1. Lễ cúng ông Táo
1.1 Về Lễ cúng ông Táo
Truyền thống văn hóa người Việt xưa rất coi trọng Lễ cúng ông Táo. Ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về chuyện ở trần thế, cụ thể là công việc của gia đình nơi gia đình ông Táo coi quản trong một năm đã qua. Theo quan niệm xưa, việc chuẩn bị chu đáo lễ cúng tiễn ông Táo về trời là một hành động thể hiện lòng thành kính của gia chủ với vị thần cai quản bếp núc - cũng là người biết rõ hết mọi chuyện trong nhà mình. Sự thành tâm này để mong ông Táo sẽ "phù hộ" cho mình trong năm mới được nhiều điều tốt lành hơn. Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12h ngày 23 tháng Chạp hàng năm.
1.2 Lễ vật cúng ông Táo
Nói về Lễ cúng ông Táo, lễ vật là một phần cơ bản vô cùng quan trọng mà mọi gia chủ cần chuẩn bị đầy đủ không được thiếu. Lễ vật sẽ gồm:
- 3 chiếc mũ còn gọi là mũ ông Công ba cỗ, trong đó là 2 mũ dành cho ông Táo có hai cánh chuồn, 1 mũ cho Táo bà không có cánh chuồn. Đi cùng mũ là bộ áo, hài dành cho ba vị. Tùy theo năm, theo phong thủy người ta sẽ trang trí và thay đổi màu sắc cho phù hợp.
- Vàng thoi, cá chép
- Bài vị
- Một số vàng mã khác tùy theo năm và tùy theo gia chủ chuẩn bị
1.3 Bài cúng trong Lễ cúng ông Táo
Bài cúng trong Lễ cúng ông Táo cũng cần gia chủ chuẩn bị chu đáo. Tùy theo văn hóa vùng miền, bài cúng ông Táo sẽ không hoàn toàn giống nhau. Do vậy, gia chủ có thể lựa chọn bài cúng phù hợp, miễn sao đúng cấu trúc cơ bản cho Lễ cúng ông Táo là được.
- Bài cúng Lễ cúng ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam để chị em tham khảo
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
2. Mâm cỗ cúng ông Táo
Theo người xưa, Lễ cúng ông Táo càng chuẩn bị chu đáo tươm tất bao nhiêu, thì sang năm mới mọi sự sẽ càng thuận lợi tốt đẹp bấy nhiêu. Vì vậy, trong việc chuẩn bị cúng ông Táo về trời, từ ngày giờ, nghi thức, đến mâm cúng đều phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngày nay theo phong thủy, yếu tố chu đáo này vẫn được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên việc chuẩn bị mâm cúng có nhiều phần thay đổi để phù hợp với điều kiện sống hiện đại hơn, do đó việc chuẩn bị mâm cúng cũng không còn là gánh nặng đối với các gia chủ nữa. Vậy cụ thể mâm cúng ông Táo cần chuẩn bị ra sao, chị em hãy tiếp tục theo dõi chi tiết dưới đây nhé.
2.1. Mâm cỗ truyền thống cơ bản
Mâm cỗ cúng ông Táo cơ bản có: gạo, muối, thịt, bánh chưng hoặc xôi, hoa quả, ấm trà, rượu, trầu cau, bình hoa, vàng mã và cá chép sống. Mọi thứ cần được trình bày đẹp, cẩn thận, chỉn chu và thật trang trọng. Sự chuẩn bị chu đáo như vậy chính là cách thể hiện lòng thành của gia chủ đối với nghi lễ cúng này.
2.2 Mâm cỗ cúng ông Táo theo truyền thống của người miền Bắc
Người miền Bắc thường chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Táo có phần cầu kỳ. Trong mâm cỗ ngoài gạo, muối, bánh chưng hoặc xôi, hoa quả, ấm trà, rượu, trầu cau, vàng mã, cá chép sống còn có bưởi, thịt thì gồm cả thịt heo và thêm thịt gà (nếu nhà có trẻ con để cầu mong cho trẻ sang năm mới lớn lên mạnh khỏe đầy sinh khí hiên ngang), 1 bình hoa cúc, đồ xào và 1 bát canh mọc hoặc canh thịt.
2.3 Mâm cỗ cúng ông Táo theo truyền thống của người miền Nam
Người miền Nam chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Táo đơn giản hơn và đa dạng hơn so với người miền Bắc. Nhiều gia đình chuẩn bị mâm cỗ theo truyền thống, cũng có gia đình chỉ chuẩn bị mâm cỗ cúng đơn giản với xôi gà, hoặc chân giò luộc, hay món canh thịt, món chay hoặc chỉ chuẩn bị trầu cau, hoa quả, món chè ngọt cùng vàng mã. Một số gia đình thì có thêm kẹo đậu phộng, kẹo vừng. Nhiều gia đình không chuẩn bị cá chép mà sẽ thay thế bằng bộ "cò bay, ngựa chạy" bằng giấy.
2.4 Mâm cỗ cúng ông Táo đơn giản trong cuộc sống hiện đại
Vì cuộc sống bận rộn, khá nhiều gia đình ngày nay dù là người miền Nam hay Bắc đều đơn giản mâm cỗ cúng so với mâm cỗ truyền thống. Tùy điều kiện từng gia đình cũng như việc chuẩn bị, mâm cỗ cúng ông Táo có thể là một mâm cơm bình thường được chuẩn bị bày biện đẹp mắt cùng một bình bông và chén rượu. Cũng có gia đình bày biện một mâm ngũ quả, hay đĩa trái cây đơn giản mùa Tết cùng chén rượi chén chè ngọt. Việc giữ truyền thống nghi thức cúng ông Táo đã là một nét đẹp trong cuộc sống bây giờ, nên việc cầu kỳ không phải là ưu tiên mà chủ yếu chú trọng sự gần gũi và thực tế nhất đối với hoàn cảnh, cũng như điều kiện thời gian mà gia đình có được.
3. Lưu ý quan trọng liên quan đến lễ cúng ông Táo cần chú ý
Người ta cho rằng, việc làm lễ cúng ông Táo cũng có những nguyên tắc nhất định và một số sai lầm mà các gia đình nên tránh, nếu như thực hiện Lễ cúng này. 5 trong số sai lầm phổ biến nhất thường gặp khi tiến hành làm lễ cúng ông Táo có thể kể đến như:
3.1 Đặt mâm cúng ở bếp
Vì quan niệm và suy nghĩ rất đơn giản rằng ông Táo cai quản việc bếp núc nên đương nhiên mâm cúng sẽ đặt ở bếp. Tuy nhiên, quan niệm này là không phù hợp trong tín ngưỡng thờ cúng. Dù ông Táo cai quản việc bếp núc thật nhưng lễ cúng mâm cúng cần đặt để tiến hành ở gian nhà chính, vị trí tốt nhất trong nhà gia chủ, như thế mới đúng thực sự là sự trang trọng cần thiết đối với vị thần mình tin mình cầu.
3.2 Mâm cỗ phải thật đầy đủ theo truyền thống mới linh
Vẫn còn rất nhiều gia đình còn nặng tư tưởng hình thức tức cần phải chuẩn bị mâm cúng đúng theo truyền thống không được thiếu lễ vật cơ bản. Việc làm này vô tình tạo nên một áp lực không cần thiết. Gia đình nào có điều kiện để thực hiện đủ lễ theo truyền thống cũng khá tốt, nhưng nếu không chuẩn bị được thì nên thực hiện trong khả năng điều kiện và thời gian mà gia đình có thể tiến hành. Mâm cỗ theo lòng thành vẫn mang đủ giá trị và ý nghĩa cần có, chứ không quan trọng ở số lượng hay các món trong mâm cỗ cúng.
3.3 Cúng sau 12h ngày 23 tháng Chạp
Có thể đây là một sai sót không nhiều gia đình cúng ông Táo phạm phải nếu đã quen thực hiện mỗi năm. Nhưng, điều này dễ xảy ra với các gia đình hiện đại và trẻ khi không có kinh nghiệm thực hiện các nghi thức truyền thống. Đa phần đều nghĩ giờ nào cũng được miễn là trong ngày 23 tháng Chạp. Thực sự lại không phải thế, nghi lễ cúng này cần phải thực hiện trước 12h ngày 23 tháng Chạp.
3.4 Bắt buộc phải có cá chép
Hình ảnh cá chép gắn liền với ông Táo không xa lại với mọi người chúng ta. Vì thế, nói đến lễ cúng hẳn nhiên ai cũng nghĩ bắt buộc phải có cá chép mới được vì nếu không có cá chép thì ông Táo không có phương tiện để về trầu. Dù được xem như một linh vật gắn liền với ông Táo nhưng điều này không bắt buộc phải có cá chép trong nghi lễ cúng. Điều này có thể thấy rõ, người miền Nam dùng bộ cò bay ngựa chạy, người miền Trung dùng ngựa giấy với yên cương đầy đủ. Do đó, việc có cá chép sống trong lễ cúng sau đó phóng sinh cũng khá ý nghĩa, tuy nhiên điều này là không bắt buộc, cũng như việc nhiều gia đình dùng cá chép chiên bày trong mâm cúng - thì được cho là không đúng với mâm cúng hoặc ý nghĩa lễ vật cúng truyền thống.
3.5 Mâm cỗ càng đầy đủ, gia đình càng có nhiều tài lộc và thêm sung túc trong năm mới
Quan niệm này khá phổ biến khi nhiều gia đình cho rằng, mâm cỗ cúng trong lễ ông Táo càng phong phú đầy đủ thì càng hy vọng năm mới thêm sung túc, thêm tài lộc. Hoặc cũng có nhiều gia đình, cố gắng chuẩn bị lễ cúng mâm cúng ông Táo thật chu đáo chỉ với mong muốn cầu xin tài lộc sung túc. Điều này cũng không hoàn toàn đúng với nguyên tắc và ý nghĩa của lễ cúng ông Táo truyền thống, hay phong tục lễ cúng ông Táo của người xưa. Mâm cỗ cúng trong ngày lễ tiễn ông Táo về trời sẽ tùy vào cách chuẩn bị, khả năng, sự phù hợp của từng gia đình. Bên cạnh đó, lễ cúng ông Táo trước là có ý nghĩa cầu mong sự bình yên no ấm trong gia đình, sau là thờ vị thần linh cai quản chuyện bếp núc mà thôi.
Có thể thấy rằng, việc cúng ông Táo cần những gì và những tiểu tiết xoay quanh chủ đề này cũng thật thú vị, khi cuộc sống hiện đại có nhiều tác động khiến lễ nghi truyền thống có nhưng thay đổi nhất định. Kèm theo sự thay đổi cũng là những băn khoăn, thậm chí là hiểu sai hoặc những sai lầm do các gia đình trẻ chưa có kinh nghiệm, để duy trì một nét đẹp tồn tại trong văn hóa phong tục của ông bà ta để lại. Hy vọng với những chia sẻ chi tiết và cần thiết trong bài viết, phần nào giúp chị em nội trợ nhìn rõ vấn đề hơn, biết cách chuẩn bị chu đáo cũng như làm đúng lễ cúng ông Táo về trời trong ngày 23 tháng Chạp sắp tới nhé.
Cát Lâm tổng hợp