Dưới đây, là một số sai lầm cha mẹ nên tránh khi nuôi dạy con ở tuổi mới lớn.
Đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái
Các chuyên gia cho biết, ở độ tuổi mới lớn trẻ chưa hoàn thiện về tâm lý và thể chất. Nên việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, gây áp lực cho con phải đạt được những thành công nào đó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và hành vi của trẻ.
Cha mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng và tạo áp lực cho con trong cuộc sống
Khi trẻ không đạt được thành công như cha mẹ mong muốn, con cảm thấy bản thân bất tài vô dụng, cảm thấy tự ti, chán nản, sống buông xuôi, dễ bị cái xấu cảm dỗ. Thực tế đã chứng minh, nhiều bạn trẻ thi cử không đỗ đạt như mong muốn của cha mẹ nên đã tìm đến cái chết.
Dạy con một cách máy móc theo sách vở
Nhiều người do thiếu kinh nghiệm nên thường áp dụng cách nuôi dạy con máy móc theo sách vở. mà không hiểu rằng kiến thức chuyên gia chỉ là cái để tham khảo, không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng. Họ không hiểu rằng nuôi con cần bản năng và kinh nghiệm của người làm cha mẹ.
Bởi mỗi đứa trẻ được sinh ra đều có một tính cách và hoàn cảnh sống khác nhau. Muốn dạy con trước hết ba mẹ phải hiểu tính cách, tâm lý và hoàn cảnh sống của con chứ không thể cứ áp dụng một cách máy móc ý kiến chuyên gia người Mỹ, để nuôi một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam được.
Lo lắng và bảo bọc con thái quá
Quan tâm, hướng dẫn và che chở con trên bước đường trưởng thành là điều mà bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng muốn làm. Tuy nhiên, như thế không nghĩa là bạn có quyền can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con . Hãy để trẻ có không gian riêng, chọn quần áo mà con thích mặc, kiểu tóc mà con thấy tự tin. Chỉ cần lựa chọn của con không quá lố bịch và phản cảm là được.
Bảo bọc con quá kỹ sẽ không cho con cơ hội tự khôn lớn và trưởng thành
Nhiều bậc cha mẹ lại sợ con vấp ngã và phạm sai lầm nên luôn bảo bọc con trong vòng tay mà không cho con cơ hội để tự phát triển. Dù có vấp ngã cũng là cơ hội để con trưởng thành . Cha mẹ chỉ cần ở bên hướng con đi đúng là được, không nên áp đặt hoặc rải thảm đỏ để con bước đi. Vì như thế, trẻ sẽ không bao giờ tự đứng vững bằng đôi chân của mình được.
Bỏ mặc con với những cảm dỗ của tuổi mới lớn
Các chuyên gia cho biết, ở độ tuổi từ 13 -18 tuổi là thời điểm vô cùng nhạy cảm, cha mẹ rất khó để tiếp cận con. Vì thế, cha mẹ không được bỏ qua những thay đổi bất thường của con như thường xuyên vắng nhà, đi sớm về muộn, sức khỏe sa sút, có bao cao su hoặc thuốc tránh thai trong cặp hoặc ví trẻ… Bởi đây là dấu hiệu cho biết con bạn đang bị cám dỗ bởi thói hư, tật xấu.
Để con không bị sa ngã cha mẹ nên thường xuyên quan tâm đến, trò chuyện cùng con và quan trọng hơn cả gia đình phải là một bến đỗ bình yên để con muốn trở về mỗi ngày.
Kỷ luật không đúng cách
Quá nghiêm khắc hoặc quá dễ dãi khi con phạm lỗi đều không tốt cho sự hình thành và phát triển nhân cách ở một đứa trẻ. Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc với con, con chỉ làm sai việc nhỏ lại dùng hình phạt quá nặng, không cho con có cơ hội sửa sai, trẻ sẽ mất niềm tin vào cha mẹ, bất mãn dễ suy nghĩ tiêu cực.
Quá nghiêm khắc hoặc quá buông lỏng con đều không tốt
Còn nếu quá dễ dãi với con, khiến trẻ dễ bị hư hỏng và bị kẻ xấu lôi kéo. Vì thế, muốn con nên người cha mẹ phải dành tình yêu thương và kỷ luật đúng mức. Đừng hành động theo cảm xúc bản thân mà cần dạy con thấu tình đạt lý có như thế mới khiến con “tâm phục khẩu phục”.
Yeutre.vn