Lăn kim trị sẹo - những điều bạn nên biết trước khi quyết định điều trị

Lăn kim trị sẹo là một trong những phương pháp điều trị sẹo nổi tiếng và được ứng dụng rộng rãi trong vài năm trở lại đây. Với những chị em đang đau đầu vì những vết sẹo lõm trên mặt, không biết trị kiểu gì cho hết, thì lăn kim trị sẹo có thể giúp bạn thoát khỏi nỗi ám ảnh đó. Nổi lên như một phương pháp trị sẹo "thần thánh", vậy lăn kim trị sẹo là gì, liệu phương pháp này có thực sự an toàn và hiệu quả? Để giải quyết tất tần tật những thắc mắc về lăn kim trị sẹo, bạn hãy theo dõi ngay chia sẻ chi tiết về chủ đề này dưới đây nhé!

banner ads
Lăn kim trị sẹo được xem là phương pháp
Lăn kim trị sẹo được xem là phương pháp "thần thánh" trị sẹo lõm được giới làm đẹp tin dùng. Ảnh Internet

1. Lăn kim trị sẹo là gì?

Lăn kim trị sẹo hay liệu pháp tăng sinh collagen, là phương pháp sử dụng các đầu kim nhỏ tác động trực tiếp vào vùng da sẹo, tạo ra những tổn thương giả vi điểm trên da giúp tăng khả năng sản sinh collagen mạnh mẽ. Liệu pháp này dựa vào cơ chế tự làm lành của cơ thể nhằm loại bỏ tế bào cũ và sản sinh tế bào mới.

Phương pháp lăn kim trị sẹo sử dụng dụng cụ lăn kim gồm một bánh lăn nhựa chứa hàng trăm đầu kim siêu nhỏ nối với tay cầm. Độ dài mỗi đầu kim lăn từ 0.2 đến gần 3 milimet tùy mục đích điều trị, tạo ra những vết thương cực kỳ nhỏ trên da. Các tế bào tự làm lành kích thích quá trình sản sinh collagen và elastin khiến da dày và khỏe mạnh từ bên trong, khiến quá trình thay da được rút ngắn từ 3-4 tháng xuống còn 7-10 ngày.

Lăn kim trị sẹo dựa vào cơ chế tự làm lành của cơ thể nhằm loại bỏ tế bào cũ và sản sinh tế bào mới
Lăn kim trị sẹo dựa vào cơ chế tự làm lành của cơ thể nhằm loại bỏ tế bào cũ và sản sinh tế bào mới. Ảnh Internet

Các giai đoạn của phương pháp lăn kim trị sẹo:

  • Giai đoạn 1 : Tạo tổn thương giả để kích thích quá trình lấp đầy sẹo. Trong quá trình lăn kim, những đầu kim nhỏ sẽ tạo ra những vệt xước nhỏ. Nhờ cơ chế tự làm lành của cơ thể tạo ra phản ứng sinh sản mạnh mẽ chuỗi liên kết collagen và elastin, từ từ lấp đầy những vết sẹo bị khuyết sâu vào bên trong. Toàn bộ giai đoạn này sẽ tạo ra những tổn thương giả nên không tránh khỏi tình trạng bị chảy máu ngoài da. Tuy nhiên nếu chọn những địa chỉ uy tín để điều trị thì sẽ không bị chảy máu quá nhiều.
  • Giai đoạn 2 : Cấy tế bào gốc vào da giúp da nhanh tái tạo. PRP - huyết tương tiểu cầu là một dạng tế bào gốc sau khi đã qua quá trình được tách chiết li tâm để lấy những tế bào khỏe mạnh nhất và có khả năng sinh sản cao nhất. Ở giai đoạn này, dưỡng chất tế bào gốc sẽ được đưa sâu trực tiếp vào các lớp tế bào bên trong. Quá trình tái tạo tế bào mới sẽ diễn ra liên tục, đồng thời tế bào cũ sẽ được loại bỏ đi, để lại một làn da mịn màng hơn sau khi điều trị.

2. Ưu điểm và hạn chế của việc lăn kim trị sẹo

Lăn kim trị sẹo bên cạnh hiệu quả mà nó mang lại là những hạn chế mà bạn nên lưu ý cân nhắc trước khi áp dụng.

Lăn kim trị sẹo có những ưu điểm và hạn chế gì so với những phương pháp khác
Lăn kim trị sẹo có những ưu điểm và hạn chế gì so với những phương pháp khác. Ảnh Internet

2.1. Ưu điểm của liệu pháp lăn kim trị sẹo

  • Với cơ chế tự làm lành vết thương theo phản xạ tự nhiên của cơ thể, có thể thấy lăn kim là phương pháp giúp tăng sinh collagen tốt nhất hiện nay mà không cần sử dụng sản phẩm từ bên ngoài.
  • Một phương pháp này có thể điều trị nhiều vấn đề về da: mụn, thâm, sẹo, nám, tàn nhang, da không đều màu,...
  • Lăn kim giúp làm tăng khả năng thẩm thấu dưỡng chất lên 1000 lần.
  • Thời gian điều trị nhanh, không gây tổn thương da kéo dài vì da phục hồi trong vòng 12-24 giờ, còn thời gian tái tạo collagen lại kéo dài từ 1-2 tháng khiến da ngày càng trẻ đẹp.
  • Hiệu quả của quá trình lăn kim trị sẹo được đánh giá là khá cao và lâu bền. Sẹo một khi đã được trị sẽ khỏi hoàn toàn, trừ khi bạn chăm sóc da không kỹ khiến da bị mụn lại và tạo sẹo mới.

2.2. Lăn kim trị sẹo có những hạn chế gì?

  • Phương pháp này sẽ kém hiệu quả với những sẹo rỗ lâu năm.
  • Vì lăn kim là liệu pháp gây ra các tổn thương giả và chảy máu nên rất dễ nhiễm trùng nếu dụng cụ lăn kim không đảm bảo vô trùng. Chưa kể nếu dùng dụng cụ đã qua sử dụng sẽ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như bị mụn rộp, viêm gan B hay thậm chí là HIV.
  • Lăn kim quá nhiều dễ làm vỡ các mao mạch và khiến da bị chai sần, cứng đờ theo thời gian. Thế nên cần phải điều trị trong một thời gian dài với tần suất liệu trình khoảng một lần/tháng.

3. Quy trình lăn kim trị sẹo gồm những bước nào?

Thoa serum dưỡng chất sau khi lăn kim giúp thúc đẩy quá trình tái tạo da
Thoa serum dưỡng chất sau khi lăn kim giúp thúc đẩy quá trình tái tạo da. Ảnh Internet
  • Bước 1 : Khám và kiểm tra da để chuẩn đoán mức độ sẹo. Tùy theo tình trạng của da mỗi người sẽ chọn hình thức điều trị phù hợp.
  • Bước 2 : Làm sạch da mặt trước khi thực hiện lăn kim. Tẩy trang, rửa mặt sạch bằng sửa rửa mặt chuyên dụng.
  • Bước 3 : Ủ tê bằng cách thoa kem ủ tê lên khu vực da được lăn kim. Dùng màng bọc bọc kín vùng da được ủ tê để da hấp thụ kem ủ tê tốt nhất. Thường sẽ ủ tê trong 20-40 phút tùy tác dụng loại thuốc.
  • Bước 4 : Lau mặt và sát khuẩn cho da. Sau khi lau sạch phần thuốc tê trên mặt, dùng dung dịch sát khuẩn để khử trùng cho da. Rửa mặt lại bằng nước muối sinh lý.
  • Bước 5 : Tiến hành lăn kim lên vùng da được xác định và ủ tê trước đó.
  • Bước 6 : Thoa kem tái tạo (serum) để thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào giúp nhanh hồi phục.
  • Bước 7 : Chăm sóc da sau khi lăn kim trị sẹo.

4. Bạn đã biết hết các loại kim lăn của liệu pháp lăn kim?

Tùy vào mục đích điều trị mà chọn sử dụng các loại kim lăn khác nhau. Nếu bạn không biết tình trạng da, sẹo hoặc các vấn đề về da của mình ở mức độ nào thì hãy tới những phòng khám da liễu để chuẩn đoán và tìm loại kim lăn phù hợp với làn da nhé!

Tùy vào mục đích điều trị và tình trạng da mà bạn có thể chọn loại kim lăn thích hợp
Tùy vào mục đích điều trị và tình trạng da mà bạn có thể chọn loại kim lăn thích hợp. Ảnh Internet
  • Đầu kim dài 0.2-0.5 mm: đây là loại kim lăn dưỡng da, chỉ tác dụng lên vùng thượng bì giúp kích thích sản sinh collagen nhẹ khiến da mủn nhẹ khi bạn rửa mặt từ 2-3 ngày sau lăn và hết đỏ sau 1 ngày. Loại kim này phù hợp với những ai da không có quá nhiều sẹo, sẹo không sâu, chủ yếu giúp cải thiện độ sáng và làm mờ các vết thâm. Nếu bạn có ý định lăn kim trị sẹo tại nhà thì nên dùng loại kim này vì nó không tác động nhiều đến làn da.
  • Đầu kim dài 1-1.5 mm: loại đầu kim này không còn ở mức độ dưỡng da thông thường nữa mà dùng để điều trị da sẹo mức trung bình. Những ai có làn da lão hóa hoặc đã có nhiều sẹo hơn thì dùng loại kim này.
  • Đầu kim dài 2-3 mm: dành cho những ai có làn da bị sẹo nặng, sẹo khá lâu năm hoặc lão hóa nặng. Thường khi lăn bằng đầu kim này, da sẽ tạo lớp mài và sau đó bong ra nên bạn cần phải hết sức cân nhắc khi sử dụng, tốt nhất là nên thăm khám và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ.

5. Những lưu ý trong quá trình lăn kim trị sẹo

Những lưu ý bạn nên tham khảo về quá trình lăn kim trị sẹo
Những lưu ý bạn nên tham khảo về quá trình lăn kim trị sẹo. Ảnh Internet
  • Nên chọn những trung tâm uy tín với hệ thống y, bác sĩ có tay nghề cao để điều trị sẹo bằng phương pháp lăn kim.
  • Không lăn kim khi có mụn bọc, mụn mủ và mụn viêm vì lúc này da đang rất yếu và nhạy cảm, dễ làm tình trạng mụn nặng hơn.
  • Phụ nữ ở giai đoạn sau sinh có làn da đặc biệt nhạy cảm cũng không nên điều trị lăn kim trị sẹo.
  • Nên chọn sản phẩm hỗ trợ tốt và phù hợp với da bạn vì khi lăn kim, độ thẩm thấu của da đang ở mức cao nên sản phẩm hỗ trợ không tốt sẽ gây phản tác dụng cho da.
  • Dụng cụ lăn kim còn mới và vô trùng là yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo an toàn cho quá trình trị sẹo. Sử dụng dụng cụ cũ hay bị mòn sẽ gây ra tổn thương quá lớn cho da khiến da khó phục hồi.

6. Chăm sóc da sau lăn kim trị sẹo giúp da nhanh phục hồi

Sau khi lăn kim trị sẹo, da sẽ bị đỏ rát hoặc chảy máu, rất dễ dẫn tới nhiễm trùng nếu không được chăm sóc kỹ và đúng cách. Do đó bạn cần biết một số lưu ý về việc chăm sóc da sau lăn kim trị sẹo.

Bảo vệ và chăm sóc da đúng cách giúp da nhanh chóng phục hồi sau lăn kim
Bảo vệ và chăm sóc da đúng cách giúp da nhanh chóng phục hồi sau lăn kim. Ảnh Internet

6.1. Vệ sinh da đúng cách

  • Trong 3 ngày đầu sau khi lăn kim, chỉ nên sử dụng gạc y tế rửa mặt bằng nước muối sinh lý hoặc nước sôi để nguội. Sau đó dùng gạc khô hoặc khăn bông mềm thấm khô nước.
  • Từ ngày thứ tư trở đi, khi da đã tạo mài, bạn có thể sử dụng các loại sửa rửa mặt dịu nhẹ được bác sĩ khuyên dùng để làm sạch da nhẹ nhàng. Nếu sử dụng kem chống nắng, bạn nên làm sạch da bằng nước tẩy trang dịu nhẹ. Tránh vệ sinh mạnh tay khiến bong tróc lớp mài làm mất hiệu quả của liệu trình trị sẹo.
  • Đảm bảo tay phải sạch trong quá trình vệ sinh bạn nhé!

6.2. Chống nắng cho da hậu lăn kim trị sẹo

Da cần được bảo vệ khỏi ánh nắng và các tác động xấu để nhanh phục hồi
Da cần được bảo vệ khỏi ánh nắng và các tác động xấu để nhanh phục hồi. Ảnh Internet
  • Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da sau lăn kim là vô cùng cần thiết, nhất là trong thời gian da đang tái tạo và phục hồi. Sau 3 ngày là bạn đã có thể sử dụng lại kem chống nắng , tuy nhiên với những làn da quá nhạy cảm, bạn chỉ nên che chắn cẩn thận khi ra ngoài. Tốt nhất nên hạn chế để da mặt tiếp xúc ánh nắng và nhiệt độ cao càng nhiều càng tốt.
  • Bạn nên sử dụng kem chống nắng dạng sữa hoặc gel kem dễ thẩm thấu vào da, không gây bêt dính. Xem kỹ bảng thành phần để tránh những chất dễ gây kích ứng cho da. Sau khi da đã lành bạn cũng nên duy trì thói quen dùng kem chống nắng mỗi ngày để bảo vệ da khỏi tác động xấu.

6.3. Tìm hiểu rõ về các loại thuốc hay dưỡng chất sử dụng sau lăn kim

  • Nếu bạn chọn điều trị tại các trung tâm hay cơ sở làm đẹp uy tín, bác sĩ sẽ kê đơn những dưỡng chất giúp phục hồi và điều trị cần thiết, bạn chỉ cần chọn mua sản phẩm chính hãng để sử dụng.
  • Nhưng nếu bạn lăn kim trị sẹo tại nhà hoặc muốn tự mua các loại các sản phẩm hỗ trợ thì nên tìm hiểu thật kỹ thành phần và tác dụng của từng loại thuốc đó. Vì độ thẩm thấu của da trong giai đoạn này là rất cao, da lại đang trong tình trạng cực kỳ nhạy cảm nên chỉ cần một chất trong sản phẩm hỗ trợ gây kích ứng da thôi cũng sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình điều trị.

6.4. Các thói quen sinh hoạt và ăn uống hàng ngày

Cần bổ sung các loại vitamin và dưỡng chất cho da bằng các loại rau quả tươi
Cần bổ sung các loại vitamin và dưỡng chất cho da bằng các loại rau quả tươi. Ảnh Internet
  • Không nên dùng mỹ phẩm trang điểm. Từ ngày thứ 7 trở đi có thể trang điểm nhẹ, nhưng tốt nhất là để da bình hục hẳn mới sử dụng sản phẩm trang điểm.
  • Tránh vận động quá nhiều hoặc chơi các môn thể thao như bơi lội vì việc này khiến da ra rất nhiều mồ hôi làm chậm quá trình lành da, chưa kể nước trong hồ bơi chưa hẳn đã đảm bảo vệ sinh, dễ gây nhiễm trùng da lắm đó!
  • Không nên cạo hay gỡ mài mà hãy để mài bong tự nhiên.
  • Không ăn các loại thức ăn cay nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ. Không ăn hải sản, thịt bò, rau muống,... hoặc những thực phẩm dễ gây sẹo lồi, làm đen vêt thương trên da.
  • Không nên uống bia, rượu hay cà phê và các chất kích thích. Không nên uống quá nhiều sữa, nhất là sữa bò, vì theo các chuyên gia, sữa dễ gây nổi mụn cho da mặt. Chất nội tiết androgen khiến da mặt tiết nhiều bã nhờn, làm tắc lỗ chân lông gây mụn.
  • Ăn nhiều hoa quả chứa vitamin C và rau xanh có tính mát, các loại thực phẩm giàu đạm như đậu, thịt, cá ,trứng sẽ khiến da mau chóng lành lại.
  • Không thức khuya, ngủ đủ giấc và uống nhiều nước cũng giúp da phục hồi nhanh chóng.

7. Những câu hỏi thường gặp về lăn kim trị sẹo

Những thắc mắc xoay quanh phương pháp lăn kim trị sẹo
Những thắc mắc xoay quanh phương pháp lăn kim trị sẹo. Ảnh Internet

7.1. Lăn kim có đau không?

Câu trả lời là có nhé! Tuy nhiên tùy vào ngưỡng chịu đau của mỗi người mà mức độ đau sẽ khác nhau. Ngoài ra còn tùy thuộc vào mục đích điều trị và dụng cụ lăn kim, nếu lăn kim trị sẹo nặng thì mức độ đau tất nhiên sẽ cao hơn so với điều trị sẹo nhẹ. Dù vậy việc ủ tê và dùng thuốc giảm đau cũng đã làm giảm thiểu cơn đau ở mức tối thiểu nên bạn không nên quá lo lắng về vấn đề này.

7.2. Những trường hợp nào không nên lăn kim?

  • Nếu da bạn đang có mụn viêm, mụn mủ thì không nên lăn kim vì sẽ khiến mụn lây lan nhiều hơn.
  • Da quá mỏng, nhạy cảm hoặc ngược lại, có lớp sừng quá dày, cũng không thích hợp lăn kim trị sẹo.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên lăn kim trị sẹo. Lăn kim là quá trình kích thích sản xuất collagen nên cần nhiều vitamin, trong khi đó việc mang thai và cho con bú cũng cần cung cấp vitamin cho mẹ và bé nên dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt dưỡng chất.

7.3. Có nên lăn kim trị sẹo tại nhà không?

Lăn kim tại nhà liệu có thực sự an toàn?
Lăn kim tại nhà liệu có thực sự an toàn? Ảnh Internet
  • Nếu da bạn không có nhiều sẹo và bạn chỉ lăn kim với mục đích dưỡng da, xem nó như một bước chăm sóc da định kỳ thì bạn có thể thử lăn kim tại nhà. Dù vậy tốt nhất nên đến các trung tâm uy tín để thăm khám da cũng như chuẩn đoán mức độ sẹo để có liệu trình phù hợp nhất.
  • Lăn kim tại nhà có thể không đảm bảo được điều kiện vệ sinh an toàn. Chưa kể loại kim bạn mua về chưa chắc đã tốt, chỉ cần kim bị gỉ sét hoặc không đảm bảo đủ độ sắc cũng có thể làm tổn thương da bạn nghiêm trọng.
  • Quá trình ủ tê không đạt hiệu quả có thể gây đau đớn và khiến tình trạng da bị phù nề nặng hơn.
  • Lăn kim không đúng kỹ thuật, quá nhẹ hoặc quá mạnh, có thể khiến liệu trình không hiệu quả hoặc làm da bị tổn thương nhiều hơn.
  • Các loại sản phẩm hỗ trợ điều trị hoặc chăm sóc da sau khi lăn kim không được qua kiểm chứng của bác sĩ nên có thể không phù hợp và gây ra các kích ứng nghiêm trọng cho làn da.

7.4. Chi phí cho một lần điều trị là bao nhiêu?

Chi phí điều trị luôn là nỗi đắn đo của chị em, tuy nhiên đừng vì ham rẻ mà chọn dịch vụ kém chất lượng nhé!
Chi phí điều trị luôn là nỗi đắn đo của chị em, tuy nhiên đừng vì ham rẻ mà chọn dịch vụ kém chất lượng nhé! Ảnh Internet

Tùy vào thương hiệu, máy móc, sản phẩm điều trị, tay nghề bác sĩ,... mà bạn có thể tìm cho mình nơi điều trị phù hợp nhất.

Chi phí cho lăn kim trị sẹo lần đầu tiên dao động từ 1 triệu đến 2 triệu. Bạn có thể được giảm bớt chi phí cho những lần lăn kim sau. Một liệu trình điều trị sẹo nặng thường bao gồm không quá 5 lần lăn kim. Còn về sản phẩm điều trị thì mỗi nơi mỗi khác, dao động từ vài trăm đến 1-2 triệu một lần lăn kim. Như vậy chi phí cho cả một liệu trình lăn kim trị sẹo dao động từ 2-3 triệu ở các spa nhỏ và từ 4-8 triệu tại các bệnh viện hoặc trung tâm uy tín.

Phương pháp lăn kim trị sẹo giống như một "vị cứu tinh" cho những làn da có khuyết điểm cần khắc phục, đặc biệt là làn da bị sẹo lõm khó chữa bằng mỹ phẩm thông thường. Dù hiệu quả mang lại rất đáng để thử nhưng bên cạnh đó, phương pháp này cũng không phải hoàn toàn vô hại. Chuyên mục làm đẹp chúc các chị em sớm có được một làn da đẹp và khỏe mạnh, đồng thời hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin cũng như chọn điều trị tại các bệnh viện, trung tâm uy tín, sử dụng dịch vụ làm đẹp một cách thông minh để tránh "tiền mất tật mang" nhé!

Nguyễn Diệp tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI