Một phụ nữ mang thai đổ gục vì mắc xương cá lâu ngày

Mắc xương cá khi mang thai nhưng chữa không khỏi, chị Cao Thị Dừa ho ra máu và đổ gục trong ngày sinh con.

banner ads

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), bệnh nhân mê man, cơ thể suy kiệt nhưng miệng vẫn ho khạc và mủ máu. Nghi ngờ xương cá là nguyên nhân, các bác sĩ mở thực quản thì phát hiện bên trong phần cổ sưng to là một ổ áp xe khổng lồ.

11743-mac-xuong-ca-jpg-5070-1423191356.jpg

Được khâu vết thủng thực quản do xương cá đâm nhưng bệnh nhân vẫn chưa thể bình phục vì suy dinh dưỡng. Ảnh: T.C

banner ads

"Chiếc xương cá đã đâm thủng một đường từ thành họng đến thực quản và gây nhiễm trùng. Đây chính là nguyên nhân tạo nên ổ áp xe kéo dài từ vùng thực quản đến tâm thất. Chúng tôi ngạc nhiên bởi không hiểu sao sản phụ này có thể chịu đựng được đến khi đổ gục", một bác sĩ nói.

Trong quá trình phẫu thuật, hơn nửa lít mủ từ ổ áp xe đã được dẫn lưu ra ngoài. Các bác sĩ cũng vệ sinh toàn bộ khu vực chiếc xương làm tổn thương và khâu lại vết thủng. "Đây là trường hợp bị xương cá đâm thủng thực quản nghiêm trọng nhất mà chúng tôi từng cấp cứu", bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực nói.

Sáng 6/2, thều thào gắng sức mỗi khi có người hỏi chuyện, sản phụ 19 tuổi tên Dừa, người dân tộc Raglai sống ở Ninh Thuận cho biết, một tháng trước khi sinh con, do ăn vội nên nuốt phải một chiếc xương cá ngừ rất dài. "Nuốt xong em thấy đau nhưng đi khám bác sĩ nói không nhìn thấy nên thôi. Tới mấy ngày trước khi sinh thì cổ bắt đầu sưng rồi ho ra máu ngay sau khi đẻ", sản phụ nói.

Bắt đầu được cho rút ống thở và tập ăn uống tuy nhiên theo các bác sĩ, thể trạng Dừa còn rất yếu. "Bệnh nhân chỉ còn da bọc xương và suy dinh dưỡng rất nặng", tiến sĩ - bác sĩ Lưu Ngân Tâm, trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định.

Nhoẻn miệng cười khi bác sĩ cho biết vết mổ tiến triển tốt, nụ cười của bà mẹ 19 tuổi lập tức không còn nữa mà lặng lẽ nhìn chồng khi nghe bác sĩ dặn phải bồi dưỡng mới có thể lấy lại sức nuôi con.

Anh Lê Minh Hiển, trưởng đơn vị Y xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy - người kề cận giúp đỡ ca bệnh cho biết đây là trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Dừa được chính quyền địa phương xác nhận hộ nghèo, có bảo hiểm hộ nghèo nên được chi trả toàn bộ viện phí. Tuy nhiên chế độ này không thanh toán cho chi phí dinh dưỡng.

Bỏ việc đi nuôi vợ, người chồng 19 tuổi chăm từng muỗng sữa vừa được một người nuôi bệnh cạnh giường đưa cho, miệng động viên "em cố lên" mà mắt rưng rưng. "Nhà nghèo lắm, hai vợ chồng làm thuê, vợ tôi mang bầu vẫn phải đi làm cho đến ngày đẻ, không có tiền nên ăn uống kham khổ, đến khi sinh mà cái bụng nhỏ xíu. Giờ bác sĩ khuyên phải bồi dưỡng mới có đủ sức khỏe xuất viện, chắc tôi phải gọi điện về quê mượn tiền thêm", anh chồng nói.

Theo các bác sĩ, do vết thương ở thực quản rất lâu lành và dễ tái nhiễm trùng, bệnh nhân còn phải nằm viện nhiều ngày để được theo dõi.

Theo ngoisao

(*) Tít bài viết đã được đặt lại

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI