1. Mẹ sẽ bị “bỏ quên” nhanh chóng ngay khi em bé ra đời
Lúc mẹ mang thai, mọi sự chú ý, quan tâm và chăm sóc sẽ dành cho mẹ. Mọi người sẽ hỏi han bạn, sẵn sàng làm gì đó để bạn vui vẻ. Nhưng một khi em bé đã chào đời, bé sẽ là trung tâm của sự chú ý. Mọi sự quan tâm và thậm chí cuộc sống của cả nhà sẽ xoay quanh bé. Nhưng mẹ không cần buồn về điều này nhé, vì thậm chí lúc này mẹ cũng chỉ biết quan tâm đến bé và gần như quên mất bản thân mình. Đây quả là một trải nghiệm rất thú vị phải không nào.
2. Buồn bã và khóc nhiều sau sinh không có nghĩa là mẹ bị trầm cảm
Trầm cảm sau sinh được gắn nhãn cho rất nhiều bà mẹ để giải thích những cảm xúc tiêu cực sau khi sinh nở. Thế nhưng không phải mọi cơn buồn chán bất chợt đều là dấu chỉ cho chứng trầm cảm tiêu cực này. Sự thay đổi hormone trong cơ thể sẽ khiến tâm lý của mẹ ảnh hưởng đôi chút nhưng mẹ không cần lo ngại. Hãy hiểu rằng điều này là bình thường và nó không phải là triệu chứng bệnh lý. Mẹ chỉ cần duy trì nhịp sống phù hợp để cơ thể sớm cân bằng lại.
3. Nuôi con bằng sữa mẹ không hề dễ
Bạn có thể được khuyên hàng tá về việc cần nuôi con về sữa mẹ và những lợi ích của sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh, nhưng có lẽ chẳng ai cảnh báo bạn rằng thiên chức này cũng không hề dễ dàng chút nào. Nhiều mẹ nghĩ rằng bú và mút là phản xạ tự nhiên ở trẻ sơ sinh, và dĩ nhiên là chỉ cần sinh em bé ra là bé sẽ biết bú mẹ, cũng như sau khi sinh mẹ sẽ hiển nhiên có sữa.
Thế nhưng sau khi sinh mẹ sẽ cần vài ngày đến vài tuần để đợi sữa về. Một số mẹ còn có thể không có sữa. Và trẻ sơ sinh cũng cần học cách bú, có bé mãi mà không thể bú được vú mẹ đấy. Một số trường hợp hệ thống tiêu hóa của bé không dung nạp được sữa mẹ vậy là kế hoạch nuôi con bằng sữa mẹ bị phá sản.
Một số trường hợp cũng không ít khó khăn khác như đầu ti mẹ bị thụt vào, quá to hay quá nhỏ,… cũng làm bé không thể bú được.
Như vậy, có rất nhiều tình huống có thể dẫn đến việc nuôi con bằng sữa mẹ không thể thực hiện được. Lúc này bạn đừng hoảng hốt, hãy tìm hiểu cụ thể tình trạng của mình và có cách ứng biến phù hợp bạn nhé.
4. Bạn buộc phải quan tâm đến con dù cho có yêu con hay không
Tình mẫu tử là cảm xúc tự nhiên, tuy nhiên có một số mẹ gần như chẳng có cảm xúc gì nhiều với em bé nhỏ xíu mới chào đời. Điều này cũng khá bình thường nên mẹ cũng đừng vội trách mình nếu rơi vào trường hợp này nhé. Điều này chỉ là do sự bối rối trước vai trò mới hoặc mệt mỏi của cơ thể mẹ sau quá trình mang thai và vượt cạn khó khăn mà thôi.
Nhưng thời gian qua đi, khi chăm sóc cho con bạn sẽ dần dần cảm nhận được tình cảm gắn bó này. Chính vì vậy, dù bạn có ngay lập tức cảm thấy yêu con khi vừa mới chào đời hay không cũng hãy quan tâm và chăm sóc đến con. Vì đây là cách để bạn nuôi dưỡng tình cảm với trẻ đấy.
5. Bạn phải học cách điều chỉnh cảm xúc của mình
Cảm xúc của bạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con của bạn và chính chất lượng cuộc sống của bạn nữa. Một tin buồn là sau sinh nở sẽ có hàng tá chuyện khiến cảm xúc của bạn thay đổi bất thường. Ví dụ bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc tột cùng khi thiên thần nhỏ nhoẻn miệng cười nhưng tâm trạng cũng tụt dốc không phanh khi cảm thấy quá sức trong việc thức đêm dậy sớm để chăm sóc bé. Chính vì vậy, nếu không muốn cuộc sống của bạn bị đảo lộn và rối tung lên, bạn phải học cách điều chỉnh cảm xúc của mình. Đây thực sự là một kỹ năng sống còn đấy.
Có điều nào trong những điều trên mà bạn chưa từng nghĩ đến trước đây. Hãy luôn tìm hiểu nhiều hơn về vai trò của mình để không phải bất ngờ và lúng túng nhé.
Yeutre.vn (Tổng hợp)