Khi nhận kết quả siêu âm cho thấy nước ối đục, nhiều mẹ sốt ruột đến mức yêu cầu bác sĩ được sinh mổ gấp để cứu con khỏi nguy cơ hít nước ối phân su. Nhiều người bình tĩnh hơn một chút, lại về nhà tìm mua nước dừa uống liên tục với mong muốn nước ối trong trở lại mà không hề biết tác dụng thực sự của cách chữa này đến đâu.
Nước ối là gì?
Môi trường sống bao quanh thai nhi chính là nước ối. Nó được ví von như một tấm đệm êm ái, giúp thai nhi được bảo vệ tối ưu nhất khỏi các sang chấn và nguy cơ vi khuẩn xâm nhập. Dù chỉ trong tử cung nhưng nước ối lại được làm mới liên tục nhờ quá trình tái tạo và trao đổi chất. Chính vì vậy, thai nhi dù có sống trong môi trường nước ối cũng vẫn thở và phát triển bình thường.
Biết được điều này nên khi nhận được thông báo nước ối đục, rất nhiều mẹ bầu tỏ ra vô cùng lo sợ. Vậy thực sự nước ối đục có nguy hiểm không? Để trả lời cho câu hỏi này, trước tiên bạn cần phải biết nguyên nhân nào khiến cho nước ối đang trong lại thành đục nhé!
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến nước ối đục là do thai nhi thải các chất dư thừa như: tế bào da; niêm mạc miệng hoặc niêm mạc đường hô hấp, đường niệu, đường tiêu hóa… ra ngoài buồng ối. Đây là tình trạng nước ối bình thường và hoàn toàn không có hại cho thai nhi. Tuy nhiên, nếu nước ối đục xảy ra vào khoảng những tuần cuối thai kỳ, thì đó lại là dấu hiệu đáng ngại.
Nước ối bị đục ảnh hưởng gì đến thai nhi?
Sau khi được chẩn đoán bị nước ối đục, bạn không nên quá lo lắng mà chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, uống nhiều nước và bình tĩnh trở lại. Tuy nhiên nếu nước ối đục là do có lẫn phân su thì bạn cần phải làm một vài kiểm tra sức khỏe và không nên lơ là việc theo sát tình trạng thai nhi.
Khi phân su lẫn trong nước ối, không đơn thuần chỉ làm nước ối bẩn mà còn ảnh hưởng đến tính mạng thai nhi trong lúc chào đời. Nguy cơ cao nhất là thai nhi thiếu oxy và chuyển thành suy thai cấp tính khi sinh.
Trên thực tế, nhiều mẹ bầu khi nghe thấy có phân su trong nước ối sẽ rất lo sợ con trong bụng hít phải lượng nước ối bẩn này và bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên suy luận này không đủ cơ sở khoa học vì nước ối là một môi trường vô khuẩn. Nguy hiểm chỉ xảy ra khi thai nhi bị ngạt hoặc sặc nước ối vào trước, trong và sau khi sinh. Nguy cơ lớn nhất là làm tắc nghẽn một phần hay toàn bộ đường thở, dẫn đến rối loạn sự trao đổi khí trong khoang phổi và suy hô hấp nặng. Nếu kịp tràn vào phổi, các thành phần hóa học như muối mật, các enzym và chất béo của phân su còn gây kích ứng, dẫn đến viêm phổi, bội nhiễm và nhiễm trùng phổi. Bên cạnh đó, phân su còn gây ra tình trạng bất hoạt surfactant hoặc cao áp phổi, dẫn đến xẹp phổi và thiếu oxy nghiêm trọng. Mức độ nguy hiểm của tình trạng hít phân su còn tùy thuộc rất nhiều vào lượng phân su đã hít và tình trạng bệnh lý vốn sẵn có của thai nhi như: dị tật tim bẩm sinh, dị tật, nhiễm trùng thai… Tuy nhiên, những biến chứng này đều có thể được ngăn chặn nếu các bác sĩ kịp hút dịch ối phân su qua nội khí quản, làm sạch phân su ở trong cả đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới nhằm thông thoáng đường thở và để oxy lưu chuyển đi khắp cơ thể.
Ngay cả sau khi được cấp cứu kịp thời, các bé hít nước ối phân su đều phải được tiếp tục theo dõi và điều trị đặc biệt để ngăn chặn từ đầu biến chứng tràn khí màng phổi, nhiễm trùng bệnh viện.. nhé!
Yeutre.vn (Tổng hợp)