không đột biến nhưng đều đặn.

Bé 4 tháng tuổi năng động hơn, con chú ý nhiều hơn đến không gian xung quanh. Con cứng cáp hơn, thể hiện cảm xúc của mình với các cung bậc khác nhau một cách rõ rệt. Tương tác xã hội của con cũng có những tiến triển nổi trội, điều này mẹ dễ dàng nhận ra khi con được trò truyện hay được mọi người xung quanh bắt chuyện. 

Bé 4 tháng tuổi
Sự phát triển của bé 4 tháng tuổi có những điểm đặc trưng rõ nét so với trước đó. Ảnh Internet 

2. Về thể chất của trẻ 4 tháng tuổi

2.1. Cân nặng và chiều dài

2.1.1. Tốc độ tăng trưởng

Các bé 4 tháng tuổi đều có tốc độ tăng trưởng đều đặn ở khoảng thời gian này và thường sẽ không có đột biến về cân nặng hay chiều dài.

2.1.2. Cân nặng và chiều dài của bé 4 tháng tuổi

Theo bảng chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh do WHO cung cấp, các bé trai ở độ tuổi 4 tháng có chiều dài trung bình khoảng 64cm, còn các bé gái có chiều dài trung bình khoảng 62cm.

Về cân nặng, các bé trai có cân nặng trung bình khoảng 7kg và các bé gái có cân nặng trung bình khoảng 6.4kg.

Trên đây là mức chiều cao cân nặng chuẩn của bé 4 tháng tuổi nói chung. Nếu bé của mẹ có cân nặng, chiều dài khác và không quá chênh lệch so với chiều cao cân nặng chuẩn này, thì bé vẫn đang có tốc độ phát triển bình thường, mẹ không cần phải lo lắng. 

Bé 4 tháng tuổi tăng trưởng ổn định
Bé 4 tháng tuổi có tốc độ tăng trưởng đều và ổn định. Ảnh Internet 

2.2. Kỹ năng vận động của bé 4 tháng tuổi

  • Đôi tay của bé 4 tháng đã trở nên khéo léo hơn. Con có thể dùng tay cầm nắm, di chuyển một món đồ chơi hay đồ vật nào đó mà mình nắm được. Nếu mẹ đưa cho con một cái lắc, con biết cầm chắc và lắc nó.
  • Trẻ 4 tháng tuổi có xu hướng cầm nắm bất cứ thứ gì trong tầm tay của mình, kể cả tóc của mẹ, sợi dây chuyền mẹ đeo hoặc bông hoa đính trên áo mẹ.
  • Con thích khám phá thế giới bằng cách đưa mọi thứ mình nắm được cho vào miệng để "nếm thử".
  • Đầu của các bé 4 tháng tuổi hầu như ứng cáp hơn rất nhiều. Con có thể kiểm soát đầu mình tốt hơn và có thể ngồi được khi mẹ hỗ trợ. Con có thể giữ đầu và ngực mình thẳng nếu nằm sấp.
  • Bé cũng bắt đầu đá, đẩy mạnh bằng chân. Và, có những bé đã bắt đầu thử nghiệm lăn một vòng và nằm sấp trở lại. Đây là cách con tập luyện cho cơ ngực, cơ bắp chân và độ cứng cáp của cổ, cũng như giữ thăng bằng tốt hơn. 
Bé 4 tháng cứng cáp
Bé 4 tháng cứng cáp hơn rất nhiều. Ảnh Internet 

3. Sự phát triển các giác quan của trẻ 4 tháng tuổi

Với trẻ 4 tháng tuổi, về sự phát triển các giác quan, nổi bật nhất phải nói đến là thị giác, tầm nhìn của trẻ.

Nếu ở 3 tháng tuổi, trẻ còn gặp khó khăn về việc phân biệt màu sắc, chỉ thích màu sáng hoặc các vật có màu tương phản đen trắng; thì ở 4 tháng tuổi, bé đã có khả năng nhận ra sự tương phản màu sắc tinh tế hơn. Con có thể nhận ra màu đỏ nổi bật hoặc màu xanh dương sáng tương đối rõ.

Tầm nhìn của các bé 4 tháng tuổi đã tăng ở mức khoảng 20/40. Nên, con có thể nhìn quanh phòng với tầm nhìn xa hơn. Mắt con linh hoạt hơn, theo dõi đồ vật di chuyển cũng nhanh nhạy hơn. Nếu mẹ hay người lớn đi ngang tầm mắt, con sẽ dõi theo xa hơn so với trước nhiều.

Nếu quan sát kỹ, mẹ cũng thấy mắt con đang bắt đầu có những thay đổi về màu sắc. Màu mắt bé nhạt hơn so với trước và sẽ tiếp tục trải qua thêm một số thay đổi nữa, trước khi đạt đến trạng thái màu mắt ổn định cuối cùng vào khoảng tháng thứ 6.

Với trẻ 4 tháng tuổi , một chiếc gương phản chiếu để trẻ có thể quan sát hình ảnh phản chiếu và chơi với hình ảnh rõ nét của chính mình là một gợi ý rất thú vị. 

Tầm nhìn của bé 4 tháng tuổi tốt hơn trước nhiều
Tầm nhìn của bé 4 tháng tuổi tốt hơn trước rất nhiều. Ảnh Internet 

4. Giao tiếp, ngôn ngữ và cảm xúc của trẻ 4 tháng tuổi

Bé 4 tháng tuổi có những tiến bộ nhất định về giao tiếp, phát triển ngôn ngữ nền tảng và cảm xúc, có thể sẽ khiến mẹ ngạc nhiên. Con khám phá bản thân nhưng đồng thời cũng tăng sự tương tác với thế giới chung quanh một cách rõ nét qua những tiến bộ này.

Con nhận biết khi mọi người đáp lại hành động của mình và sẽ gây sự chú ý để tiếp tục nhận được phản hồi đó. Sẽ không mấy ngạc nhiên khi mẹ đi ngang qua bé mà không bế, bé có thể sẽ nhìn theo và khóc. Hoặc, con sẽ đánh rơi thứ gì đó như món đồ chơi được đưa cho lên sàn nhà. Nếu món đồ chơi đó càng tạo ra tiếng vang khi rơi, con càng thích làm rơi để mẹ nhặt lên. Và, con thích được quan sát mẹ liên tục nhặt món đồ ấy.

Bé 4 tháng tuổi bắt đầu học hỏi về việc giao tiếp hiệu quả hơn với mọi người xung quanh mình. Con sẽ thể hiện bản thân bằng việc phát ra những âm thanh aah, uhh và cười ra tiếng. Kỹ năng nghe của con được cải thiện hơn một bậc, con có thể lắng nghe và bắt chước nhịp điệu, âm điệu mà con nghe được hoặc khi mẹ trò chuyện cùng con. 

Bé 4 tháng có thể phát âm thanh ahh uhh
Bé 4 tháng đã có thể phát ra những âm thanh ahh, uhh khi trò chuyện cùng mẹ rất dễ thương. Ảnh Internet 

Mẹ cũng không khó để nhận thấy, bé 4 tháng tuổi thể hiện cảm xúc rõ ràng qua biểu hiện trên khuôn mặt mình. Con có thể nở nụ cười rạng rỡ đầy hạnh phúc khi vui vẻ. Nhưng, khi giận dữ, mẹ cũng có thể thấy điều đó bộc lộ trên mặt bé. Và, khi con bị mẹ làm cho ngạc nhiên, phản ứng ngạc nhiên ở bé được thể hiện như mở miệng, mắt to tròn.

Nếu theo dõi kỹ, mẹ cũng phát hiện, con thể hiện bản thân qua tiếng khóc nữa. Tiếng khóc của bé 4 tháng tuổi có thể sẽ khác nhau, dựa trên nhu cầu hay cảm xúc của cụ thể của con.

Trẻ 4 tháng tuổi còn bắt đầu học cách đọc cảm xúc từ giọng nói và nét mặt của mẹ. Giọng nói nhẹ nhàng dịu ngọt của mẹ có thể trấn an bé, nhưng giọng điệu gay gắt hoặc có chút giận dữ sẽ làm cho con biết có gì đó không ổn. Có thể đây sẽ là một trong những điểm nhấn về cảm xúc và giao tiếp, khiến mẹ không khỏi giật mình vì sự tiến bộ của con đấy mẹ ạ! 

Bé 4 tháng giận dữ
Mẹ có thể thấy bé biểu hiện sự giận dữ trên khuôn mặt. Ảnh Internet 

5. Dinh dưỡng cho bé 4 tháng

Bé 4 tháng tuổi vẫn bú mẹ là chính, một số bé vì nhu cầu của con tăng hoặc do mẹ gặp vấn đề về nguồn sữa cho con, sẽ kết hợp giữa bú mẹ và sữa công thức.

Trẻ ở độ tuổi này phản ứng lưỡi rất mạnh, con có thể có những phản hồi như muốn ăn nếu được mẹ đút sữa bằng thìa.

Con cũng có những biểu hiện khác như chóp chép miệng, mút móng tay và "nhai" dù trong miệng không có gì. Nhiều mẹ có thể sẽ hiểu nhầm rằng, do con muốn ăn và bắt đầu lo lắng đến chuyện ăn dặm của bé. Tuy nhiên, như đã đề cập, bé 4 tháng tuổi vẫn nên bú sữa mẹ là chính. 

Bé 4 tháng bú mẹ
Bé 4 tháng vẫn bú mẹ là chính. Ảnh Internet 

6. Giấc ngủ của con

  • Bé 4 tháng tuổi hầu hết có giấc ngủ ngon hơn và dài hơn vào ban đêm. Nhiều trẻ có thể ngủ 6-8h liên tục hay còn gọi là ngủ xuyên đêm.
  • Trẻ sẽ có khoảng 2 giấc ngủ ngắn vào ban ngày, giấc sáng và chiều.
  • Tổng thời gian con ngủ khoảng 14-16 tiếng mỗi ngày. 
Bé 4 tháng ngủ ngon
Bé 4 tháng đã có thể ngủ xuyên đêm. Ảnh Internet 

7. Bệnh phổ biến các bé 4 tháng thường gặp

7.1. Sốt - tình trạng dễ gặp ở trẻ 4 tháng tuổi

Sốt là tình trạng dễ diễn ra với bé 4 tháng. Sốt có thể liên quan đến các bệnh nhẹ như trẻ bị cảm lạnh hay cảm cúm. Tuy nhiên, sốt cũng có thể liên quan đến các bệnh như nhiễm trùng tai hoặc viêm phổi. Vì, đây là những bệnh mà trẻ ở độ tuổi này thường gặp. Nếu con bị sốt, mẹ hãy hạ sốt cho bé, đo nhiệt độ thường xuyên để theo dõi. Trong trường hợp tình trạng sốt không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu sốt cao trong thời gian ngắn, mẹ hãy mang con đi bác sỹ để tìm nguyên nhân, nhằm có cách điều trị đúng bệnh cho bé. 

Bé bị sốt
Sốt là tình trạng dễ gặp ở trẻ 4 tháng tuổi. Ảnh Internet 

7.2. Bé có thể dễ bị cảm lạnh

Cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây ra là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Bé 4 tháng tuổi cũng dễ gặp phải cảm lạnh khi nhiệt độ môi trường, thời tiết khí hậu thay đổi, hay tác động từ môi trường sống, hoặc do trẻ nằm điều hòa với nhiệt độ không thích hợp,...

Khi bị cảm lạnh, con có thể bị sổ mũi, sốt nhẹ, ho, đau họng. Tình trạng này không quá nghiêm trọng, nếu nhẹ, con cũng rất nhanh khỏi. Tuy nhiên, nếu con không giảm sau 2 ngày, hoặc xuất hiện các triệu chứng như môi tái/ nhợt nhạt, đầu ngón tay nhợt nhạt, ho dai dẳng, ngủ li bì hoặc không ngủ mà quấy khóc, sốt cao,...thì mẹ cần mang bé đi bác sỹ để tìm ra bệnh và điều trị kịp thời. 

Bé khóc
Bé 4 tháng dễ bị cảm lạnh. Ảnh Internet 

7.3. Bệnh viêm phế quản

Trẻ 4 tháng tuổi cũng rất dễ mắc bệnh viêm phế quản , do virus gây ra. Bệnh này thường gặp nhiều vào mùa thu và mùa đông, khả năng lây lan bệnh cao. Vì vậy, mẹ cần lưu ý để bảo vệ và phòng tránh bệnh cho con bằng cách chú ý môi trường xung quanh sạch sẽ, rửa tay sạch khi bồng bế và cho trẻ bú.

Nếu con gặp các triệu chứng như: thở khò khè, bú khó khăn, môi hoặc đầu ngón tay hơi xanh xao thì mẹ nên bổ sung nước cho con ngay, đồng thời mang con đi bác sỹ để được thăm khám, điều trị. 

Bé ốm
Trẻ 4 tháng tuổi cũng dễ mắc phải bệnh viêm phế quản. Ảnh Internet 

8. Mẹ chăm sóc bé 4 tháng tuổi như thế nào

8.1. Giúp con phát triển kỹ năng cầm nắm

Vì con đã linh hoạt hơn trong việc cầm nắm, cho vào miệng bất cứ thứ gì con cầm được. Nên, mẹ lưu ý các đồ chơi quanh bé, trong tầm tay của bé. Chú ý các món đồ kích thước quá nhỏ, để tránh gây nguy hiểm cho bé.

8.2. Giúp con phát triển thị giác, tầm nhìn và cảm xúc

Thị giác của trẻ lúc này đang rất phát triển, mẹ có thể giúp con tiếp tục nâng cao tầm nhìn và nhận diện màu sắc của mình thêm tốt bằng cách, treo các đồ vật nhiều màu sắc gần nơi con nằm. Những đồ vật này mẹ nên lưu ý đảm bảo độ an toàn cho con.

Thường xuyên cho con quan sát mình trong gương để thấy những hình ảnh chuyển động thật sinh động, giúp con thêm phần linh hoạt trong sự khám phá đối tượng.

Chơi "ú òa" với con để vừa tạo niềm vui, vừa giúp con thêm linh hoạt về thịt giác và phát triển về cảm xúc. 

Bé phản ứng trước gương
Các bé 4 tháng đều có phản ứng rất "tích cực" khi "soi gương". Ảnh Internet 

8.3. Giúp trẻ trong kỹ năng vận động

Cho con nằm sấp để con tập luyện nâng đầu và ngực tốt hơn. Mẹ có thể hỗ trợ nếu con có dấu hiệu thích chuyển động lăn qua tư thế nằm từ tư thế nằm sấp và ngược lại. Cách này sẽ giúp con tăng cường độ chắc của cơ bắp.

Con đã cứng cáp hơn về phần cổ, đầu, có thể ngồi thẳng khi được hỗ trợ. Nên, mẹ có thể luyện tập cho con ngồi thêm để con ngồi vững hơn, giữ thăng bằng tốt hơn.

Mẹ cũng có thể bắt đầu cho con tập đứng để luyện thêm độ cứng cáp, vững chãi của chân, nhằm chuẩn bị cho việc tập đứng ở thời gian sau. Để luyện tập, mẹ có thể giữ nách bé, theo tư thế đứng vài phút.

8.4. Giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ

Ở 4 tháng tuổi, bé bắt đầu lắng nghe, bắt chước và phát ra các tiếng ahh uhh,...Đây là bước đệm cơ bản để con phát triển ngôn ngữ. Để giúp con tiến bộ hơn, mẹ hãy đọc truyện, hát cho bé nghe, giao tiếp theo ngôn ngữ của bé, phản ứng tích cực khi con bắt chước mẹ, hay phản hồi khi nói chuyện với mẹ, con sẽ được khích lệ. Điều này rất tốt cho bé trong việc phát triển ngôn ngữ của bé.   

Bé trò chuyện
Mẹ trò chuyện với con thường xuyên để giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ. Ảnh Internet 

8.5 Dinh dưỡng cho con

  • Dinh dưỡng cho bé 4 tháng tuổi chủ yếu vẫn là sữa mẹ. Mẹ nên chú ý chế độ dinh dưỡng đa dạng của bản thân, để tạo nguồn sữa chất lượng cho bé.
  • Có thể bé 4 tháng tuổi sẽ bú lâu hơn so với trước, nên mẹ hãy kiên nhẫn cho con bú, để bảo đảm một bữa ăn của bé được đáp ứng đủ nhu cầu.
  • Trường hợp sữa mẹ không đủ cung cấp cho nhu cầu của con vì lý do nào đó, mẹ có thể kết hợp sữa công thức. Và, mẹ lưu ý chọn loại sữa phù hợp để đảm bảo bé dung nạp tốt.

8.6 Chăm sóc giấc ngủ của trẻ 4 tháng tuổi

Mặc dù bé có giấc ngủ dài hơn vào ban đêm, có 2 giấc ngủ ngắn vào ban ngày nhưng nhiều bé có xu hướng sẽ thức muộn hơn vào buổi tối so với trước. Vậy nên, trong sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi, mẹ cũng nên thiết lập giờ và thói quen đi ngủ cho bé.

Mẹ có thể giúp bé dễ ngủ và ngủ ngon hơn bằng việc massage nhẹ nhàng cho con, ru nhẹ nhàng, cho bé bú no. 

Massage cho bé
Massage cho bé để con dễ ngủ và ngủ ngon. Ảnh Internet 

9. Cuộc sống của mẹ khi bé sang tháng thứ 4

  • Con đã lớn hơn một chút, năng động và linh hoạt hơn nên mẹ cũng trở nên bận rộn hơn. Chính vì thế, mẹ cũng cần thay đổi một chút trong thói quen sinh hoạt. Và vì con đã lớn thêm, nên mẹ có thể thiết lập lại thời gian biểu sinh hoạt cho phù hợp hơn.
  • Khi con sang 4 tháng tuổi, mẹ phần nào cũng cảm thấy dễ chịu hơn trong giờ giấc sinh hoạt hoặc tổ chức lịch sinh hoạt hàng ngày. Giấc ngủ của bé cũng dài hơn nên mẹ cũng đỡ mệt mỏi hơn vào giấc đêm.
  • Có thể mẹ sẽ gặp tình trạng bé hay gắt ngủ vào giấc tối, nhưng mẹ giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng ru, từ từ bé sẽ giảm gắt và đi vào giấc ngủ ngon.
  • Ở thời điểm này, mẹ đã có thể nghiên cứu và bắt đầu lên kế hoạch cho việc ăn dặm của bé, sẽ diễn ra không bao lâu nữa. Tuy nhiên, mẹ hãy bình tĩnh và không cần vội vàng, mà cần chắc chắn về kế hoạch này sao cho khoa học, để đảm bảo ở giai đoạn ăn dặm của con, mình không quá vất vả hoặc phải lo lắng thái quá về chế độ ăn dặm của bé. 
Vỗ về ru bé
Mẹ vỗ về ru bé để con dễ ngủ hơn. Ảnh Internet 
  • Do bé đã phát triển hơn về mặt giao tiếp, cảm xúc, nên đây là thời điểm lý tưởng để mẹ có thể san sẻ việc chăm sóc bé với bố, cũng như nhờ thêm sự trợ giúp của người thân trong những việc có thể như trông bé giúp ít phút, chơi với bé ít phút hoặc phụ tắm cho bé. Điều này sẽ giúp bé phát triển tốt hơn về cảm xúc và khả năng giao tiếp của mình, đồng thời cũng giảm bớt áp lực, gánh nặng chăm sóc con cho mẹ.
  • Giai đoạn trẻ 4 tháng tuổi cũng có thể là thời điểm mẹ gặp những áp lực khác trong chuyện chăm sóc trẻ, do ảnh hưởng từ những góp ý hoặc lời khuyên của những người xung quanh. Hoặc chính tiêu chí chăm sóc con mẹ đặt ra, trở thành gánh nặng cho chính mình. Để tránh điều này, mẹ cần tỉnh táo và ghi nhớ, mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt, duy nhất. Việc áp đặt bất cứ cách chăm sóc nuôi dạy không phù hợp đều không có lợi cho trẻ, đồng thời sẽ tạo thêm áp lực cho mẹ. Hãy quan sát, theo dõi và chú ý thật kỹ sự phát triển của con, cũng như tín hiệu của bé, để mẹ có thể đưa ra các cách chăm sóc trẻ sao cho phù hợp nhất, nhưng vẫn bảo đảm khoa học để con phát triển tốt. 
Trẻ vui vẻ
Mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt và duy nhất, mẹ cần có cách chăm sóc phù hợp với cá tính và đặc điểm của riêng con. Ảnh Internet 

10. Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến sự phát triển và chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi

10.1. Bé 4 tháng tuổi đã ăn dặm được chưa?

Đây là câu hỏi vô cùng phổ biến và hầu như bà mẹ nào cũng thắc mắc khi con mình đến độ tuổi này.

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) và cả UNICEF, đều khuyến khích mẹ nên cho trẻ bé đến 6 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Việc cho bé ăn dặm để tập cho con ăn và bổ sung thêm dinh dưỡng nên bắt đầu từ 6 tháng tuổi.

10.2. Đồ chơi nào thích hợp cho bé 4 tháng?

Mẹ có thể tham khảo chọn một số món đồ chơi phù hợp cho sự phát triển của bé 4 tháng tuổi như:

  • Gương
  • Lục lạc để trẻ cầm nắm
  • Đồ chơi có phát nhạc
  • Đồ chơi đơn giản và có màu sắc nổi bật vừa tay con cầm nắm 
Đồ chơi phù hợp cho trẻ 4 tháng
Đồ chơi có màu sắc nổi bật dễ cầm nắm phù hợp cho trẻ 4 tháng. Ảnh Internet 

10.3. Bé 4 tháng tuổi có cần bú đêm không?

Đa phần các bé 4 tháng tuổi đã có giấc ngủ dài ban đêm nên mẹ có thể giãn dần cữ bú đêm. Một số bé có thể ngủ xuyên đêm và không cần bú đêm, mà chỉ cần bú no trước khi ngủ cũng như bú cữ gần sáng. Như vậy, tùy vào tình trạng ngủ xuyên đêm của trẻ thế nào, mẹ có thể xem xét về cữ bú của trẻ phù hợp, mà không nhất thiết phải đánh thức và cho trẻ bú đêm.

10.4. Bé 4 tháng tuổi đã uống nước được chưa, làm sao để nhận biết trẻ thiếu nước?

Trẻ 4 tháng tuổi chưa nên cho uống nước. Mẹ nên cho trẻ uống nước khi con được 6 tháng.

Để nhận biết trẻ thiếu nước hoặc mất nước, mẹ có thể:

  • Căn cứ vào số lần ướt tã của con. Nếu trẻ có ít hơn 6 tã ướt mỗi ngày là con đang thiếu nước. 
Mẹ thay tã cho bé
Số tã ướt của bé ít hơn 6 tã/ ngày là biểu hiện con thang thiếu nước. Ảnh Internet 
  • Chú ý kỹ khi con khóc. Nếu con khóc không có nước mắt hoặc rất ít, mắt trũng sâu là con đang thiếu nước.
  • Con bị tiêu chảy, đi phân lỏng, nôn trớ,...đều có khả năng bị thiếu nước, mất nước.

Khi con thiếu nước, mẹ tăng cữ bú để bổ sung nước cho bé. Trường hợp bé bị tiêu chảy nặng, mẹ có thể liên hệ với bác sỹ để con có thể được bổ sung nước điện giải.

10.5. Bé 4 tháng mọc răng chưa, làm sao để biết là bé đã bắt đầu mọc răng?

Thời điểm mọc răng ở mỗi bé là khác nhau. Tuy nhiên, nhiều bé ở 4 tháng tuổi đã bắt đầu mọc chiếc răng cửa đầu tiên. Biểu hiện liên quan đến việc trẻ 4 tháng mọc răng là con khó chịu, sốt nhẹ, chảy nước rãi quá mức, sưng nướu, đau. Và sau đó (khi bớt hoặc hết đau), khi mẹ kiểm tra lại nướu, có thể thấy vị trí răng sắp mọc nướu trắng và cứng. 

Bé chảy nước miếng nhiều
Bé chảy nước miếng quá mức có thể là con mọc răng. Ảnh Internet 

Đến đây, hẳn mẹ có thể thấy khá rõ ràng và đầy đủ, những điểm đặc trưng nhất trong sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi rồi phải không nhỉ. Chắc chắn rằng ở thực tế, khi quan sát con kỹ lưỡng mỗi ngày, mẹ còn phát hiện ra thêm nhiều điều thú vị, đáng để ghi nhớ hơn nữa. Chuyên mục Chăm sóc trẻ sơ sinh hy vọng rằng, nội dung tổng hợp này sẽ thật hữu ích, để giúp mẹ dễ nhận ra hơn những thay đổi của con dù là nhỏ nhất, hiểu con thêm và biết rõ hơn cá tính của bé bắt đầu bộc lộ. Nhờ đó, mẹ có thể thiết lập một kế hoạch chăm sóc trẻ thật phù hợp, khoa học, đầy đủ, để con phát triển toàn diện và tốt nhất trong giai đoạn này của mình.

Nguồn tham khảo: WebMD, What to Expect & Pampers

Cát Lâm tổng hợp và lược dịch  

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI