Thế nào được gọi là khò khè?
Áp tai nghe vào ngực trẻ có thể dễ dàng nghe được tiếng khò khè.
Khò khè là khi đường hô hấp dưới (tính từ khí quản vùng ngực đến các phế quản) xuất hiện những co thắt. Tiếng thở khò khè mang âm sắc trầm. Có thể nghe rõ bằng tai thường khi tiếng thở của bé mạnh. Sẽ nghe như tiếng ran ngáy nếu áp tai vào sát miệng bé để nghe. Khi tình trạng khò khè đã nặng hơn, trẻ có thể bị khó thở. Nếu gắng sức, lồng ngực của trẻ sẽ bị co lõm. Các bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện ra tiếng thở khò khè khi áp tai nghe vào ngực và phổi của bé.
Nguyên nhân dẫn đến các cơn khò khè ngoài căn bệnh hen suyễn như nhiều người vẫn nghĩ còn do các nguồn căn khác như: viêm tiểu phế quản, viêm mũi, tim bẩm sinh, trào ngược dạ dày... Như vậy, tiếng thở khò khè rất dễ bị nhầm lẫn giữa bệnh lý này với bệnh lý khác.
Phân biệt tiếng thở khò khè trong từng trường hợp bệnh lý
Khò khè liên quan đến hen suyễn
Hầu hết các cơn khò khè đều được xác định nguyên nhân là do hen suyễn.
Hầu hết các cơn khò khè đều được xác định nguyên nhân là do hen suyễn. Thật vậy, các cơn hen suyễn muốn được xác định buộc phải có hiện tượng khò khè. Đó là dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh này. Mặc dù, không phải trẻ em nào thở khò khè đều mắc bệnh hen nhưng nếu sau 4 tuổi, trẻ mắc khò khè phần lớn nguyên nhân đều từ hen mà ra.
Cái khó của việc phân biệt tiếng khò khè của trẻ nằm ở chỗ chẩn đoán. Thông thường, các bác sĩ khám nhi chỉ căn cứ chẩn đoán dựa trên những dấu hiệu lâm sàng vì trẻ nhỏ nhất là trẻ sơ sinh và nhũ nhi rất khó để tiến hành các xét nghiệm chuyên khoa. Ngay cả khi các xét nghiệm được thực hiện cũng chỉ để loại trừ những nguyên nhân khác. Và căn bệnh hen sẽ không nhờ đó để được gọi tên chính xác. Chính vì vậy, chẩn đoán hen phụ thuộc nhiều và tay nghề, chuyên môn và kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên khoa. Bằng không, rất dễ có những nhầm lẫn. Theo khuyến cáo, những bác sĩ trị hen cho người lớn không nên chẩn đoán hen cho trẻ nhỏ để tránh sai xót.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu một trẻ mắc bệnh hen được điều trị bằng thuốc hen bệnh sẽ phải thuyên giảm. Nếu không, trẻ chắc chắn không mắc bệnh này mà liên quan đến một bệnh lý khác.
Những biểu hiện đặc trưng của bệnh hen là các cơn ho tái phát với tần suất cao đi kèm tiếng khò khè, thở ngắn hoặc khó thở. Cơn hen nặng có thể khiến ngực trẻ co lõm mỗi lúc thở và người trở nên bứt rứt, khóc quấy.
Hen suyễn thường gặp ở trẻ có người thân bị mắc hen suyễn (tính di truyền), bản thân trẻ bị lác sữa, tiền căn dị ứng nổi mề đay khi còn nhỏ.
Ngày nay, tỷ lệ trẻ mắc bệnh hen ngày càng tăng do môi trường sống thay đổi với nhiều khói bụi ô nhiễm và các không gian xanh bị thu hẹp. Trẻ không có đủ không khí trong lành để hít thở mỗi ngày và phải sống trong những căn nhà khép kín, chật hẹp cũng là điều kiện xấu dẫn đến tình trạng hen ngày càng tăng. Ngoài ra, hen cũng là một loại bệnh dị ứng, nên một số nguồn thức ăn có thể làm khởi phát cơn hen. Vì thế, ngoài việc điều trị, trẻ mắc hen suyễn cần tránh các nguồn cơn khởi phát hen như: phòng ốc kín, dơ bẩn và nhiều bụi; hương nước hoa, mùi lạ, lông động vật, gián, hải sản…
Nếu trẻ được điều trị hen sớm dưới 5 tuổi, bệnh sẽ nhẹ hơn và cải thiện chức năng phổi tốt hơn. Tuy nhiên, việc điều trị hen khá tốn kém và đòi hỏi thời gian lâu dài.
Trường hợp trẻ khò khè do dị tật tim bẩm sinh
Trẻ ho dai dẳng kèm theo vã mồ hôi và chóng mệt lả. Khi thở, ngực của trẻ có hiện tượng co lõm. Một số trẻ da tái nhợt; môi, chân, tay thâm tím mỗi khi cất tiếng khóc. Một số trẻ có thể đã xuất hiện các dấu hiện này từ khi mới sinh.
Bệnh tim dù nguy hiểm nhưng không phải không thể chữa khỏi. Hiện nay, phần lớn các trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh đều được phẫu thuật thành công và tăng cơ hội sống sót của trẻ. Mặt khác, trẻ cũng có thể được can thiệp điều trị không qua phẫu thuật vẫn có thể trị khỏi.
Những bệnh lý khác dẫn đến tiếng thở khò khè
Trẻ dưới 3 tuổi khò khè nhưng không có biểu hiện dị ứng khác thì đó là do trẻ bị nhiễm virus.
- Trẻ dưới 3 tuổi khò khè nhưng không có biểu hiện dị ứng do thời tiết thay đổi hoặc thức ăn hay các nguồn căn khác thì đó là do trẻ bị nhiễm virus.
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi khi thay đổi tư thế có thể làm sụn thanh quản mềm hoặc chèn ép các mạch máu vùng thanh quản gây nên tiếng khò khè.
- Khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên có thể dẫn đến viêm đường hô hấp do trẻ hít phải và khiến trẻ khò khè nhiều hơn.
- Trẻ bị nghẹt mũi có thể bị nhầm lẫn thành khò khè. Nghẹt mũi rất thường gặp ở trẻ nhỏ do bé thở bằng mũi là chủ yếu. Trong khi đó, mũi của trẻ lại quá nhỏ. Vì thế, các bé rất dễ mắc các bệnh về hô hấp khi trời trở lạnh. Nếu được thông mũi, bé sẽ hết khò khè và thở lại bình thường.
- Trẻ khò khè kèm theo sốt, ho và khó thở thường do viêm phổi gây nên.
- Nếu trẻ ho khan tiếng, khó thở, khò khè vào ban đêm có thể do viêm thanh phế quản cấp.
- Trẻ có hiện tượng khò khè từ khi mới sinh, bú kém và khó thở. Khi áp tai vào tim trẻ nghe có tiếng thổi thì trẻ dễ có khả năng đã mắc bệnh tim bẩm sinh.
- Trẻ viêm amidan cũng có thể xuất hiện tiếng thở khò khè trong lúc ngủ.
- Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi đột ngột bị nôn ói, tím tái và sặc thì phải lập tức xem xét trường hợp dị vật mắc họng bé.
Về căn bản, các bác sĩ sẽ xem tiền sử bệnh gia đình trước khi theo dõi dấu hiệu sống như thân nhiệt, mạch đập, nhịp tim, nhịp thở và khám tim, phổi, tai, mũi, họng đồng thời tiến hành một số xét nghiệm để xác định tình trạng sức khỏe của trẻ liên quan đến tiếng thở khò khè.
Những trường hợp khò khè cần đến bệnh viện
Trẻ trên 18 tháng khò khè kèm cơn ho không dứt, mẹ nên cho trẻ được khám chuyên khoa hô hấp.
- Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị khò khè, rất có thể đã mắc bệnh lý nghiêm trọng cần được đưa đến bác sĩ.
- Nếu trẻ trên 18 tháng khò khè kéo dài hoặc khò khè tái phát kèm cơn ho không dứt, mẹ nên cho trẻ được khám chuyên khoa hô hấp vì rất có thể trẻ sẽ phải làm một vài xét nghiệm để xác định bệnh lý như đo hô hấp ký, chụp CT ngực, siêu âm…
- Trẻ thở khó, khò khè, xanh tái cũng cần được cấp cứu.
- Trẻ ho nhiều không khỏi, tiếng thở ngày một nặng thêm và bứt rứt trong người thì cần đến ngay bệnh viện.
- Khò khè đi kèm nôn ói.
- Trẻ khò khè kéo dài, ăn uống khó khăn, chậm tăng cân.
Lưu ý, một khi bệnh chưa được xác định chính xác, không nên tự ý dùng thuốc long đàm cho trẻ vì chúng có thể khiến trẻ khò khè nhiều hơn dẫn đến khó thở.
Yeutre.vn (Tổng hợp)