Làm thân con gái chớ đi… đẻ mướn

(Yeutre.vn) Đây đã là lần thứ năm chị sinh nở. Vậy mà trông điệu bộ của chị cứ như người mới sinh lần đầu.

banner ads

6016-sinh-coni1-550x343.jpg

Đã sinh con đến lần thứ 5 vậy mà chị vẫn luống cuống như lần đầu.

Trong cái mớ quần áo vùi nhúi nơi góc giường, chị lục tìm cái gì đó xem chừng vội vã. Đứa trẻ đỏ hỏn nằm lọt thỏm trong cái nôi đòng đưa tự động, chả nghe thấy tiếng khóc oe oe quen thuộc. Chị cho nó bú căng một bụng tròn thành ra bây giờ có lẽ nó đang mơ giấc mơ đẹp đẽ về cuộc đời mà nó vừa chào chỉ cách đây hai ngày.

Có tiếng lộc cộc gõ lanh tanh hút theo con hẻm cụt chỉ vừa một người đi bộ vào đến căn phòng trọ, nơi chị đang ở. Chẳng cần phải mục sở thị chị cũng nhận ra thứ âm thanh ấy ngay từ khi nó kịp vào đến cái ngõ tồi tàn này. Người phụ nữ trùm khăn kín mít từ đầu đến chân vẫn hay vào ra nhà chị có thói quen đi giày cao gót. Chị ta chẳng bao giờ tạo thêm thứ âm thanh nào khác khi sang trọng bước vào nơi ẩm thấp của khu trọ này ngoài thứ thanh âm của tiếng giày cao gót nện đều trên thềm gạch cũ. Chẳng nghe thấy một lời nói nào, mươi mười phút sau, chị ta bế đứa trẻ còn say giấc lạnh lùng bước đi như cơn gió cuối thu. Chị, người phụ nữ của căn phụ trọ xập xệ ấy đỏ hoe nước mắt, cuống cuồng lao ra, tay cố bấu vào khung cửa ọp ẹp nhìn đau đáu về phía người đàn bà đi vội. Chị ta đã lấy đi thứ gì đó quan trọng nhất của chị.

Chị ngồi đó, nơi cánh cửa chẳng buồn kêu cót két, khóc gào lên như đứa trẻ mất quà.

Nhà chị nghèo. Một đôi bữa trong ngày không có cái ăn là chuyện thường. Em út nheo nhóc. Mẹ già bệnh nặng. Thôi thì thân chị đành theo con tạo xoay vần.

Chị lên Hà Nội làm thuê. Ai mướn đâu làm đó. Làm được bao nhiêu chị lại gom góp từng đồng gửi về quê nuôi mẹ, nuôi em. Ngày qua ngày đủ sống, chị chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện có được món tiền lớn. Chỉ mong sao đủ lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà ở quê là chị đã thấy mãn nguyện. Hàng ngày, giờ nào rảnh rang chị lại lân la tìm đến các quán ăn đêm nhặt nhạnh dăm cái chai nhựa. Ngó chừng vậy thôi chứ đến tháng tiền ve chai cũng đủ mua được bao gạo cho cả tháng.

Rồi những câu chuyện rôm rả hàng ngày trong các quán cóc vỉa hè cũng theo chị về lạnh tanh một góc phòng loang lổ vết mưa.

Đẻ mướn. Ai đó trong khu nhà gần nơi chị trọ cần một người đẻ mướn. Loáng thoáng được chừng như thế nhưng chị cũng chẳng biết thực hư thế nào. Chỉ biết rằng nghe đâu đẻ mướn cũng kiếm được bộn tiền nên chị bỗng thấy ham. Mà không ham sao được. Cả đời dành dụm, chắt bóp lắm có kiếm được mấy trăm triệu bỏ túi không. Huống hồ gì chị còn nuôi cả 4 miệng ăn. Nghĩ thế, chị đành liều tìm bằng được người cần đẻ mướn.

Dò hỏi đầu này đầu kia, chị cũng tìm được người cần tìm. Nhưng người này hóa ra cũng chỉ là cò mồi. Chỉ có chị mới ngây thơ nghĩ rằng người cần đẻ mướn ở gần ngay nơi mình trọ.

Từ mối cò này, suốt 8 năm qua, chị làm thân đẻ mướn thay vì phải mưu sinh bằng đủ mọi nghề nơi thành đô. Trong từng ấy năm, tính đến nay chị đã qua năm lần sinh đẻ. Căn phòng trọ chỉ vừa một người sinh hoạt đã cưu mang những năm đứa trẻ vậy mà chẳng có đứa nào ở lại với chị.

4577-dau-hieu-mang-thai-31-550x343.jpg

Mỗi lần có mối mới, ít lâu sau chị lại bụng mang dạ chửa.

Mỗi lần có mối mới, chỉ ít lâu sau người ta lại thấy chị bụng mang dạ chửa. Những người nhờ chị sinh dùm đều là hàng đại gia. Người vô sinh cũng có, người lười sinh vì sợ mất dáng cũng có. Trong số đó lại không chỉ có phụ nữ. Có lần chị còn chẳng biết đến mặt mũi người mẹ đứa bé là ai. Suy cho cùng, chị cũng chỉ là người làm công. Đẻ mướn cơ mà. Người ta mướn chị ắt cho chị tiền. Mà tiền ấy hẳn cả món lớn chứ chẳng bõ bèn như dăm ba đồng chị thu lượm từ mớ ve chai. Ấy thế mà đã qua bao lần tiền lớn vào tay, chị lại chẳng giữ được đồng nào.

Kể từ khi chị vừa sinh xong lứa đầu, mẹ chị từ chỗ bệnh tật lại quay sang nằm liệt một chỗ. Đứa em ngỗ nghịch chẳng biết thương chị lại gây gỗ đánh nhau đến nỗi phải vào tù. Thân chị chạy vạy lắm mới lo dàn xếp xong xuôi mọi chuyện. Vậy là sau lần đầu tiên sinh nở thề sống chết không làm nghề đẻ mướn chị lại cứ xuôi chân cho đến tận bây giờ. Mỗi lần đi sanh, chị thông báo cho người ta được hay rồi tự khăn gói, gọi taxi đi viện. Gặp người tử tế họ còn cho người chăm sóc chị lúc ở viện rồi đón con sau đó. Nếu không, chị phải tự biết lo lấy thân từ việc nhỏ nhất dù mới sinh xong. Nhiều lúc thấy người kế bên có chồng, có mẹ săn sóc, kẻ làm mướn như chị bỗng dưng tủi phận, rơi cả nước mắt. Chưa kể, trong số những người mướn chị, có người còn không để chị cho con bú. Họ sợ dòng máu thấp hèn của chị không xứng để nuôi con họ. Đứa trẻ khóc nghít vì đói sữa mẹ vẫn phải chờ để được uống sữa ngoài.

Dẫu biết đây chỉ là công việc của kẻ làm thuê, nhưng người đàn bà trong chị vẫn thèm thuồng được sống cái tình mẫu tử thiêng liêng mà lẽ ra chị có quyền được sống. Cứ đến ngày phải giao con, người ta lại thấy chị luống cuống, lóng ngóng như thể người sinh con lần đầu. Ai đâu có hay lòng chị như cắt từng khúc ruột, nơm nớp đợi chờ tới giây phút nhìn đứa con mình mang nặng đẻ đau được đưa đi. Không ai gọi những người đẻ mướn như chị là mẹ vậy nên chị cũng chẳng có cái quyền được làm mẹ. Cái quyền duy nhất của chị là mang bầu. Thành ra, những lúc chị chắp tay quỳ xin đừng mang con đi người ta cứ lạnh lùng hất đi và giục vào người chị gói tiền như đã thỏa thuận.

Hôm nay cũng thế, chị lại ngồi khóc như trẻ con mất quà khi người đàn bà đến mang con đi. Lại một lần nữa, những vết loang lổ trên tường ỉ ẩm nước mưa làm tê cóng trong chị một nỗi khát khao được làm mẹ. Rồi đây, chị lại tiếp tục những ngày tháng tự mình lo lấy thân mình. Lại tự mua thuốc thang, đồ ăn thức uống tẩm bổ để lấy lại sức bên chiếc nôi còn đong đưa kẽo kẹt và mớ đồ sơ sinh còn thơm mùi dầu khuynh diệp.

Gạt nước mắt và nỗi đau không biết tỏ cùng ai, chị húp vội bát cháo lạnh rồi lên giường nằm. Chiếc giường trinh nguyên, không mùi đàn ông, chỉ có mùi con trẻ vậy mà đã qua những năm bầu bì, lót ổ. Thế nên, chị thường tỉ tê “làm thân con gái chớ đi đẻ mướn”.

Cơn gió chiều ngang qua con hẻm hẹp, khép cót két cánh cửa xập xệ, đóng hờ…

Yeutre.vn

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI