Đây là những phát hiện thú vị của mẹ trong tuần này, khi thai nhi được 7 tuần tuổi:
Sự phát triển của thai nhi 7 tuần tuổi
Bước qua tuần thứ 7 của thai kỳ, thai nhi đã dài khoảng 10mm. Với kích thước này, bé đã tăng gấp đôi so với tuần trước và tương đương với một quả việt quất. Tuy còn rất nhỏ nhưng mẹ có thể thấy được sự phát triển kỳ diệu đang diễn ra từng ngày. Các chi tiết trên khuôn mặt của bé sẽ phát triển hơn trong tuần và cho thấy rõ mắt, miệng, lỗ mũi và tai. Bàn tay và bàn chân của bé cũng thành hình từ cánh tay và cẳng chân mặc dù chúng không thật rõ ràng và chỉ trông như mái chèo.
Trên lý thuyết, thai nhi 7 tuần vẫn chỉ được xem là một phôi thai và còn dấu tích của đuôi nòng nọc, bộ phận sẽ biến mất và trở thành xương cụt khi bé phát triển hoàn thiện. Bộ não của thai nhim bao gồm hai bán cầu cũng phát triển rất nhanh trong giai đoạn này và đó là bộ phận phát triển đáng kể nhất trong giai đoạn này. Gan của bé cũng đã có các tế bào máu đỏ xuất hiện cho đến khi tủy xương phát triển và tiếp quản vai trò này. Lúc này, các mạch máu riêng biệt mang nhiệm vụ vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng cũng đã bắt đầu hoạt động.
Tuần thứ 7 cũng đánh dấu sự phát triển của thực quản cùng hai lá phổi ở 2 bên của ống thực quản. Sự phân chia trong trái tim cũng bắt đầu diễn ra với quá trình hình thành phức tạp của các van và tâm thất. Nếu xem những hình ảnh trong tử cung, bạn sẽ nhận ra những nếp gấp mí mắt, chóp mũi và tĩnh mạch nhỏ chạy dưới lớp da mỏng.
Cuộc sống của mẹ thay đổi thế nào khi thai nhi 7 tuần tuổi
Tử cung của bạn đã tăng gấp đôi kích thước trong tuần này và việc ăn uống có thể trở thành ác mộng với bạn vì chứng ốm nghén. Nhưng đừng lo lắng quá vì biết đâu bạn nằm trong số thai phụ không bị nghén khi bầu bì? (Khoảng 50% thai phụ cảm thấy buồn nôn trong tam cá nguyệt đầu tiên và sẽ thấy nhẹ nhõm khi bước sang tuần 14).
Bạn có thể phải đi tiểu nhiều hơn bình thường khi thai nhi 7 tuần tuổi do lượng máu tăng lên và các chất lỏng dư thừa cần phải được xử lý qua thận. Bây giờ, bạn đã tăng khoảng 10% thể tích máu so với trước khi mang thai. Và vào cuối của thai kỳ, bạn sẽ có 40-45% lượng máu chảy qua tĩnh mạch để đáp ứng các nhu cầu phát triển của bé. Trong khi đó, tử cung phát triển, làm tăng áp lực lên bàng quang chính là nguyên nhân khiến cho bạn đi tiểu nhiều hơn.
Trong vài tuần tới là thời điểm hoàn hảo để bạn đặt lịch hẹn khám thai lần đầu tiên. Để có được những chỉ số thai tốt nhất, bạn nên chăm sóc sức khỏe bản thân bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh nhé!
Mong rằng sau khi nhìn thấy những sự phát triển của thai nhi 7 tuần tuổi, bạn sẽ có thêm động lực để chăm sóc tốt cho bản thân và chuẩn bị những gì hoàn hảo nhất cho các tuần thai phía trước. Chúc bạn luôn khỏe!
Yeutre.vn (Tổng hợp)