Hướng dẫn chế biến 10 món ăn bổ dưỡng cho trẻ vừa ốm dậy

Trẻ nhỏ mới ốm dậy sức đề kháng còn rất yếu, vị giác cũng kém và biếng ăn hơn. Vì vậy, để con mau khỏe, mẹ nên chế biến những món ăn bổ dưỡng, thơm ngon, đẹp mắt để kích thích vị giác và giúp con mau chóng hồi phục.

banner ads

1. Cháo lươn

Cháo lươn

Lươn được biết đến là thực phẩm giàu dinh dưỡng và cũng là vị thuốc có tác dụng bồi bổ khí huyết, chống phong thấp, cực tốt cho người vừa ốm dậy.

Nguyên liệu:

banner ads
  • 300g lươn sống
  • 1/3 bát con gạo tẻ
  • Nước luộc gà
  • Gia vị, rau mùi, hành khô

Cách nấu: Bước 1: Để có thể tận dụng hết giá trị dinh dưỡng từ lươn, mẹ chỉ nên rửa sạch nhớt lươn với muối, sau đó đem luộc chín và gỡ lấy thịt cùng cục máu đông trong bụng.

Bước 2: Phi thơm hành tỏi, sau đó cho thịt lươn vào xào chín, nêm chút gia vị cho đậm đà.

Bước 3: Cho gạo tẻ vào nồi nước dùng, đun sôi và để lửa nhỏ liu riu cho chín nhừ.

Bước 3: Khi nồi cháo chín, thả thịt lươn đã xào sẵn ở trên vào. Cho thêm chút rau thơm thái nhỏ khi ăn là được.

Nếu trẻ dưới 1 tuổi, không cần cho thêm các loại rau thơm. Cho trẻ ăn khi nóng để nhanh hồi phục sức khỏe.

2. Cháo cá hồi, bí đỏ

Cháo cá hồi bí đỏ

Nguyên liệu:

  • 0,5kg xương cá hồi
  • Vài lát bí đỏ
  • 1/3 bát con gạo tẻ
  • Hành, mắm muối

Cách chế biến: Bước 1: Rửa sạch xương cá hồi bằng cách ngâm với chút giấm, đem chần nước sôi có thả vài lát gừng. Sau đó thì gỡ phần thịt để riêng, phần xương đem ninh nhừ và lọc lấy nước.

Bước 2: Cho gạo vào nồi nước cá hồi nấu thành cháo chín nhừ.

Bước 3: Thịt cá hồi đem thái nhỏ hoặc đánh tơi, phi thơm hành và xào chung, nêm chút gia vị.

Bước 4: Bí đỏ cắt miếng nhỏ, cho vào nồi khi nồi cháo đã chín và nấu nhừ bí đỏ. Khi bé ốm dậy, bé sẽ gặp khó khăn trong việc nhai, vì vậy, nấu nhừ bí đỏ và cháo sẽ giúp bé dễ ăn hơn.

Bước 5: Cuối cùng, cho thịt cá hồi vào, rắc chút hành hoa cho thơm.

3. Súp gà

Súp gà

Súp gà rất tốt cho trẻ vừa ốm dậy, chán ăn, cảm lạnh, viêm họng.

Nguyên liệu:

  • 15gr thịt gà băm nhuyễn
  • 1 cái nấm hương băm nhuyễn
  • 1 mộc nhĩ băm nhuyễn
  • 1 trứng gà
  • 1 thìa cafe bột sắn
  • 200ml nước

Cách chế biến: Cho thịt gà vào nồi nước và đun sôi lên, tiếp tục cho nấm hương, mộc nhĩ vào nấu cùng. Khi thấy nồi súp sôi lớn, hòa một ít bột sắn với nước và đổ từ từ vào, dùng đũa đảo đều để không vón cục. Cuối cùng cho lòng đỏ trứng gà vào và nấu nồi súp thật chín. Nêm một chút gia vị rồi tắt bếp.

4. Súp khoai tây thịt bò

Súp khoai tây thịt bò

Nguyên liệu:

  • 30g thịt nạc bò
  • 30g cà rốt
  • 30g khoai tây
  • Hành, mùi

Cách chế biến: Bước 1: Gọt vỏ khoai tây, cà rốt cắt miếng cho vào cối xay mịn.

Bước 2: Thịt bò xay nhuyễn và đánh đều với 30ml nước. Sau đó cho thịt bò nấu chín với một ít nước.

Bước 3: Nồi thịt bò sôi mẹ đổ khoai tây, cà rốt (đã xay nhuyễn) vào đun chín.

Bước 4: Cuối cùng cho một chút rau mùi vào để tạo vị thơm, nêm gia vị, tắt bếp. Cho bé ăn khi nóng.

5. Canh gà ác hầm

Canh gà ác hầm

Nguyên liệu:

  • 1 con gà ác
  • 30g đậu đen
  • 3 nấm hương
  • Đường, hạt nêm

Cách chế biến: Bước 1: Làm sạch gà ác, sau đó để ráo.

Bước 2: Đậu đen, nấm hương đem ngâm thật mềm.

Bước 3: Cho gà, đậu đen, nấm hương vào nồi nước đầy và bắc lên bếp đun sôi. Thấy nồi nước hầm gà sôi bùng, vặn lửa liu riu. Hầm khoảng 1 tiếng, gà mềm nhừ nêm chút đường, hạt nêm cho đậm đà.

Bước 4: Đổ nước hầm gà ra một chén nhỏ, xé thịt gà thật tơi để bé sau ốm dậy dễ ăn.

6. Gà tần ngải cứu

Gà tần ngải cứu

Ngải cứu được coi là vị thuốc bổ trong Đông y. Đây là loại cây có nhiều công dụng giúp người bệnh lưu thông máu lên não, an thai, trị mụn, kinh nguyệt. Đối với trẻ nhỏ vừa ốm dậy, ngải cứu giúp cơ thể mau chóng phục hồi, da hồng hào, máu lưu thông tốt.

Nguyên liệu:

  • 1 đùi gà
  • 1 mớ rau ngải cứu
  • 1 gói gia vị thuốc bắc hầm gà
  • Nghệ tươi
  • Hạt nêm, dầu ăn

Cách chế biến: Bước 1: Gà rửa sạch cho vào nồi ướp cùng gia vị thuốc bắc, nghệ tươi, hạt nêm khoảng 1 tiếng.

Bước 2: Tiếp tục cho ngải cứu vào nồi ướp gà, thêm chút hạt nêm đảo đều lên cho thấm. Ướp 30 phút.

Bước 3: Sau khi ướp xong, cho gà vào nồi, đổ 1 bát nước và hầm. Khi lửa sôi bùng,vặn lửa liu riu. Gà chín là có thể múc ra bát cho bé ăn. Mẹ lưu ý, khi hầm gà không nên dùng đũa đảo làm nát rau. Khi ăn, nên xé nhỏ cho bé vì trẻ vừa ốm dậy gặp khó khăn trong việc nhai.

7. Súp cà chua sữa

Súp cà chua sữa

Khi ốm dậy, tủ lạnh thường đau rát, vì vậy, món ăn này sẽ giúp trẻ giảm đau họng, dễ nuốt.

Nguyên liệu:

  • 2 muỗng canh cà chua
  • Tỏi, lá nguyệt quế
  • 1 củ hành tây
  • Bột ngô, dầu ăn, rau mùi

Cách chế biến: Bước 1: Hòa bột ngô ra một bát riêng và để nguội.

Bước 2: Phi thơm tỏi cùng lá nguyệt quế cho đến khi chuyển sang màu nâu, tắt bếp.

Bước 3: Đổ hành tây vào xào chín (hành tây xắt hạt lựu), khi hành tây chín cho cà chua vào đảo đều. Đổ một chút nước và nấu nhuyễn.

Bước 4: Đổ súp cà chua ra một chén nhỏ cho nguội, sau đó rây thật mịn và sánh.

Bước 5: Cho súp đã rây lên bếp đun nóng. Hỗn hợp sôi, đổ bột ngô vào đảo đều, cuối cùng rắc lá nguyệt quế và tỏi đã phi sẵn vào, tắt bếp (mẹ có thể không cần cho tỏi nếu bé không thích vị này).

Bước 6: Bát súp nguội 30% thì đổ sữa tươi vào và đảo đều, cho bé thưởng thức.

8. Cháo hành tây, thịt bò

Cháo hành tây thịt bò

Hành tây có tác dụng giảm cảm, long đờm cực hiệu quả. Kết hợp cùng thịt bò sẽ bổ sung năng lượng cho bé.

Nguyên liệu:

  • 1/3 bát con gạo tẻ
  • Hành tây 1/2 củ
  • Thịt bò 50g
  • Rau mùi

Cách chế biến: Bước 1: Rửa sạch thịt bò, băm nhỏ, hòa với chút nước cho nhuyễn.

Bước 2: Hành tây thái hạt lựu, xào chín.

Bước 3: Nấu cháo chín nhừ. Khi cháo chín cho thịt bò và hành tây vào nhanh tay đảo đều, nêm chút gia vị cho đậm đà.

Bước 4: Nồi cháo chín, rắc rau mùi, tắt bếp, cho bé ăn nóng.

9. Cháo đậu xanh tía tô

Cháo đậu xanh tía tô

Tía tô có tác dụng giúp trẻ ra mồ hôi, giải cảm nhanh. Nấu cùng đậu xanh, món cháo sẽ dễ ăn và bổ dưỡng.

Nguyên liệu

  • 50g đậu xanh
  • Lá tía tô
  • 1/4 bát gạo tẻ

Cách chế biến: Bước 1: Rửa sạch đậu xanh, ngâm 30 phút cho mềm.

Bước 2: Bắc bếp nấu cháo chín. Nồi cháo chín mẹ đổ đậu xanh vào nấu cùng. Sau đó nêm thêm một chút muối cho đậm đà.

Bước 3: Khi cháo đậu xanh chín mềm, rắc lá tía tô, tắt bếp, cho bé ăn nóng.

10. Trứng gà, hà thủ ô

Trứng gà

Hà thủ ô rất tốt cho người vừa ốm dậy, thiếu máu, ngủ không sâu, mộng mị... Kết hợp với trứng gà sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe, bổ sung đạm.

Nguyên liệu:

  • 1 quả trứng gà
  • 25g hà thủ ô

Cách chế biến: Đun hà thủ ô với nước trong 30 phút, để lửa nhỏ liu riu. Sau đó, đập trứng vào đun cùng khoảng 60 phút là được. Khi ăn có thể cho thêm chút đường. Cho bé ăn từng ít một nhiều lần trong ngày.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm:

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI