Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ - một trong những rối loạn phức tạp cần được các bậc cha mẹ lưu tâm

Tăng động giảm chú ý ở trẻ là một dạng rối loạn phát triển gặp ở khoảng 3 đến 5% trẻ em. Đây là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến sự hòa nhập của trẻ trong môi trường sinh hoạt hàng ngày, trong học tập và giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được các bậc cha mẹ quan tâm đúng mức, thường khi đã tiến triển quá nặng, trẻ mới được phát hiện và can thiệp. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về chứng rối loạn này, cũng như phương pháp điều trị để giúp đỡ trẻ một cách đúng đắn và hiệu quả nhất nhé.

banner ads

1. Tăng động giảm chú ý ở trẻ là gì

Tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder – ADHD) ở trẻ là một dạng rối loạn hành vi trong đó bao gồm các triệu chứng như kém tập trung, hiếu động thái quá và bốc đồng. Các triệu chứng này thường được biểu hiện từ khi trẻ còn nhỏ, nhưng thể hiện rõ nhất khi trẻ bước vào một môi trường mới như bắt đầu đi học. Phần lớn các trường hợp trẻ mắc được chẩn đoán khi trẻ được 6 – 12 tuổi.

Triệu chứng của ADHD có thể được phân loại thành 2 vấn đề về hành vi đó là: kém tập trung và tăng động. Đa số trẻ bị ADHD thường biểu hiện cả 2 nhóm triệu chứng này, nhưng không phải tất cả các trường hợp đều như vậy.

Tăng động giảm chú ý ở trẻ là một dạng rối loạn hành vi.
Tăng động giảm chú ý ở trẻ là một dạng rối loạn hành vi. Ảnh Internet

Ví dụ bé có thể kém tập trung (Attention deficit) nhưng không tăng động. Dạng rối loạn này thường dễ bị bỏ qua vì triệu chứng của nó không được rõ lắm.

Vậy biểu hiện cụ thể của “kém tập trung” và “tăng động” như thế nào, chúng ta cùng xem chi tiết hơn như dưới đây nhé.

1.1 Kém tập trung, giảm chú ý – Attention deficit

Dấu hiệu chính của nhóm này gồm:

  • Khó tập trung vào một việc gì đó và rất dễ bị phân tâm
  • Thường hay bất cẩn
  • Hay quên hoặc đánh mất đồ đạc
  • Không chịu được những việc không có sức hấp dẫn hoặc mất nhiều thời gian
  • Không lắng nghe hoặc không tuân theo các chỉ dẫn
  • Thường thay đổi hoạt động hoặc mục tiêu
Trẻ có thể có biểu hiện kém tập trung và chẳng thể ngồi yên một chỗ
Trẻ có thể có biểu hiện kém tập trung và chẳng thể ngồi yên một chỗ. Ảnh Internet

1.2 Tăng động – Hyperactivity disorder

Dấu hiệu chính của nhóm này gồm:

  • Không thể ngồi yên một chỗ, đặc biệt là giữ trật tự và điềm tĩnh
  • Liên tục trong trạng thái bồn chồn
  • Không thể tập trung vào một nhiệm vụ nào đó
  • Chuyển động thể lý quá mức
  • Nói quá nhiều
  • Không thể đợi đến lượt mình
  • Hành động mà không suy nghĩ
  • Cắt ngang một cuộc trò chuyện
  • Ít hoặc không cảm thấy sự nguy hiểm
Trẻ hành đông mà không suy nghĩ.
Trẻ hành đông mà không suy nghĩ. Ảnh Internet

Các triệu chứng trên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ như: không đạt được kết quả học tập tốt ở trường, giao tiếp kém với bạn bè và người khác hoặc có thể gặp các vấn đề về kỷ luật.

1.3 Các triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo ADHD

Mặc dù không phải tất cả trẻ mắc ADHD đều gặp phải những loại rối loạn khác, nhưng một số trẻ có thể có cả những triệu chứng khác kèm theo ADHD như:

  • Rối loạn lo âu (anxiaety disorder): là tình trạng trẻ luôn lo lắng, có thể khiến trẻ hay bị đổ mồ hôi, có nhịp tim nhanh hay chóng mặt.
  • Rối loạn thách thức chống đối (oppositional defiant disorder – OPP): trẻ mắc rối loạn này thường có hành vi chống đối, gây rối đặc biệt đối với người lớn như cha mẹ hay thầy cô giáo.
  • Rối loạn hành vi (conduct disorder): thể hiện qua các hành vi tiêu cực liên quan tới xã hội như ăn trộm, phá hoại hay làm hại người khác hoặc động vật.
  • Buồn phiền
  • Các vấn đề về giấc ngủ - trẻ thường khó ngủ vào buổi tối và có thói quen ngủ không nhất quán.
  • Hội chứng phổ tự kỷ (ASD): hội chứng này ảnh hưởng đến khả năng tương tác xã hội, giao tiếp, sở thích và hành vi.
  • Bệnh động kinh: ảnh hưởng đến não và thường bị các cơn co giật lặp đi lặp lại.
  • Hội chứng Tourette: một tình trạng của hệ thống thần kinh, đặc trưng bởi sự kết hợp giữa gây tiếng ồn và các hành động không tự chủ.
Hội chứng Tourette   một trong các triệu chứng có thể kèm theo tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ.
Hội chứng Tourette - một trong các triệu chứng có thể kèm theo tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ. Ảnh Internet

Điểm qua các triệu chứng trên, có lẽ chúng ta thấy con em mình đều có biểu hiện của tăng động giảm chú ý, vì hầu hết trẻ em đều rất hiếu động. Vậy làm sao có thể xác định được con có bị ADHD hay không, chúng ta hãy cùng xem chẩn đoán của các bác sỹ và chuyên gia nhé.

2. Chẩn đoán ADHD

Để đánh giá chính xác trẻ có bị ADHD hay không, các bác sỹ và chuyên gia có chuyên môn về ADHD có thể tiến hành một số bước kiểm tra như:

  • Kiểm tra thể chất
  • Một buổi phỏng vấn với trẻ
  • Buổi phỏng vấn hoặc báo cáo từ cha mẹ, thầy cô

Qua các cuộc kiểm tra, nếu trẻ có 6 hoặc hơn các biểu hiện về kém tập trung, giảm chú ý hoặc tăng động đồng thời phải kèm theo các điều kiện sau mới được chẩn đoán mắc ADHD:

  • Các triệu chứng biểu hiện liên tục trong ít nhất 6 tháng
  • Các triệu chứng bắt đầu trước tuổi 12
  • Các triệu chứng được thể hiện ở ít nhất hai môi trường khác nhau. Ví dụ như cả ở trường và ở nhà nhằm loại trừ khả năng trẻ hành động để đối phó với cha mẹ hoặc thầy cô
  • Các triệu chứng khiến trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống thường ngày, trong học tập và giao tiếp xã hội
  • Các triệu chứng không phải là một phần bột phát của quá trình phát triển hoặc một giai đoạn khó khăn nào đó và không được cải thiện tốt hơn bởi các điều kiện khác

Như vậy, việc đánh giá tình trạng tăng động giảm chú ý phải trải qua quá trình khá phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm, hợp tác của nhiều người và nhiều yếu tố trong các môi trường xung quanh trẻ. Đối với cha mẹ, có lẽ câu hỏi lớn nhất là tại sao con mình lại mắc chứng bệnh kỳ lạ này. Trên thực tế, nguyên nhân chính xác gây ra ADHD vẫn chưa được khẳng định rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố được xem là có liên quan đến tình trạng bệnh đã được các chuyên gia đưa ra.

Không dễ để xác định tình trạng ADHD nhưng bác sỹ chuyên môn có thể chẩn đoán qua nhiều bước kiểm tra khác nhau.
Không dễ để xác định tình trạng ADHD nhưng bác sỹ chuyên môn có thể chẩn đoán qua nhiều bước kiểm tra khác nhau. Ảnh Internet

3. Nguyên nhân gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý

3.1 Yếu tố di truyền

ADHD có xu hướng di truyền trong gia đình, và đối với hầu hết các trường hợp, yếu tố gen được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rối loạn này.

Các nghiên cứu cho thấy rằng cha mẹ và các anh chị em của một đứa trẻ mà mắc ADHD thì trẻ cũng dễ bị ADHD. Tuy nhiên phương thức di truyền chứng bệnh này khá phức tạp và không liên quan đến lỗi của một loại gen đơn lẻ nào.

3.2 Cấu trúc và chức năng của não bộ

Các nghiên cứu đã xác định được một số điểm khác biệt trong não của người mắc ADHD so với người bình thường, mặc dù sự khác biệt này không rõ ràng lắm.

Ví dụ như một số khu vực nhất định ở não bộ của người bị ADHD nhỏ hơn so với người bình thường. Hoặc người bị ADHD có thể có sự mất cân bằng về mức độ dẫn truyền thần kinh trong não, hay những chất dẫn truyền này hoạt động không đúng chức năng.

3.3 Nhóm có nguy cơ cao

Một số nhóm được tin là có nguy cơ mắc ADHD cao hơn, bao gồm:

  • Trẻ sinh non dưới 37 tuần thai hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân.
  • Trẻ bị động kinh.
  • Trẻ bị tổn thương não – có thể từ trong bào thai hoặc sau chấn thương đầu nghiêm trọng sau khi sinh.
Trẻ bị tổn thương não vì một lý do nào đó cũng có thể trở thành nguyên nhân gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý
Trẻ bị tổn thương não vì một lý do nào đó cũng có thể trở thành nguyên nhân gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý. Ảnh Internet

Như chúng ta đã thấy ở trên, các triệu chứng của ADHD khá phức tạp, vậy điều trị chứng bệnh này như thế nào?

4. Điều trị ADHD

ADHD có thể được điều trị bằng thuốc hoặc liệu pháp trị liệu, nhưng kết hợp cả hai phương pháp thường đem lại kết quả tốt hơn.

4.1 Thuốc điều trị

Có 5 loại thuốc được cấp phép điều trị ADHD:

  • Methylphenidate
  • Dexamfetamine
  • Lisdexamfetamine
  • Atomoxetine
  • Guanfaxine

Những loại thuốc này không phải là phương án điều trị lâu dài nhưng nó sẽ giúp trẻ tập trung,điềm tĩnh hơn, bớt tăng động và có thể học cũng như thực hành các kỹ năng mới.

Một số loại thuốc cần phải uống mỗi ngày, tuy nhiên một số loại lại chỉ cần uống vào những ngày đến trường. Sự gián đoạn trong điều trị đôi khi được khuyến cáo xem xét xem việc dùng thuốc có tiếp tục cần thiết hay không.

Đối với việc điều trị bằng thuốc này, trẻ sẽ được cho dùng liều lượng nhỏ trước sau đó sẽ tăng dần. Bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ thường xuyên để đánh giá hiệu quả điều trị và kiểm tra các phản ứng phụ nếu có.

Nếu trẻ có biểu hiện gặp bất kỳ phản ứng phụ nào bạn cần cho bác sỹ biết ngay để có sự điều chỉnh hoặc thay đổi phương án điều trị.

Các chuyên gia cũng sẽ cho bạn biết cần phải điều trị trong bao lâu, nhưng đối với phần lớn các trường hợp, việc điều trị sẽ kéo dài tới khi nào nó vẫn còn hiệu quả với trẻ.

Có thể điều trị ADHD bằng thuốc.
Có thể điều trị ADHD bằng thuốc. Ảnh Internet

4.2 Liệu pháp điều trị

Cũng như thuốc, các liệu pháp khác nhau sẽ được áp dụng để điều trị các triệu chứng của ADHD. Ngoài ra các liệu pháp này cũng có thể có tác dụng đối với các triệu chứng rối loạn khác đi kèm như rối loạn lo âu hay rối loạn hành vi.

Một số liệu pháp mang lại hiệu quả trong điều trị như:

  • Rèn luyện tinh thần : trẻ sẽ được khuyến khích trò chuyện về ADHD để có thể đối mặt và sống chung với nó.
  • Điều chỉnh hành vi : liệu pháp này hỗ trợ cha mẹ và thầy cô trong việc quan tâm chăm sóc trẻ, thường bao gồm các cách thiết lập hệ thống khen thưởng để khuyến khích trẻ khi có tiến bộ trong việc điều chỉnh hành vi của mình.

Các hoạt động cụ thể của liệu pháp điều chỉnh hành vi sẽ do cha mẹ chọn ví dụ như ngồi yên trên ghế ăn. Nếu trẻ thực hiện tốt sẽ được thưởng và nếu không tốt sẽ bị giảm đi một đặc quyền nào đó. Tương tự, thầy cô cũng được hướng dẫn cách khuyến khích và động viên trẻ.

  • Chương trình huấn luyện dành cho cha mẹ : chương trình thường tổ chức cho 10-12 cặp phụ huynh với thời lượng 2 giờ cho một buổi gặp và kéo dài khoảng 10-16 buổi. Chương trình sẽ giúp cha mẹ học được cách trò chuyện, chơi và làm việc cùng con để cải thiện khả năng giao tiếp, sự tập trung và hành vi của trẻ cũng như mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Điều trị ADHD sẽ hiệu quả hơn khi vừa kết hợp thuốc vừa kết hợp liệu pháp trị liệu rèn luyện tinh thần, điều chỉnh hành vi,....
Điều trị ADHD sẽ hiệu quả hơn khi vừa kết hợp thuốc vừa kết hợp liệu pháp trị liệu rèn luyện tinh thần, điều chỉnh hành vi,.... Ảnh Internet
  • Huấn luyện kỹ năng xã hội : giúp trẻ bằng cách cho trẻ tham gia vào các tình huống nhằm dạy trẻ cách hành xử phủ hợp.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi : là liệu pháp dùng cách trò chuyện để thay đổi nhận thức của trẻ về hành vi từ đó hướng trẻ thay đổi cách hành xử của mình.

Ngoài ra, một số liệu pháp khác cũng có thể được áp dụng như điều chỉnh chế độ ăn uống , hay bổ sung một số loại viên uống dinh dưỡng.

Qua tìm hiểu ở trên, chúng ta có thể thấy tăng động giảm chú ý ở trẻ là một tình trạng rối loạn khá phức tạp, vì liên quan đến nhận thức và hành vi của trẻ. Bên cạnh đó, các loại thuốc sử dụng cho trẻ không phải là thuốc đặc trị, mà chỉ được dùng để giảm triệu chứng bệnh. Do đó, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của cha mẹ và những người xung quanh trẻ. Vậy chúng ta hãy có cái nhìn thật nghiêm túc về chứng rối loạn này, nhằm giúp đỡ trẻ mắc phải tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý được hòa nhập tốt nhất với môi trường gia đình và xã hội.

Theo NHS UK

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI