Những dấu hiệu dễ nhận biết sinh non
Ngay cả khi không đau bụng mà vẫn có dấu hiệu co thắt rất có thể mẹ sinh non.
Trước 36 tuần thai, mẹ thấy một trong các dấu hiệu thì nên nghĩ ngay đến khả năng dọa sinh non:
- Âm đạo tăng dịch tiết
- Dịch tiết âm đạo có sự thay đổi bất thường: chảy máu, ra dịch nhầy nhiều hoặc dịch có màu hồng.
- Đau vùng lưng dưới dù trước đó không hề có hiện tượng đau lưng nhiều.
- Bụng đau rút như tới kỳ kinh nguyệt, hoặc ngay cả khi không đau vẫn xuất hiện các cơn co thắt nhiều hơn (4 lần/giờ).
- Tăng áp lực vùng khung xương chậu, cảm giác như bé đang tụt xuống.
Kịp thời xử lý khi thấy dấu hiệu sinh non
Khi thấy những dấu hiệu trên xuất hiện, mẹ phải lập tức đến ngay bệnh viện hoặc bác sĩ thường xuyên thăm khám cho bạn. Tại đó, bác sĩ sẽ theo dõi sự co thắt cổ tử cung, kiểm tra nhịp tim của bé, kiểm tra nước tiểu của bạn để tìm dấu hiệu viêm nhiễm cũng như kiểm tra xem màng ối có bị vỡ chưa.
Mẹ theo dõi xem có hiện tượng vỡ ối chưa để kịp thời xử lý khi sinh non.
Từ tuần thứ 22 đến tuần thứ 33 của thai kỳ, bác sĩ có thể lấy mẫu cổ tử cung và âm đạo của bạn để gửi đi xét nghiệm tìm bệnh nhiễm trùng và thử mức fibronectin (FFN) của bào thai. Mức FFN cao điều đó có nghĩa là chất keo giúp túi ối gắn kết với niêm mạc tử cung đã phân hủy trước thời hạn do co thắt hoặc tổn thương trong túi ối. Như thế khả năng sinh non sẽ là điều bạn phải đối mặt.
Rủi ro gặp phải với trẻ sinh non
Sức khỏe của trẻ sinh non phụ thuộc rất nhiều vào tuổi thai. Càng gần đến thời điểm thai đủ tuổi, khả năng sống sót của bé càng cao và ít khả năng mắc bệnh hơn.
Thông thường, những trẻ sinh non đã đủ 33 - 36 tuần dù có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bé đủ tháng nhưng sẽ không gặp những vấn đề nghiêm trọng.
Sức khỏe trẻ sinh non phụ thuộc vào tuổi thai.
Các rủi ro mà bé có thể gặp phải khi mẹ chuyển dạ sớm:
- Bé có thể bị ngạt ngay trong bụng mẹ hoặc trong giai đoạn sơ sinh.
- Thân nhiệt của bé bị rối loạn.
- Trẻ sinh non có khả năng bị suy hô hấp vì thiếu surfactant, một chất chỉ có khi thai nhi đủ tháng với nhiệm vụ giữ cho phế quản phổi khi thở ra không bị xẹp.
Do sức đề kháng yếu nên trẻ sinh non dễ bị nhiễm trùng.
- Do sức đề kháng yếu nên trẻ sinh non dễ bị nhiễm trùng, nặng hơn có thể dẫn đến “sốc” và tử vong.
- Có đến 80% trẻ sinh non nhẹ cân (dưới 1,5 kg) mắc bệnh vàng da. Lý giải điều này là do gan của trẻ chưa phát triển đầy đủ để đảm nhận vai trò chuyển hóa bilirubin thành phân và nước tiểu ra ngoài cơ thể. Chính vì vậy, chất này bị ứ đọng lại và gây ra vàng da.
- Trẻ có thể mắc các rối loạn tiêu hóa: nôn ói thường xuyên, nôn trớ, tiêu chảy, trướng bụng, hoại tử ruột.
- Rối loạn huyết học
- Bệnh lý thần kinh biểu hiện bằng các cơn co giật tứ chi, mắt trợn tròng, quẹo cổ. Những triệu chứng này đều phản ánh sự phát triển bất thường của hệ thần kinh và thể lực của trẻ.
- Trẻ có nguy cơ bị mù vì dễ mắc bệnh võng mạc
- Nhiễm trùng da kéo theo nhiễm trùng máu
- Chậm tăng trưởng thể chất v.v…
Sinh non trước 23 tuần vẫn có khả năng sống sót nhờ tiến bộ của y học hiện đại.
Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, việc chăm sóc trẻ sơ sinh tốt có thể giữ lại sự sống cho những đứa trẻ sinh non trước 23 tuần tuổi. Tuy nhiên, những trường hợp sinh non đều rất nguy hiểm, đe dọa đến cả tính mạng của trẻ sơ sinh nếu điều kiện thăm khám và chăm sóc không đảm bảo. Vì thế, đa phần đều cần đến sự can thiệp y tế và phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt trong thời gian dài. Ngay cả những bé sống được cũng thường mắc phải những vấn đề nghiêm trọng sau này.
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ sinh non là tránh những yếu tố gây nguy hiểm đến bé như hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc bừa bãi. Mẹ cũng cần có chế độ ăn đủ chất, khám thai đầy đủ và thông báo với bác sĩ bất cứ biểu hiện bất thường nào.
Yeutre.vn (Tổng hợp)