Cửa hàng bán cá của chị Lê Thị Chuyên, chợ hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có cá chép đỏ phục vụ ngày cúng ông Công ông Táo. Giá bán khoảng 30 nghìn 3 con cá nhỏ, hơn 50 nghìn 3 con cá to. Từ hôm qua, chị đã bán được già nửa trong số 8 kg cá nhập về.
Người Việt tin rằng, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc ở hạ giới với Ngọc Hoàng. Đêm Giao thừa, Táo sẽ trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa các gia đình.
Trên phố Hàng Mã, bộ mũ áo ông Công ông Táo có giá 145.000đ/bộ rất đắt hàng.
Là một gia đình với tứ đại đồng đường trên phố cổ Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nhàn chưa bao giờ bỏ thói quen dậy sớm chuẩn bị đồ chay và cả đồ mặn cho lễ cúng ông Công ông Táo trước 12h trưa cùng ngày.
Mũ áo, tiền vàng được hoá để làm lộ phí cho các vị "quan bếp" đi đường.
Còn cá chép sống, người dân mang thả ra sông hồ. Năm nay, các hồ ở Hà Nội như Hoàn Kiếm, Ngọc Khánh, Thành Công... đều có người đứng nhắc nhở người dân giữ vệ sinh, nên môi trường có phần được cải thiện.
Có người cẩn thận cho vào bát rồi mới thả ra hồ.
Hồ Ngọc Khánh (Ba Đình) rất đông người ra thả cá, phần lớn mọi người thả cá xong tự giác thu gom túi bóng bỏ vào thùng rác.
Nhưng vẫn còn những người thả tro hóa vàng xuống hồ làm mất mỹ quan và ảnh hưởng môi trường sống của sinh vật.
Chị Hương, nhân viên Công ty đầu tư phát triển Hà Thuỷ - Công viên Thành Công đang trong ca trực. Những ngày này, chị vừa nhắc nhở mọi người giữ ý thức, vừa thu gom rác của người thả cá bỏ lại. "Năm nay ít rác vì là ngày thường nên ít người đi thả cá hơn, chứ Tết ông Công ông Táo mà vào cuối tuần thì nhiều lắm", chị Hương nói.
Theo VNE