Vậy khi nào trẻ đi phân màu đỏ đáng lo?
1. Vì sao phân có màu đỏ?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới phân màu đỏ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới màu sắc của phân. Trong đó, màu đỏ được coi là màu khá "hiếm" gặp ở trẻ nhỏ. Phần lớn, trẻ bú mẹ sẽ có phân màu vàng sáng, bú sữa công thức phân màu nâu đậm và có mùi hôi.
Do đó, khi trẻ đi ngoài và có lẫn màu đỏ trong phân, có thể do:
Đối với trẻ sơ sinh:
- Trẻ nuốt phải máu khi bú mẹ (do nứt núm vú). Phân thường có màu máu sẫm nhìn khá gần như hắc ín.
- Trẻ bị xuất huyết ồ ạt quá mức dẫn tới phân có màu đỏ tươi hoặc sẫm.
- Trẻ bị xoắn hoặc lồng ruột cũng dẫn tới việc đi ngoài ra máu.
Đối với trẻ trên 1 tuổi:
- Trẻ bị táo bón gây rách hậu môn khiến phân dính máu khi đi ra ngoài.
- Trẻ bị trĩ (mặc dù tình trạng bệnh này hiếm gặp ở trẻ nhỏ) nhưng cũng có thể xảy ra nếu trẻ bị táo bón lâu ngày gây phình tĩnh mạch và gây chảy máu khi đi ngoài, nặng hơn có thể bị sa búi trĩ.
- Xoắn ruột: khá hiếm xảy ra ở tuổi này
- Ăn các loại trái cây có màu đỏ như dưa hấu, cà chua, hồng...
2. Mẹ nên làm gì khi thấy phân con có màu đỏ?
Trẻ đi ngoài phân có màu đỏ có thể do ăn trái cây màu đỏ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới phân có màu đỏ, do đó, mẹ không nên vội vàng kết luận phân có màu đỏ nghĩa là con đang bị bệnh hoặc đang gặp nguy hiểm. Mẹ cần tiếp tục theo dõi màu phân trong những lần sau của con. Trong đó, mẹ lưu ý:
- Đối với trẻ dưới 1 tuổi
Nếu trẻ bú mẹ, cần kiểm tra xem trẻ có nuốt máu vào bụng và kiểm tra xem có bị nứt đầu ti. Nếu có thì mẹ có thể kết luận, phân con có màu đỏ (nếu đỏ sẫm như hắc ín) là do nuốt phải máu. Loại trừ trường hợp trên, mẹ thấy trẻ khóc, có dấu hiệu nóng sốt bỏ bú, đi ngoài có màu đỏ thì cần cho trẻ đi khám bác sĩ ngay.
- Đối với trẻ trên 1 tuổi:
Nếu trẻ đi ngoài ra máu tươi, có dấu hiệu phun thành tia hoặc máu tươi bám ngoài phân, phân khô cứng thì có thể con bị nứt hậu môn hoặc trĩ. Khi trẻ có dấu hiệu này, mẹ nên tích cực cho trẻ uống nhiều nước, ăn rau xanh cùng cháo để làm mềm phân (Không nên ăn quá nhiều rau xanh vì dẫn tới khó tiêu chất xơ và táo bón), không cho trẻ ăn các thực phẩm ngọt, mặn, nhiều dầu mỡ vì có thể gây khó tiêu và bị táo bón. Theo dõi tình trạng phân của con trong lần đi sau xem còn cứng, khô và có máu không.
Nếu trẻ đi ngoài phân có màu đỏ lẫn trong phân thì cần kiểm tra xem con đã ăn gì trước đó. Nếu con ăn các loại thực phẩm có màu đỏ thì phân sẽ có màu đỏ và không đáng lo. Còn nếu con không ăn thực phẩm có màu đỏ nhưng phân lại lẫn máu thì có thể con bị xuất huyết. Mẹ kiểm tra thêm các dấu hiệu như con có nóng sốt, nôn, nếu có thì cần đưa tới bệnh viện gấp. Nếu không có thì mẹ có thể tiếp tục theo dõi phân con trong những lần sau.
Yeutre.vn (Tổng hợp)