Vậy để sống chung với chứng rối loạn tăng động giảm chú ý của con, cha mẹ phải làm gì, chúng ta hãy cùng tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia nhé.
1. Ý kiến của các chuyên gia
Theo các chuyên gia về rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), trước tiên các cha mẹ có con mắc căn bệnh này cần lưu ý một số điểm như sau:
- Hãy trao đổi thật kỹ với bác sỹ và các chuyên gia để hiểu rõ về căn bệnh cũng như sự khác nhau giữa nó và các vẫn đề khác mà trẻ có thể đang gặp phải.
- Hãy xem xét về việc báo cho những người khác quanh trẻ về tình trạng hiện tại của con (như người thân, thầy cô giáo hay cô bảo mẫu).
- Hãy chú ý về biểu hiện của con khi dùng các loại thuốc điều trị để phát hiện kịp thời các phản ứng phụ nếu có.
- Hãy tham gia những hội nhóm phụ huynh ở địa phương để giảm áp lực cho bản thân và không cảm thấy bị cô lập.
2. Sống cùng chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ như thế nào?
Các cha mẹ hãy luôn nhớ rằng, trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý nhiều khi không tự chủ được hành vi của mình. Việc kìm nén sự bốc đồng đối với trẻ rất khó khăn. Trẻ thường không ý thức được hậu quả có thể xảy ra trước khi hành động. Vì thế, trẻ rất cần được đồng cảm và khuyến khích để có thể cải thiện mình. Tuy nhiên, sự tăng động, không biết sợ nguy hiểm và sự hỗn độn mà trẻ gây ra có thể khiến bạn dễ dàng bị áp lực, kiệt sức. Để sống chung lâu dài với tình trạng ADHD của con, bạn nên có các kế hoạch và sắp xếp cụ thể. Một số gợi ý bạn có thể tham khảo như dưới đây:
Lên kế hoạch cho 1 ngày
Bạn hãy lên lịch trình cụ thể cho 1 ngày và cùng theo dõi với trẻ, khi đó trẻ sẽ có những mục tiêu ngắn hạn để mong đợi và thực hiện.
Thiết lập giới hạn
Bạn hãy đảm bảo trẻ và mọi người đều biết hành vi được mong đợi là gì. Hãy khích lệ hoặc dùng những phần thưởng nhỏ cho những hành động tích cực của trẻ. Đối với những hành động tiêu cực hãy giảm đi một đặc quyền nào đó của con. Để đạt được hiệu quả, bạn nên thực hiện theo giới hạn này một cách nhất quán.
Hãy thật rõ ràng
Bạn nên khen ngợi trẻ thật cụ thể. Ví dụ thay vì nói chung chung: “Cảm ơn con đã làm việc đó” bạn nên nói “Con rửa chén sạch lắm, cảm ơn con”. Như vậy trẻ sẽ hiểu rõ việc gì làm bạn vui và hài lòng.
Hãy đưa ra chỉ dẫn cho trẻ
Khi bạn yêu cầu trẻ làm việc gì đó, hãy nêu và đưa ra chỉ dẫn cụ thể. Ví dụ thay vì nói: “Con có thể dọn dẹp phòng được không”, bạn có thể yêu cầu trẻ “Con hãy bỏ đồ chơi vào hộp và xếp sách lên kệ nhé”. Khi đưa ra chỉ dẫn như vậy, bạn sẽ dễ dàng khen ngợi khi trẻ hoàn thành công việc hơn.
Lập biểu đồ khuyến khích
Bạn hãy tự lập một biểu đồ dùng điểm hoặc ngôi sao để ghi nhận thành tích của trẻ. Theo đó, một hành vi tốt sẽ được nhận một đặc quyền nhỏ nào đó như một trò chơi hay một khoảng thời gian thư giãn trên máy tính. Bạn có thể đặt ra các mục tiêu khác nhau như:
- Mục tiêu ngắn hạn: dùng biểu đồ hàng ngày
- Mục tiêu trung hạn: biểu đồ hàng tuần
- Mục tiêu dài hạn: biểu đồ hàng quý – 3 tháng một
Hãy cho trẻ tự lựa chọn đặc quyền mình được hưởng để khuyến khích con. Và bạn cũng nên thường xuyên thay đổi biểu đồ để tránh bị nhàm chán.
Can thiệp sớm
Bạn hãy quan sát trẻ. Nếu bé có vẻ thất vọng, quá kích thích hoặc mất tự chủ bạn nên can thiệp ngay. Hãy làm bé phân tâm và từ từ đưa con ra khỏi tình huống hiện tại. Như vậy sẽ làm trẻ bình tĩnh trở lại.
Tạo ra các tình huống xã hội giả định
Hãy rủ bạn bè cùng tham gia một tình huống giả định với bạn và trẻ. Tuy nhiên, các tình huống nên vui vẻ và ngắn gọn để trẻ không bị mất kiểm soát. Tránh thực hiện khi trẻ đang mệt hoặc đói.
Luyện tập thể thao
Bạn nên khuyến khích trẻ tập thể dục hàng ngày qua các hoạt động như đi bộ, nhảy, chơi các môn thể thao phù hợp mà trẻ thích. Việc luyện tập này sẽ giúp trẻ xả bớt năng lượng và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, không nên để trẻ tập đến mức quá khích và sát giờ ngủ.
Theo dõi việc ăn uống của trẻ
Bạn hãy quan sát việc ăn uống của trẻ. Nếu trẻ bị kích động sau khi ăn một món nào đó (có thể món ăn chứa nhiều phụ gia và caffeine), hãy ghi chú lại vào trao đổi với bác sỹ của trẻ.
Thiết lập lịch ngủ
Bạn hãy cố gắng giúp trẻ đi ngủ và thức dậy vào một giờ cố định mỗi ngày. Tránh các hoạt động có thể kích thích con gần giờ ngủ như chơi game hoặc xem ti vi.
Duy trì chất lượng giấc ngủ
Có nhiều trẻ mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý gặp các vấn đề về giấc ngủ, bé có thể ngủ không ngon hoặc không thẳng giấc, việc này sẽ làm tình trạng bệnh tồi tệ thêm. Do vậy, bạn hãy hạn chế tối đa các yếu tố có thể làm xao lãng hoặc gián đoạn giấc ngủ của con như các hoạt động mạnh, thực phẩm có thể kích thích trẻ, tiếng ồn hoặc ánh sáng…Giấc ngủ ngon sẽ giúp tinh thần trẻ sảng khoái để bắt đầu ngày mới một cách tích cực hơn.
Giúp đỡ trẻ tại trường học
Hãy trao đổi với thầy cô của trẻ để đưa ra biện pháp hỗ trợ phù hợp cho con. Môi trường học tập và bạn bè thân thiện sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa nhập, cũng như đạt được kết quả tốt hơn.
Theo NHS UK
Lily Nguyễn lược dịch