Những điều mẹ nên biết về siêu âm trong thai kỳ

(Yeutre.vn) Siêu âm thai là một cách bạn nhìn ngắm con yêu dễ dàng nhất. Nó giúp bạn lưu lại những hình ảnh đáng nhớ của con khi còn trong bụng mẹ. Điều này thực sự rất thú vị nhưng liệu nên hay không nên siêu âm thai thường xuyên? Hãy cùng yeutre.vn tìm hiểu về vấn đề này.

banner ads

Siêu âm được thực hiện như thế nào?

Siêu âm thường được thực hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ để xác định bạn có mang thai hay không, từ tuần thứ 16-20, siêu âm để kiểm tra xem thai nhi có bất cứ dấu hiệu di tật nào và siêu âm 3 tháng cuối để theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi.

Mẹ nên tuân thủ lịch hẹn siêu âm của bác sĩ để biết được tình trạng sức khỏe của thai nhi.

Phương thức thực hiện siêu âm được các bác sĩ tiến hành như sau: Bác sĩ sẽ sử dụng một loại gel chuyên dụng, bôi lên bụng của mẹ bầu, sau đó sử dụng máy siêu âm và di chuyển trên bụng. Những hình ảnh về thai nhi sẽ được truyền lên màn hình siêu âm và mẹ có thể nhìn rõ bé, đặc biệt là 3 tháng cuối.

Trong một số trường hợp, mẹ có thể được bác sĩ yêu cầu phải nhịn tiểu để bàng quang trương lên, đẩy tử cung lên cao để siêu âm hình thai nhi rõ ràng hơn.

Mục đích chính của siêu âm

Biết được giới tính thai nhi

Từ tuần thứ 14 trở đi mẹ có thể biết được bé yêu của mình là con trai hay con gái thông qua siêu âm nhé. Tuy nhiên, một số trường hợp, ở tuần 14, thai nhi vẫn còn nhỏ nên việc xác định không được chính xác lắm, mẹ có thể đợi đến tuần 16 trở đi thì kết quả sẽ chính xác hơn.

Biết được tuổi thai

Thông qua siêu âm và ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt của mẹ bầu, bác sĩ có thể chuẩn đoán được tuổi thai hiện tại là tuần thứ bao nhiêu. Nhờ đó, nếu mẹ có bất cứ lo lắng gì về thai nhi cũng như sức khỏe bản thân thì sẽ bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất.

Xác định tình trạng sức khỏe của thai nhi

Đây là bước rất quan trọng sau khi siêu âm, thai nhi có dị tật không, độ tăng trưởng thế nào, nhịp tim ra sao,… nhờ đó mà mẹ có thể nắm rõ được tình trạng sức khỏe của thai nhi, phối hợp với bác sĩ khoa sản để thai nhi phát triển hoàn toàn khỏe mạnh.

Thông qua chu kỳ kinh nguyệt và siêu âm, bác sĩ sẽ chuẩn đoán được tuổi của thai nhi.

Những kết quả bất thường

Đó là các vấn đề về dị tật bẩm sinh, đa thai, thai chết lưu, ngôi thai, thiếu nước ối, bất thường nhau tiền đạo, chậm phát triển, u trong tử cung, u buồng trứng,… bác sĩ càng phát hiện sớm thì càng tốt cho cả mẹ và bé nhé.

Thời điểm siêu âm rất quan trọng

Nhiều mẹ chủ quan, cho rằng siêu âm thời điểm nào cũng được, tuy nhiên, theo các bác sĩ, các mẹ chỉ nên siêu âm ở các tuần 12-14, 21-24, 30-32. Tại vì, có những dạng dị tật chỉ được phát hiện qua siêu âm vào một thời điểm nhất định của thai kỳ. Sớm hơn hay muộn hơn thời điểm đó đều không thể cho kết quả chuẩn xác. Do đó nếu đúng thời điểm, việc chẩn đoán có thể đạt độ chính xác cao hơn.

Ví dụ như mẹ siêu âm độ mờ da gáy, nếu siêu âm trước 11 tuần tuổi hoặc sau 14 tuần tuổi thì đều không cho kết quả chính xác, mẹ buộc phải siêu âm vào khoảng giữa 12-14 tuần tuổi nhé.

Siêu âm nhiều thực sự có tốt?

Mặc dù siêu âm không gây đau đớn cho cả mẹ và thai nhi nhưng không có nghĩa là siêu âm nhiều hoàn toàn tốt nhé. Mẹ nên đi siêu âm theo lịch hẹn của bác sĩ để chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe thai nhi cũng như của mẹ.

Thực tế đã có một cuộc khảo sát về vấn đề siêu âm ở các mẹ mang bầu cho thấy, siêu âm quá nhiều, không theo lịch trình có thể khiến đứa trẻ sinh ra nhẹ cân, khả năng nghe và sức đề kháng kém hơn những đứa trẻ được mẹ siêu âm theo đúng lịch hẹn và vừa phải. Không chỉ dừng lại đó, siêu âm nhiều cũng khiến mẹ rất mệt mỏi vì phải chờ đợi và tốn kém về kinh tế.

Yeutre.vn

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI