Phụ nữ ơi, hãy ngừng hy sinh!

Nghĩ cho cùng, khi kêu gọi người phụ nữ hãy cứ tiếp tục “hy sinh”, đó chỉ là sự ích kỷ của phái mạnh những muốn đè nặng âu lo trên vai em gầy guộc nhỏ” mà thôi.

banner ads

35585-1d33f17e93d0e1e1cfdc660302004fc8de4c4c26.jpg

Phụ nữ ơi, hãy ngừng hy sinh đi. Ảnh minh họa

Có lẽ, thi sĩ Hồ Dzếnh là người trước nhất ca ngợi đức tính tốt đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam bằng thơ. Đức tính gì vậy?

Cô gái Việt Nam ơi

Nếu chữ hy sinh có ở đời

banner ads

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi

Từ ngàn năm dưới lũy tre làng, “con trâu đi trước, cái cày theo sau” người ta đã mặc nhiên thừa nhận rằng, ngay từ khi cất tiếng khóc oe oe thì thân phận của người phụ nữ đã gắn chặt với hai từ “hy sinh”. Sự hy sinh vô bờ bến ấy đến nay vẫn còn ràng rịt bám theo tưởng chừng như có lúc khiến đôi chân họ quỵ xuống. Lo cho chồng con? Đúng rồi. Nhưng còn mẹ già, em dại thì sao? Cũng phải lo tất. Sở dĩ truyện ngắn Thạch Lam đến nay vẫn còn xúc động, đọc lại vẫn rưng rưng vì ông khắc họa tâm thế của người phụ nữ thuở ấy sao mà đớn đau, tội nghiệp đến vậy. Trong tâm trí của tôi, lập tức hiện lên hình ảnh cô Tâm - bán hàng xén lúc về thăm nhà, cậu em trai “nói ngay đến chuyện cần:

- Em xin chị một chục bạc để mua sách học.

Tâm hoảng sợ:

- Sao nhiều thế, chị lấy đâu ra. Ðộ này buôn bán khó khăn lắm, một ngày vài hào chỉ lãi, em bảo chị làm thế nào được?”

-Thế thì lấy tiền đâu mà nộp đơn và mua sách bây giờ? Không có thà rằng ở nhà cho xong.

Lân vùng vằng đứng dậy bước ra ngoài thềm… Nàng dịu giọng ngọt ngào:

- Gớm, chưa chi em đã giận. Có phải chị tiếc em đâu, vì chị chưa có thật.

Lân yên lặng rồi không nói gì, quay mặt đi chỗ khác. Lòng chị lại không nỡ thấy em buồn:

- Thì đây, chị có chục bạc này là tiền lấy hộ cho anh ấy đây. Em cầm lấy rồi chị liệu vay sau cũng được.

Tâm lần ruột tượng lấy ra gói bạc giấy cuộn tròn. Số tiền nàng vừa lấy định trang trải các công nợ và lo sưu thuế cho chồng. Nhưng thấy vẻ mặt vui mừng của em, nàng quên mất cả những nỗi lo sợ đang chờ nàng.

Nỗi âu lo của cô hàng xen tưởng chừng như níu rách cả trang văn. Ngậm ngùi quá đỗi. Cô nàng dệt lụa trong thơ Nguyễn Bính nào khác cô Tâm hàng xén. Ngay cả lúc lên xe hoa, cô đã thút thít khóc khiến bà mẹ cáu:

35586-tcu-cuoi-hoi-ki-la-2.jpg

Nhiều cô dâu thường khóc trước khi về nhà chồng, chẳng ai hỏi cô vì sao mà khóc. Ảnh minh họa

Gái lớn mà ai chẳng lấy chồng

Can gì mà khóc nín đi không?

Chẳng ai cần biết đến tâm trạng của cô và hỏi vì sao lại khóc. Thưa, làm sao cô có thể yên tâm khi em còn dại, mẹ đã già và “vườn dâu ai đốn”? Thế đấy, đức tính quên mình, lo đến người khác của người phụ nữ dường như đã hòa nhập vào mạch máu và rất đáng kính trọng.

Thế nhưng, trong thời đại nay sự hy sinh ấy có cần phải được biểu dương mãi không? Không. Tôi quả quyết ngàn lần không. Nghĩ cho cùng khi kêu gọi người phụ nữ hãy cứ tiếp tục “hy sinh”, đó chỉ là sự ích kỷ của phái mạnh những muốn đè nặng âu lo trên vai em gầy guộc nhỏ” mà thôi. Tục ngữ Việt Nam có câu “Đời cua, cua máy; đời cáy, cáy đào”. Sao cứ phải buộc người chị, người mẹ trong gia đình phải đứng ra gánh vác hết tất tần tần mọi chuyện? Vô lý quá. Tại sao người vợ phải lo cho chồng con rất mực thủy chung, đầu tắt mặt tối đến nỗi không còn lấy giây phút nào dành cho riêng mình? Như thế chồng sẽ yêu hơn, sẽ cưng hơn, sẽ chìu chuộng hơn và cũng sẽ “biết ơn” nhiều hơn?

Nhầm.

Đàn ông chỉ là cậu trẻ con lớn xác dù thông minh, dù tài năng, dù gì đi nữa thì họ cũng có một khiếm khuyết “đáng yêu” là ưa cái “lạ”. “Của lạ bằng một tạ đường phèn”. Cái lạ ấy chắc gì đã hơn vợ mình, nhưng nó lại thơm tho hơn, chưng diện hơn, nhan sắc hơn, trẻ hơn, “Trắng da vì bởi phấn dồi” nên có thể trong phút chốc nào đó họ quên béng đi hình ảnh tảo tần của vợ:

Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa

Cho dù người đàn ông không lăng nhăng đi nữa, theo tôi, sự hy sinh ấy cũng không cần thiết. Khi người đàn bà quá chu toàn, lập tức người đàn ông sẽ trở nên ỷ lại và nuôi dưỡng một suy nghĩ hết sức gia trưởng: đã là vợ thì phải có trách nhiệm lo cho chồng, nhà chồng! Nếu người vợ vừa há mồm ra: “Cả đời tôi hy sinh cho anh…”. Chưa kịp nói hết câu đã nghe tiếng cười mỉa mai đến trơ trẽn và tàn nhẫn: “Ai buộc cô phải hy sinh?”. Nghe mà đau. Mà xót.

35587-a-12-customlugsjpg.jpg

Lăng nhăng dường như là bản tính của đàn ông. Ảnh minh họa

Nhưng, “xưa rồi Diễm”.

Quan niệm lỗi thời ấy đã đến lúc cần phải thay đổi. Thật sự, không phải ở thời đại computer này mà từ thời khai thiên lập địa, người đàn bà cũng đã có những nhu cầu đòi hỏi như đàn ông. Mẫu số chung nhu cầu của hai giới tính, chung quy lại vẫn là thời gian sống cho chính mình. Khi đó họ mới thật sự tận hưởng giá trị sống mà mọi con người, mọi giới tính khi sinh ra đã bình đẳng. Sự bình đẳng không thể bắt đầu bằng sự hy sinh một phía của người đàn bà.

Chẳng lẽ khi có chồng là người đàn bà kết thúc mọi ước mơ trong đời? Tôi cực lực phản đối. Nhưng phải thay đổi từ đâu? Từ chính người đàn bà. Vâng, họ phải tự ý thức sự tự do cá nhân khi song hành cùng người đàn ông trên trái đất này. Đừng bao giờ mong đợi sự thay đổi ấy từ các đấng “râu hùm, hàm én, mày ngài”. Phải chính người phụ nữ, tự họ “giải phóng” thân phận mình. Đừng quên, sự tự do không đi cùng yếu đuối.

Này, những Từ Hải, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Hồ Tốn Hiến… các ngài có đồng tình như vậy không? Nếu đồng tình, tại sao không suy nghĩ rằng, chính chúng ta phải biết hy sinh vì giá trị sống, chất lượng sống của người phụ nữ? Bởi họ là mẹ của các con ta, là người đầu ấp tay gối của ta kia mà…

Theo Lê Minh Quốc

Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI