Nhọc nhằn làm mẹ đơn thân

Họ là những người mẹ đơn thân vì nhiều hoàn cảnh. Họ nuôi con một mình, vừa làm cha vừa làm mẹ.

banner ads

Có nhiều hội những bà mẹ đơn thân tại TP.HCM được lập ra, âm thầm gắn kết với nhau, hỗ trợ lẫn nhau khi ba chữ “mẹ đơn thân” còn là một trở ngại đầy mặc cảm với cộng đồng.

430-nhoc-nhan-lam-me-don-than-ky-1.jpg

Buổi gặp mặt của nhóm các bà mẹ đơn thân tại TP.HCM

“Đôi tay và nước mắt” là câu chuyện về những người mẹ đơn thân nuôi con một mình. Vừa làm mẹ vừa làm cha, mẹ đơn thân còn phải vực dậy sự yếu đuối thường tình để làm chỗ dựa cho con.

Một chiều, chúng tôi được dự buổi họp mặt giữa các thành viên trong Hội những bà mẹ nuôi con bằng đôi tay và nước mắt tại TP.HCM.

banner ads

Té ở đâu đứng lên ở đấy!

Đây là một hội kín được lập ra trên Facebook, chỉ có các thành viên là mẹ đơn thân mới được “add” vào hội. Buổi họp mặt diễn ra giữa những người chưa từng biết mặt nhau nhưng lại rất thân thiết, ấm cúng vì họ đã quá quen thuộc với những đứa trẻ đi theo mẹ vốn được đăng ảnh đại diện trên Facebook.

Theo Võ Huỳnh Như - một thành viên ban quản trị hội, hội đã lên tới gần 2.000 người. Tuy nhiên, buổi họp mặt tại Sài Gòn lần này chỉ có gần 30 thành viên dự, vì những thành viên khác bận đi làm hoặc con còn quá nhỏ chỉ xin dự online với hội.

Có một số bà mẹ lặn lội từ Đà Lạt, Bến Tre, Bình Dương, Long An đến TP.HCM họp mặt. “Đã vào hội, nhu cầu lớn nhất của các mẹ là được chia sẻ về tinh thần. Vì vậy ai cũng hào hứng đi “off” nếu thu xếp được thời gian” - Huỳnh Như chia sẻ.

Trong số các bé đi theo mẹ trong hội có một cậu bé chừng 7 tuổi rất hiếu động. Tên bé là Hưng - con một mẹ đơn thân có tên trên Facebook là “Thúy Oanh” ở Q.8, TP.HCM. Hưng rất quậy, nhảy nhót liên hồi từ ghế nọ sang ghế kia nhưng các mẹ đều không hề la mắng hay nhắc nhở gì. Mẹ Thúy Oanh cho biết bé bị trầm cảm từ khi ba bỏ đi theo vợ nhỏ, giờ phải uốn nắn từ từ theo ý bé, nay đã đỡ nhiều rồi.

Và câu chuyện của mẹ Thúy Oanh làm không khí buổi họp mặt chùng xuống khi chị kể về những ngày tháng đẫm nước mắt nuôi con một mình, còn phải chữa bệnh trầm cảm cho con. Kết thúc câu chuyện, chị nói: “Nước mắt rơi đủ rồi, giờ dồn sức nuôi con thôi”.

Con là tất cả

Ngoài Hội những bà mẹ nuôi con bằng đôi tay và nước mắt, còn khá nhiều nhóm, hội kín trên mạng tập trung những người mẹ đơn thân vì nhiều hoàn cảnh. Có chị cưới xong thì chồng bỏ bê, hay ngột ngạt với cuộc sống gia đình chồng, nhưng lỡ có bầu nên ráng sống tới lúc sinh con để “níu” chồng cũng không được đành nuôi con một mình.

Cũng có nhiều người ở hoàn cảnh bị người tình ruồng bỏ, bị ép phá thai nhưng không chiều theo ý bạn tình và chia tay, thành mẹ đơn thân. Nhưng điểm chung ở các hội, nhóm này là họ không phân biệt quá khứ của các mẹ. Họ gọi nhau là những “single mom” - các bà mẹ nuôi con một mình bằng tình yêu và nước mắt, phải lao động vất vả để nuôi con.

Ngọc, một bà mẹ đơn thân quê Hải Phòng mới 24 tuổi, hiện ở trọ cùng con trai 14 tháng tuổi tại TP.HCM, đang phải đối mặt với cuộc phẫu thuật sắp tới của con trai. Buổi offline vừa rồi, các thành viên tụ lại cũng nhằm chia sẻ với Ngọc.

“Lúc có bầu bốn tháng, em ly hôn. Anh nghe lời mẹ chồng tới mức khiến cuộc sống của em đi thì dở, ở không xong. Lúc em sinh con gia đình chồng không ngó ngàng, chồng lên thăm con được lần duy nhất. Em quyết định rời bỏ quê vào TP để quên quá khứ, thêm phần sợ gia đình chồng bắt con, họ bắt một lần rồi, lúc đó phải nhờ chính quyền can thiệp họ mới trả con cho em” - Ngọc kể.

Hai mẹ con Ngọc hiện nay đang thuê trọ ở Q.Tân Phú. Ngọc làm ở một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp những người khuyết tật, neo đơn. Công việc thu nhập chừng 2-3 triệu đồng/tháng, chỉ đủ để Ngọc thuê nhà, có tiền trang trải cho hai mẹ con chờ đến lúc bé cứng cáp hơn mới gửi đi học. Nhưng xui rủi còn bám lấy bà mẹ trẻ khi con trai Ngọc bị chứng tụt tinh hoàn, cần phải phẫu thuật khi bé 2 tuổi. Ngọc đang lo lắng vì không biết kiếm đâu ra số tiền cho con đi mổ sắp tới.

Những hoàn cảnh như Ngọc hay chị Oanh trong hội chỉ là khó khăn tương đối. Phận “gà mái nuôi con” không chỉ nhọc nhằn mà còn gặp nhiều trắc trở. Với họ, mục tiêu trước mắt khi con còn nhỏ là thu nhập đủ sống để có thời gian chăm con.

Đa số các mẹ đơn thân trong Hội những bà mẹ nuôi con bằng đôi tay và nước mắt đều còn khá trẻ. Họ có trình độ nhưng công việc lại bấp bênh vì phải nuôi con nhỏ. Nhất là nhiều mẹ bị gia đình giận, không hỗ trợ nên phải thuê nhà, gửi con đi trẻ, kiếm tiền nuôi con. Khi thành trì cuối cùng là gia đình không còn, những bà mẹ đơn thân phải đối diện không chỉ với cuộc sống cơm áo mà còn cả với nỗi cô đơn, sự mặc cảm trước cuộc đời.

Kỳ 2: Ngôi nhà "trăng khuyết"

“Tôi không thích người ta gọi mình là “mẹ đơn thân”. Chúng tôi đơn giản là những vầng trăng khuyết. Dù “khuyết” nhưng vẫn lung linh, đầy sức sống, yêu đời và yêu người...”.

Đó là tâm sự của bà mẹ có nickname “Stephani Vĩnh Ngọc” - một người đã âm thầm giúp đỡ nhiều mẹ đơn thân khó khăn trong suốt hai năm qua. Chị thuê nhà trọ ở Thủ Đức cho hai mẹ con mình và một số mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, sắp sinh tá túc chờ ngày vượt cạn.

431-ngoi-nha-trang-khuyet.jpg

Ảnh minh họa

Lời kêu cứu trên mạng

“Các mẹ ơi, em muốn làm việc để có thêm thu nhập, nhưng giờ em không có xe đi làm. Có mẹ nào biết công việc gì làm mà vẫn chăm con không ạ? Bé nhà em mới 9 tháng”, “Có mẹ nào ở Hà Nội gần bến xe Mỹ Đình giúp em với ạ. Em đi xe đêm xuống Hà Nội làm thủ tục vào mái ấm, nhưng không liên lạc được với bạn dẫn vào mái ấm. Giờ em hết sạch tiền không biết đi đâu về đâu. Hu hu, em đang có bầu hơn năm tháng, mẹ nào giúp em với ạ”...

Đó là những lời kêu cứu thường xuất hiện trên tường của Hội những bà mẹ nuôi con bằng đôi tay và nước mắt.

Chưa từng gặp nhau, nhưng ở “ngôi nhà” ảo của hội, những tình cảm chia sẻ mà các thành viên của hội dành cho nhau hết sức chân thành.

Ngay sau lời kêu cứu của hai thành viên kể trên, nhiều mẹ đã vào kêu gọi các mẹ giúp đỡ. Họ cho số điện thoại hoặc gọi cho bạn bè ở Hà Nội giúp thành viên của hội. Có nhiều thành viên đăng địa chỉ, số điện thoại của họ lên tường của hội để những mẹ đơn thân cơ nhỡ liên lạc. Ấm áp, chân tình và hiệu quả là những điều dễ thấy khi ở trong Facebook của những bà mẹ đơn thân.

“Stephani Vĩnh Ngọc” là tên trên mạng của một bà mẹ đơn thân tại TP.HCM. Chị có một Facebook riêng để chia sẻ và hỗ trợ các mẹ đơn thân, kết nối với các hội, nhóm “single mom” trong cả nước.

Khi tiếp nhận những trường hợp khó khăn của mẹ đơn thân, chị Ngọc âm thầm liên lạc với họ, giúp họ vào mái ấm gần nhất để sinh nở. Với những trường hợp ở gần chị, chị đón về nhà, tạo công việc tại nhà cho các mẹ bầu có thêm thu nhập. Đến nay chị đang giúp hai mẹ đã sinh em bé, một mẹ sắp sinh ở nhờ nhà chị.

Chúng tôi gặp chị Ngọc khi chị đang tất tả lo cho mẹ bầu từ Lâm Đồng xuống. “Bé này có bầu bị gia đình đuổi đi nên phải tìm chỗ sinh nở, chị nói tạm thời về nhà chị, cũng nhà trọ thôi nhưng đủ cho mẹ con họ nương náu tạm thời” - chị Ngọc chia sẻ. Hiện chị đang làm cho một công ty ở Bình Dương, thu nhập tạm ổn, “đủ để nuôi con và giúp thêm phần nào đó cho các mẹ cơ nhỡ” như chị tâm sự.

Phận “gà mái” thương nhau

“Em vốn đã đăng ký kết hôn. Nhưng ba tháng sau ngày đăng ký ba em mất, em có bầu hơn một tháng, gia đình chồng ép cưới khi em muốn để tang ba. Rồi chúng em ly hôn vì gia đình chồng không chịu cho em chờ mãn tang ba. Nhưng cái chính là chồng đã có “người mới” khi em đang mang bầu."

"Sóng gió dồn dập đến khi anh trai hại em suýt chết vì tranh giành quyền thừa kế nhà hàng tiệc cưới. Suốt tám tháng mang bầu, em hầu như không ngủ. Em lao vào làm việc 16-17 tiếng/ngày, mất ngủ triền miên tới mức phải dùng thuốc ngủ liên tục. Một ngày nọ hai mẹ con nhập viện khi em ra máu nhiều."

"Bác sĩ mắng: “Cô muốn giết con cô hả?!”. Em chợt tỉnh ra, không thể vì sóng gió đời mình mà bắt con phải chết. Ngày em sinh con cũng là ngày chồng em cưới vợ mới. Bây giờ con em được 7 tháng, em sắp đi làm lại. Với em sóng gió chỉ còn chút tròng trành. Em đã có con và bắt đầu cuộc đời mới” - tâm sự của Nghiêm Yến Bình, cô gái mới 24 tuổi đã trở thành mẹ đơn thân ở TP.HCM.

Yến Bình tham gia Hội những bà mẹ đơn thân ở TP.HCM chỉ vài tháng gần đây. Dù mới sinh con nhưng Bình rất năng nổ đi giúp đỡ những mẹ đơn thân khó khăn khác mà cô biết. Vì vậy, khi tham gia Hội những bà mẹ nuôi con bằng đôi tay và nước mắt, Bình được mời vào làm quản trị viên chính cho hội này.

Cô kể mới đi giúp mẹ Lùn sinh nở, mẹ Nhím làm đầy tháng cho con. Rồi đang tìm cách giúp mẹ Huy Hoàng vì mẹ này từ Nam Định vào Long An, hoàn cảnh rất bi đát.

“Lúc mẹ Huy Hoàng có bầu, bị gia đình hai bên lao vào ép phá thai. Mẹ Huy Hoàng phải trốn vào Long An để sinh con. Cô xin làm kế toán cho một công ty nhưng thu nhập chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Không đủ tiền thuê nhà và trang trải cho con trai giờ đã 20 tháng, ngoài giờ làm cô đi giúp việc nhà."

"Thương lắm, mỗi ngày 5g sáng mẹ Huy Hoàng khóa cửa để bé ngủ một mình trong nhà và đi giúp việc nhà. 6g30 tất tả về đưa con đi học. Có ngày về thấy con tìm mẹ khóc lả rồi ngủ gục ở cánh cửa khóa chặt mà mẹ cũng khóc luôn...” - Yến Bình kể về một mẹ trong hội đơn thân mà cô đang giúp.

Hiện tại mẹ Huy Hoàng đã xin làm công nhân may vì thu nhập cao hơn, không phải bỏ con ở nhà. Nhưng mỗi ngày vẫn phải gửi bé từ 7g sáng đến 9g tối mới đón về. Đó cũng là khó khăn chung của nhiều mẹ đơn thân làm công nhân hiện nay. Với đồng lương ít ỏi, giờ tăng ca tới khuya, đa số các mẹ đều phải lủi thủi nuôi con trong cảnh chật vật.

Mỗi nỗi đau trở thành một động lực để những “trăng khuyết” vực dậy nuôi con. Cuộc đời liệu có tươi sáng hơn với những bà mẹ đơn thân? Câu hỏi của chúng tôi dường như phải bỏ ngỏ trước những nỗi đau và bấp bênh phía trước của những “gà mái nuôi con” này.

Kỳ cuối: Một vai hai gánh

“Ngừng khóc, mỉm cười và đi tới!” - một mẹ đơn thân có nickname “Phượng Nguyễn...” dặn các mẹ đơn thân khi họ chia sẻ những khó khăn với nhau trong một buổi họp mặt.

552-mot-vai-hai-ganh.jpg

Ảnh minh họa

Đứng trước ngã ba đường của hạnh phúc, họ chọn con đường đơn độc nuôi con. Ai sẽ sát cánh bên mẹ đơn thân trong cuộc chiến gai góc ấy?

“Ba con đang vắng nhà!”

“Câu hỏi lớn và khó trả lời của đa số mẹ đơn thân thường gặp là của chính con mình: “Mẹ ơi ba ở đâu?”. Nhiều bà mẹ bảo sẽ nói ba mất rồi, con không có ba... Nhưng như thế còn hơn ngược đãi các bé. Vì đó là một sự giả dối.

Tôi tin rằng khi bé còn nhỏ, nếu trả lời cho con rằng ba đang đi làm xa để bé có chút hi vọng ngày nào đó sẽ được gặp ba thì tốt hơn. Còn nếu bé đã biết ba, cứ để con gần gũi ba. Đó là điều hạnh phúc của con mình” - chị Thúy Oanh, mẹ đơn thân ở quận 8, TP.HCM, tâm sự.

Lúc hai vợ chồng chị ly dị, con bị trầm cảm. Chị đã giận chồng và nói với con khi bé cố hỏi ba đi đâu: “Ba con chết rồi!”. Câu trả lời hờn giận ấy đã khiến con chị thêm bệnh nặng. Giờ chị Oanh rất hối hận vì phút căng thẳng của mình đã khiến con mình như vậy.

Hiện tại chị vẫn để bé qua lại với ba, vun đắp tình cảm ba con như con trai chị mong muốn. Chị “Phượng Nguyễn...” - một mẹ đơn thân ở quận 2 - thường nói với con gái: “Ba con đi làm xa nên vắng nhà!”. Chị bảo không muốn tâm hồn non nớt của con gái bị rạn nứt như mình. Nếu một ngày nào đó ba bé muốn quan tâm con, chị sẵn sàng để bé qua lại với ba.

Cần hỗ trợ nữ công nhân làm mẹ đơn thân

Trong những ngày viết câu chuyện về mẹ đơn thân, chúng tôi đã gặp một số chị em là mẹ đơn thân đang làm công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. N.T.T., 23 tuổi, công nhân ở Khu công nghiệp Vsip1, Thuận An, Bình Dương, đang mang bầu bảy tháng khi chưa kết hôn. Cô phát hiện bạn trai bằng tuổi mình cũng là công nhân, quê miền Tây đã có vợ và con gái 1 tuổi. Éo le là cô biết chuyện khi đã có bầu năm tháng. Quyết định chia tay bạn trai, N.T.T. nói sẽ sinh con và nuôi con một mình dù thu nhập hằng tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng.

Nhưng không may cho T., công ty T. đang làm bị cháy hồi tháng 5 buộc phải cho công nhân tạm thời nghỉ việc, T. lại chỉ mới đóng bảo hiểm năm tháng nên chưa được nhận trợ cấp thất nghiệp. Điều đáng nói là T. không dám trở về quê vì sợ gia đình không chấp nhận hoàn cảnh của cô hiện tại.

Bà Đinh Phương Nga, cán bộ làm dự án hỗ trợ thanh niên công nhân thuộc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, chia sẻ: “Trong quá trình đi hỗ trợ, tư vấn sức khỏe sinh sản cho công nhân, chúng tôi gặp nhiều trường hợp như T.. Điều đáng lo là ngoài khó khăn kinh tế, họ còn đối mặt với mặc cảm, định kiến xã hội. Chính vì vậy việc tiếp cận, giúp đỡ những trường hợp như T. rất nan giải.

Ngoài sự can thiệp của các tổ chức phi chính phủ như chúng tôi, chị em rất cần sự chia sẻ, gần gũi từ công đoàn các cấp, để làm cách nào đó phá vỡ những rào cản từ nhiều phía khi tiếp cận, can thiệp và hỗ trợ đối tượng này”.

Những ngày này, Yến Bình đang tất bật đi quyên góp đồ trẻ em cho các mẹ đơn thân trong hội trước khi đi làm lại. Cô nói sẽ tiếp tục đồng hành cùng các mẹ trong hội cho dù hoàn cảnh khó khăn như thế nào.

Hiện một số mẹ đơn thân tại TP.HCM đang rủ nhau học móc len để kiếm thêm thu nhập tại nhà. Đây là một trong các hoạt động thường xuyên mà họ chia sẻ khó khăn với nhau để có thể “ngừng khóc, mỉm cười và bước tiếp đến tương lai”.

Một thử thách lớn trong cuộc đời người phụ nữ

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với bà Đinh Thị Bạch Mai, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, về vấn đề làm mẹ đơn thân hiện nay.

* Xin bà cho biết hoạt động của Hội hiện nay có công tác nào liên quan đến chủ đề làm mẹ đơn thân?

- Khi người phụ nữ đơn thân “một vai hai gánh” vừa làm cha vừa làm mẹ, tự tạo dựng cuộc sống cho mình và cho con, là một thử thách lớn trong cuộc sống của chị em. Để góp phần hỗ trợ các bà mẹ đơn thân thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, trong thời gian qua hội phụ nữ các cấp đã tập trung các hoạt động: tổ chức Ngày hội phụ nữ vì cộng đồng, Ngày hội nữ tu làm công tác xã hội chăm lo cho gia đình phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn. Nhân rộng chương trình Bữa ăn ngon cho người già, trong đó có phụ nữ đơn thân, với tổng kinh phí 3,5 tỉ đồng...

Ngoài ra, Hội phụ nữ thường xuyên chú trọng xã hội hóa công tác chăm lo, hỗ trợ phụ nữ đơn thân và con các chị có điều kiện vươn lên trong cuộc sống (học bổng, vốn, việc làm, học nghề, bảo hiểm...)

Kỳ 2: Ngôi nhà "trăng khuyết"

“Tôi không thích người ta gọi mình là “mẹ đơn thân”. Chúng tôi đơn giản là những vầng trăng khuyết. Dù “khuyết” nhưng vẫn lung linh, đầy sức sống, yêu đời và yêu người...”.

Đó là tâm sự của bà mẹ có nickname “Stephani Vĩnh Ngọc” - một người đã âm thầm giúp đỡ nhiều mẹ đơn thân khó khăn trong suốt hai năm qua. Chị thuê nhà trọ ở Thủ Đức cho hai mẹ con mình và một số mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, sắp sinh tá túc chờ ngày vượt cạn.

431-ngoi-nha-trang-khuyet.jpg

Ảnh minh họa

Lời kêu cứu trên mạng

“Các mẹ ơi, em muốn làm việc để có thêm thu nhập, nhưng giờ em không có xe đi làm. Có mẹ nào biết công việc gì làm mà vẫn chăm con không ạ? Bé nhà em mới 9 tháng”, “Có mẹ nào ở Hà Nội gần bến xe Mỹ Đình giúp em với ạ. Em đi xe đêm xuống Hà Nội làm thủ tục vào mái ấm, nhưng không liên lạc được với bạn dẫn vào mái ấm. Giờ em hết sạch tiền không biết đi đâu về đâu. Hu hu, em đang có bầu hơn năm tháng, mẹ nào giúp em với ạ”...

Đó là những lời kêu cứu thường xuất hiện trên tường của Hội những bà mẹ nuôi con bằng đôi tay và nước mắt.

Chưa từng gặp nhau, nhưng ở “ngôi nhà” ảo của hội, những tình cảm chia sẻ mà các thành viên của hội dành cho nhau hết sức chân thành.

Ngay sau lời kêu cứu của hai thành viên kể trên, nhiều mẹ đã vào kêu gọi các mẹ giúp đỡ. Họ cho số điện thoại hoặc gọi cho bạn bè ở Hà Nội giúp thành viên của hội. Có nhiều thành viên đăng địa chỉ, số điện thoại của họ lên tường của hội để những mẹ đơn thân cơ nhỡ liên lạc. Ấm áp, chân tình và hiệu quả là những điều dễ thấy khi ở trong Facebook của những bà mẹ đơn thân.

“Stephani Vĩnh Ngọc” là tên trên mạng của một bà mẹ đơn thân tại TP.HCM. Chị có một Facebook riêng để chia sẻ và hỗ trợ các mẹ đơn thân, kết nối với các hội, nhóm “single mom” trong cả nước.

Khi tiếp nhận những trường hợp khó khăn của mẹ đơn thân, chị Ngọc âm thầm liên lạc với họ, giúp họ vào mái ấm gần nhất để sinh nở. Với những trường hợp ở gần chị, chị đón về nhà, tạo công việc tại nhà cho các mẹ bầu có thêm thu nhập. Đến nay chị đang giúp hai mẹ đã sinh em bé, một mẹ sắp sinh ở nhờ nhà chị.

Chúng tôi gặp chị Ngọc khi chị đang tất tả lo cho mẹ bầu từ Lâm Đồng xuống. “Bé này có bầu bị gia đình đuổi đi nên phải tìm chỗ sinh nở, chị nói tạm thời về nhà chị, cũng nhà trọ thôi nhưng đủ cho mẹ con họ nương náu tạm thời” - chị Ngọc chia sẻ. Hiện chị đang làm cho một công ty ở Bình Dương, thu nhập tạm ổn, “đủ để nuôi con và giúp thêm phần nào đó cho các mẹ cơ nhỡ” như chị tâm sự.

Phận “gà mái” thương nhau

“Em vốn đã đăng ký kết hôn. Nhưng ba tháng sau ngày đăng ký ba em mất, em có bầu hơn một tháng, gia đình chồng ép cưới khi em muốn để tang ba. Rồi chúng em ly hôn vì gia đình chồng không chịu cho em chờ mãn tang ba. Nhưng cái chính là chồng đã có “người mới” khi em đang mang bầu."

"Sóng gió dồn dập đến khi anh trai hại em suýt chết vì tranh giành quyền thừa kế nhà hàng tiệc cưới. Suốt tám tháng mang bầu, em hầu như không ngủ. Em lao vào làm việc 16-17 tiếng/ngày, mất ngủ triền miên tới mức phải dùng thuốc ngủ liên tục. Một ngày nọ hai mẹ con nhập viện khi em ra máu nhiều."

"Bác sĩ mắng: “Cô muốn giết con cô hả?!”. Em chợt tỉnh ra, không thể vì sóng gió đời mình mà bắt con phải chết. Ngày em sinh con cũng là ngày chồng em cưới vợ mới. Bây giờ con em được 7 tháng, em sắp đi làm lại. Với em sóng gió chỉ còn chút tròng trành. Em đã có con và bắt đầu cuộc đời mới” - tâm sự của Nghiêm Yến Bình, cô gái mới 24 tuổi đã trở thành mẹ đơn thân ở TP.HCM.

Yến Bình tham gia Hội những bà mẹ đơn thân ở TP.HCM chỉ vài tháng gần đây. Dù mới sinh con nhưng Bình rất năng nổ đi giúp đỡ những mẹ đơn thân khó khăn khác mà cô biết. Vì vậy, khi tham gia Hội những bà mẹ nuôi con bằng đôi tay và nước mắt, Bình được mời vào làm quản trị viên chính cho hội này.

Cô kể mới đi giúp mẹ Lùn sinh nở, mẹ Nhím làm đầy tháng cho con. Rồi đang tìm cách giúp mẹ Huy Hoàng vì mẹ này từ Nam Định vào Long An, hoàn cảnh rất bi đát.

“Lúc mẹ Huy Hoàng có bầu, bị gia đình hai bên lao vào ép phá thai. Mẹ Huy Hoàng phải trốn vào Long An để sinh con. Cô xin làm kế toán cho một công ty nhưng thu nhập chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Không đủ tiền thuê nhà và trang trải cho con trai giờ đã 20 tháng, ngoài giờ làm cô đi giúp việc nhà."

"Thương lắm, mỗi ngày 5g sáng mẹ Huy Hoàng khóa cửa để bé ngủ một mình trong nhà và đi giúp việc nhà. 6g30 tất tả về đưa con đi học. Có ngày về thấy con tìm mẹ khóc lả rồi ngủ gục ở cánh cửa khóa chặt mà mẹ cũng khóc luôn...” - Yến Bình kể về một mẹ trong hội đơn thân mà cô đang giúp.

Hiện tại mẹ Huy Hoàng đã xin làm công nhân may vì thu nhập cao hơn, không phải bỏ con ở nhà. Nhưng mỗi ngày vẫn phải gửi bé từ 7g sáng đến 9g tối mới đón về. Đó cũng là khó khăn chung của nhiều mẹ đơn thân làm công nhân hiện nay. Với đồng lương ít ỏi, giờ tăng ca tới khuya, đa số các mẹ đều phải lủi thủi nuôi con trong cảnh chật vật.

Mỗi nỗi đau trở thành một động lực để những “trăng khuyết” vực dậy nuôi con. Cuộc đời liệu có tươi sáng hơn với những bà mẹ đơn thân? Câu hỏi của chúng tôi dường như phải bỏ ngỏ trước những nỗi đau và bấp bênh phía trước của những “gà mái nuôi con” này.

Kỳ cuối: Một vai hai gánh

“Ngừng khóc, mỉm cười và đi tới!” - một mẹ đơn thân có nickname “Phượng Nguyễn...” dặn các mẹ đơn thân khi họ chia sẻ những khó khăn với nhau trong một buổi họp mặt.

552-mot-vai-hai-ganh.jpg

Ảnh minh họa

Đứng trước ngã ba đường của hạnh phúc, họ chọn con đường đơn độc nuôi con. Ai sẽ sát cánh bên mẹ đơn thân trong cuộc chiến gai góc ấy?

“Ba con đang vắng nhà!”

“Câu hỏi lớn và khó trả lời của đa số mẹ đơn thân thường gặp là của chính con mình: “Mẹ ơi ba ở đâu?”. Nhiều bà mẹ bảo sẽ nói ba mất rồi, con không có ba... Nhưng như thế còn hơn ngược đãi các bé. Vì đó là một sự giả dối.

Tôi tin rằng khi bé còn nhỏ, nếu trả lời cho con rằng ba đang đi làm xa để bé có chút hi vọng ngày nào đó sẽ được gặp ba thì tốt hơn. Còn nếu bé đã biết ba, cứ để con gần gũi ba. Đó là điều hạnh phúc của con mình” - chị Thúy Oanh, mẹ đơn thân ở quận 8, TP.HCM, tâm sự.

Lúc hai vợ chồng chị ly dị, con bị trầm cảm. Chị đã giận chồng và nói với con khi bé cố hỏi ba đi đâu: “Ba con chết rồi!”. Câu trả lời hờn giận ấy đã khiến con chị thêm bệnh nặng. Giờ chị Oanh rất hối hận vì phút căng thẳng của mình đã khiến con mình như vậy.

Hiện tại chị vẫn để bé qua lại với ba, vun đắp tình cảm ba con như con trai chị mong muốn. Chị “Phượng Nguyễn...” - một mẹ đơn thân ở quận 2 - thường nói với con gái: “Ba con đi làm xa nên vắng nhà!”. Chị bảo không muốn tâm hồn non nớt của con gái bị rạn nứt như mình. Nếu một ngày nào đó ba bé muốn quan tâm con, chị sẵn sàng để bé qua lại với ba.

Cần hỗ trợ nữ công nhân làm mẹ đơn thân

Trong những ngày viết câu chuyện về mẹ đơn thân, chúng tôi đã gặp một số chị em là mẹ đơn thân đang làm công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. N.T.T., 23 tuổi, công nhân ở Khu công nghiệp Vsip1, Thuận An, Bình Dương, đang mang bầu bảy tháng khi chưa kết hôn. Cô phát hiện bạn trai bằng tuổi mình cũng là công nhân, quê miền Tây đã có vợ và con gái 1 tuổi. Éo le là cô biết chuyện khi đã có bầu năm tháng. Quyết định chia tay bạn trai, N.T.T. nói sẽ sinh con và nuôi con một mình dù thu nhập hằng tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng.

Nhưng không may cho T., công ty T. đang làm bị cháy hồi tháng 5 buộc phải cho công nhân tạm thời nghỉ việc, T. lại chỉ mới đóng bảo hiểm năm tháng nên chưa được nhận trợ cấp thất nghiệp. Điều đáng nói là T. không dám trở về quê vì sợ gia đình không chấp nhận hoàn cảnh của cô hiện tại.

Bà Đinh Phương Nga, cán bộ làm dự án hỗ trợ thanh niên công nhân thuộc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, chia sẻ: “Trong quá trình đi hỗ trợ, tư vấn sức khỏe sinh sản cho công nhân, chúng tôi gặp nhiều trường hợp như T.. Điều đáng lo là ngoài khó khăn kinh tế, họ còn đối mặt với mặc cảm, định kiến xã hội. Chính vì vậy việc tiếp cận, giúp đỡ những trường hợp như T. rất nan giải.

Ngoài sự can thiệp của các tổ chức phi chính phủ như chúng tôi, chị em rất cần sự chia sẻ, gần gũi từ công đoàn các cấp, để làm cách nào đó phá vỡ những rào cản từ nhiều phía khi tiếp cận, can thiệp và hỗ trợ đối tượng này”.

Những ngày này, Yến Bình đang tất bật đi quyên góp đồ trẻ em cho các mẹ đơn thân trong hội trước khi đi làm lại. Cô nói sẽ tiếp tục đồng hành cùng các mẹ trong hội cho dù hoàn cảnh khó khăn như thế nào.

Hiện một số mẹ đơn thân tại TP.HCM đang rủ nhau học móc len để kiếm thêm thu nhập tại nhà. Đây là một trong các hoạt động thường xuyên mà họ chia sẻ khó khăn với nhau để có thể “ngừng khóc, mỉm cười và bước tiếp đến tương lai”.

Một thử thách lớn trong cuộc đời người phụ nữ

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với bà Đinh Thị Bạch Mai, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, về vấn đề làm mẹ đơn thân hiện nay.

* Xin bà cho biết hoạt động của Hội hiện nay có công tác nào liên quan đến chủ đề làm mẹ đơn thân?

- Khi người phụ nữ đơn thân “một vai hai gánh” vừa làm cha vừa làm mẹ, tự tạo dựng cuộc sống cho mình và cho con, là một thử thách lớn trong cuộc sống của chị em. Để góp phần hỗ trợ các bà mẹ đơn thân thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, trong thời gian qua hội phụ nữ các cấp đã tập trung các hoạt động: tổ chức Ngày hội phụ nữ vì cộng đồng, Ngày hội nữ tu làm công tác xã hội chăm lo cho gia đình phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn. Nhân rộng chương trình Bữa ăn ngon cho người già, trong đó có phụ nữ đơn thân, với tổng kinh phí 3,5 tỉ đồng...

Ngoài ra, Hội phụ nữ thường xuyên chú trọng xã hội hóa công tác chăm lo, hỗ trợ phụ nữ đơn thân và con các chị có điều kiện vươn lên trong cuộc sống (học bổng, vốn, việc làm, học nghề, bảo hiểm...)

Theo TTO

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI