1. Sự tích ông Táo
Có bao giờ bạn thắc mắc “ông Táo” mà chúng ta thường gọi có đến 3 vị luôn đi cùng với nhau và 1 trong số đó là phụ nữ không? Có một sự tích về 3 vị Táo này mà Yeutre.vn muốn kể lại trước khi chúng ta đi tìm hiểu về lễ vật và mâm cỗ cúng ông Táo gồm những gì.
Chuyện kể rằng ngày xưa có cặp vợ chồng tên là Thị Nhi và Trọng Cao chung sống với nhau đã lâu nhưng không có con. Chính vì việc tìm mãi một mụn con mà không được như ý nên người chồng thường to tiếng với người vợ. Đỉnh điểm đến một lần nọ chỉ vì chút chuyện nhỏ nhưng Trọng Cao trút dồn bực bội lên Thị Nhi, đánh rồi đuổi vợ ra khỏi nhà.
Về phần người vợ, từ lúc bị chồng đánh đuổi, chẳng còn nơi nương tựa nên cứ đi hoài đi mãi, đến một làng nọ cô gặp được một người tốt tên là Phạm Lang. 2 người nảy sinh tình cảm với nhau rồi nên duyên chồng vợ, sống với nhau hạnh phúc.
Lại nhắc đến người chồng Trọng Cao, sau khi đánh đuổi vợ thì bình tĩnh suy nghĩ lại. Biết mình đã sai nên vô cùng hối hận bèn lên đường đi tìm vợ. Quãng đường tìm vợ gian nan, lương thực và tiền mang theo đã hết mà chẳng thấy vợ đâu. Cuối cùng Trọng Cao phải ăn xin dọc đường. Số trời run ruổi lại xin đúng ngay nhà của Thị Nhi, lúc này đã là vợ của người khác.
Thị Nhi vừa nhìn đã nhận ra ngay chồng cũ, nhân lúc Phạm Lang đi vắng, lòng lại còn vương tình xưa nên mời vào nhà nấu cơm mời Cao ăn. Đúng lúc đó Phạm Lang về nhà, Nhi sợ chồng nghĩ ngợi nên bèn giấu Cao vào đống rạ sau vườn.
Đêm hôm ấy, Phạm Lang cần tro đến bón ruộng nên đốt đống rạ lấy tro mà chẳng hay biết bên trong có người. Nhi thấy lửa cháy nên lao mình vào đống rạ đặng cứu Cao. Thấy vợ như vậy, Phạm Lang cũng nhảy vào theo. Kết quả là cả 3 đều bị thiêu cháy trong đám rạ ấy.
Trên cao nhìn xuống, Thượng Đế thương cho cả 3 sống với nhau tình nghĩa nên phong cho làm vua bếp, canh giữ bếp núc của người đời để được sống bên nhau mãi mãi. Đó chính là lý do chúng ta có 3 ông Táo như bây giờ.
Đây là một trong những lý giải về sự hiện diện của ông Táo. Ngoài ra, dân gian cũng có những câu chuyện tương tự, các câu chuyện đều hướng về cốt lõi sự tích ông Táo về trời , để chúng ta thêm trân trọng gian bếp nơi giữ những bữa cơm đầm ấm, đồng thời cũng để trân trọng gia đình.
2. Lễ vật cúng ông Táo về trời gồm những gì?
Không ai biết chính xác phong tục cúng ông Táo bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là một trong những điều mà mỗi năm vào dịp gần Tết nhà nhà đều thực hiện. Ông Táo sẽ lên chầu Thượng Đế, báo cáo những việc tốt và chưa tốt của chủ nhà trong một năm. Lễ vật cúng ông Táo sẽ có sự khác nhau giữa các vùng miền, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm các loại sau đây:
- 3 Chiếc mũ ông Táo gồm 2 chiếc đàn ông (có cánh chuồn), 1 chiếc phụ nữ (không có cánh chuồn)
- 3 Bộ quần áo giấy gồm 2 bộ đàn ông, 1 bộ phụ nữ
- 3 Đôi hài gồm 2 đôi đàn ông, 1 đôi phụ nữ
- Giấy tiền vàng bạc (chuẩn bị tùy theo gia chủ)
- Nhang, nến
- Rượu, trà
- Trái cây
Để ông Táo có phương tiện lên chầu Trời thì mỗi gia đình ở miền Bắc sẽ chuẩn bị thêm 3 con cá chép đỏ còn sống để trong chậu nước. Ở miền Trung thay vì cá chép người ta sẽ chuẩn bị ngựa bằng giấy, đầy đủ yên cương để các Táo cưỡi đi. Còn ở miền Nam đa số mọi người chỉ chuẩn bị các loại giấy áo, vàng mã thôi.
Ngoài ra, những gia đình có trẻ em sẽ phải có thêm một con gà cồ luộc với ngụ ý nhờ các Táo xin Thượng Đế cho đứa trẻ có được sự mạnh mẽ, hiên ngang như gà cồ.
3. Mâm cỗ cúng ông Táo gồm những gì?
Ngoài lễ vật cúng ông Táo về trời thì mâm cỗ cũng rất quan trọng. Nhiều bà nội trợ trẻ hiện đại ngày nay thường băn khoăn về việc cúng ông Táo cần những gì , nhất là khi thấy có nhiều gợi ý khác nhau.
Thực tế, không phải nơi nào cũng chuẩn bị mâm cỗ giống nhau. Tùy theo vùng miền mà những món ăn cũng có sự đa dạng và khác biệt. Mâm cỗ thể hiện sự biết ơn của gia chủ đối với 3 vị Táo vì đã luôn coi sóc cả gia đình trong một năm. Dù không cần thiết phải cầu kì thịnh soạn nhưng chí ít phải chuẩn bị chu đáo. Mâm cỗ thường có những món sau đây:
- 1 dĩa gạo
- 1 dĩa muối
- Thịt luộc
- Gà luộc ngậm hoa hồng hoặc ngậm ớt tỉa hoa
- Đồ xào rau củ thập cẩm
- Xôi (xôi trắng, xôi gấc, xôi đậu xanh…đều được)
- Chè (tùy chọn)
- Canh giò hoặc canh thịt
- Bánh chưng, bánh tét
- Nem chả
- Rau sống
- 3 ly rượu hoặc 3 ly trà
- Cau trầu
- Tiền vàng mã
- Trái cây
- Hạt dưa
Những món trên không bắt buộc phải có đủ. Tùy từng nhà mà sự chuẩn bị sẽ khác nhau, có nhiều nơi còn thêm vào đặc sản vùng miền. Nhưng nhìn chung các món thường được bày ra mâm để cúng ông Táo là như vậy.
4. Những lưu ý khi cúng ông Táo
Cúng ông Táo là một nghi thức quan trọng do đó bạn cần phải tuân theo những lưu ý sau đây để gia đình có tài lộc, no đủ trong năm mới:
- Những món lễ vật bằng giấy sẽ được đốt sau khi nhang cháy độ một nửa. Đến khi nhang cháy hết sẽ mang cá chép ra ao hồ để phóng sinh.
- Bàn thờ ông Táo phải đặt gần bếp. Bên bàn thờ ông Táo sẽ để một bát gạo để cắm nhang.
- Khi cúng lễ vật và mâm cơm phải để lửa trong bếp cháy to, ngụ ý cầu cho cả năm ấm no và sung túc.
- 23 – 12 âm lịch là ngày cúng ông Táo, tuy nhiên bạn cũng có thể cúng vào tối ngày 22 – 12 vẫn được. Nếu để qua ngày 23 – 12 phải cúng trước 12h trưa để các Táo kịp lên chầu. Giờ đẹp nhất để cúng khoảng 9h – 11h sáng.
Cúng ông Táo về trời là nét đẹp từ xa xưa của dân tộc ta. Dù ở đâu đi nữa phong tục này sẽ nhắc ta nhớ về nguồn cội và thể hiện lòng biết ơn đến những vị thần đã giúp gia đình ấm êm trong một năm. Chuẩn bị lễ vật và mâm cỗ không hề khó, chỉ cần chúng ta chú ý một chút và thực hiện mọi điều với lòng thành của mình. Chuyên mục Cẩm nang hy vọng bài viết trên đây có thể giúp bạn hiểu thêm về phong tục cũng như chuẩn bị cho ngày đưa ông Táo về trời sắp tới thật chu đáo.
Như Nguyễn tổng hợp