Mẹ cần cẩn thận khi cho con sử dụng gối thảo dược
1. Các tác hại không ngờ từ gối thảo dược
Viêm đường hô hấp
Theo Đông y, các loại thảo dược tự nhiên như cỏ xạ hương, tần dầy lá, rau tía tô, cây thuốc giòi, tràm... có tác dụng tuyệt vời trong việc điều trị và phòng ngừa các bệnh về hô hấp. Tuy nhiên, để chúng phát huy tác dụng cần phải bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát nếu không dễ bị ẩm mốc.
Trong khi đó, trẻ con khi ngủ thường hay đổ mồ hôi đầu, việc dùng các loại thảo dược này làm gối cho trẻ hoàn toàn không phù hợp. Mồ hôi của trẻ thấm qua các lớp thảo dược lâu ngày sẽ gây ẩm mốc, bốc mùi hắc, gây dị ứng đường hô hấp của trẻ dẫn đến trẻ ngạt mũi, khó thở, ho... nếu để lâu có thể dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi.
Ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ
Sử dụng gối thảo dược không những khiến trẻ không ngủ ngon, sâu giấc mà còn khiến con thường xuyên bị giật mình. Bởi theo các bác sĩ, trẻ nhỏ nằm gối mềm quá hay cứng quá đều không tốt. Cứng quá có thể làm dây thần kinh ở cổ bị tê khiến con khó chịu, còn quá mềm có thể khiến con ngạt thở nếu ngủ mê, lật và úp mặt vào gối nhưng người lớn không phát hiện kịp thời.
Sức đề kháng suy giảm
Viêm đường hô hấp, thường xuyên mất ngủ... chính là những nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, dẫn tới suy giảm sức đề kháng. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ ngày càng kém ăn, còi xương, suy dinh dưỡng, ốm yếu.
Nếu nhận thấy con có dấu hiệu thường xuyên ho, khó thở, ngứa ngáy, mẹ cần kiểm tra gối nằm của con để đảm bảo con được ngủ ngon, sâu giấc.
2. Hướng dẫn mẹ sử dụng gối thảo dược đúng cách cho trẻ
Phơi gối thảo dược dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt nấm mốc
Theo các bác sĩ, để hạn chế tình trạng trẻ bị dị ứng, khó thở khi sử dụng gối thảo dược mẹ nên lựa chọn mua loại gối thảo dược uy tín, tìm hiểu kỹ các loại thảo dược trong vỏ gối để tránh tình trạng gây tác dụng ngược của gối.
Ví dụ, với trẻ thường xuyên đổ mồ hôi trộm, mẹ không nên cho trẻ sử dụng gối chứa thảo dược tinh dầu mạnh vì gây kích thích, có loại gây ức chế, làm nóng vùng da đầu trẻ và khiến tình trạng đổ mồ hôi đầu nặng hơn.
Gối thảo dược không thể giặt được nên rất dễ gây ra ẩm mốc, vì vậy, mẹ nên thường xuyên phơi dưới ánh nắng mặt trời nhiệt độ cao để tiêu diệt vi khuẩn, hạn chế tình trạng gối sinh giòi bọ gây dị ứng, ngứa ngáy cho trẻ. Mẹ cũng nên thay đổi và làm khô ruột gối để giúp con ngủ ngon hơn, hạn chế tình trạng viêm đường hô hấp.
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm: