1. Công dụng của tỏi đen
- Tỏi đen là thực phẩm có giá trị sinh học và dinh dưỡng cao với vị chua ngọt dịu, mùi thơm, không hăng cay. Ngoài ra, hàm lượng lipid, carbohydrate, protein của tỏi đen luôn ở trạng thái cân bằng lại chứa đầy đủ 18 acid amin nên dễ hấp thu. Đặc biệt, hàm lượng chất chống oxy hóa của tỏi đen cao hơn nhiều lần so với tỏi tươi, nhất là polyphenol.
- Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, dịch chiết ra từ tỏi đen có tác dụng kháng tế bào khối y, từ đó giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư rất tốt. Ngoài ra, tỏi đen còn có nhiều công dụng tuyệt vời như giảm mỡ gan, mỡ máu; tiêu độc, chống viêm nhiễm, tăng sức đề kháng, tăng cường sinh lực, chống sự lão hóa, làm giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường,....
2. Nguyên liệu để làm tỏi đen
- 1kg tỏi tươi
- 1 lon bia (loại bia nào cũng được)
- Nồi cơm điện
- Cuộn giấy bạc
- Túi bóng nilong
- Bát tô hoặc thau nhựa
- Kéo, băng dính
3. Cách làm tỏi đen
Bước 1: Chọn tỏi có tép to và đều nhau
- Để có thể làm tỏi đen được thơm ngon, nên lựa chọn những củ tỏi to, đẹp, đều nhau và được trồng từ những vùng trồng tỏi nổi tiếng của Việt Nam như Đà Lạt, Phan Rang, Lý Sơn, Hải Dương,... Tốt nhất là nên chọn tỏi cô đơn vì giàu dưỡng chất, nhưng loại tỏi này khá đắt khoảng 1 triệu đồng/kg. Vì vậy, có thể chọn tỏi tép cũng được và tuyệt đối không mua tỏi Trung Quốc.
- Tỏi mua về bóc đi lớp vỏ mỏng nhất bên ngoài, cắt đi những phần cuống tỏi dài, rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn và để ra rổ cho ráo nước.
Bước 2: Ngâm tỏi cùng với bia để ngấm men vi sinh
- Cho tỏi vào thau nhựa sạch hoặc nồi inox, đổ đều bia lên trên sao cho bia ngập đều toàn bộ tỏi và ngâm trong khoảng 30 phút để ngấm men vi sinh của bia. Trong đó, 1 lon bia sẽ tương ứng với 1kg tỏi và có thể sử dụng loại bia tùy thích. Khi ngâm, cứ 5 phút thì đảo tỏi một lần để tỏi nhanh ngấm men vi sinh.
Bước 3: Tiến hành ủ tỏi bằng giấy bạc
- Chuẩn bị một tờ giấy bạc to đã trải đều, rồi cho tỏi đã ngâm xếp ra giấy bạc và bọc kín giấy bạc xung quanh tỏi. Lưu ý là phải xếp tỏi ngay khi lấy ra khỏi thau bia và không được để tỏi bị hở, nếu không thì tỏi không lên men được, khi làm tỏi đen sẽ không có màu đen.
Bước 4: Ủ tỏi trong nồi cơm điện
- Cho tỏi có gói giấy bạc vào nồi cơm điện, bật nút warm và giữ ấm trong 2 tuần. Khi làm nhớ dùng màng bọc thực phẩm để bọc kín xung quanh nồi cơm điện nhằm giữ nhiệt tốt hơn. Trong thời gian ủ men, cần thường xuyên mở nồi cơm điện để kiểm tra tỏi và không được mở nắp quá 2 phút.
- Trong 2 tuần, tỏi sẽ chuyển từ màu trắng sang màu nâu, rồi thành màu đen; đồng thời hàm lượng carbohydrate sẽ tăng từ 28,7% lên tới 47,9%. Điều này lý giải tại sao tỏi đen lại có vị ngọt của trái cây.
Bước 5: Sấy khô tỏi đen
- Sau thời gian ủ tỏi trong nồi cơm điện thì lấy tỏi ra và phơi khô tự nhiên hoặc sấy khô bằng máy sấy. Khi tỏi đạt yêu cầu là có vị hơi ngọt chua, bùi và không còn mùi nồng ban đầu của tỏi. Cuối cùng, có thể bảo quản trong túi giấy hoặc bóc vỏ ra, cho vào hũ thủy tinh và để trong ngăn mát tủ lạnh ăn dần.
Bước 6: Cách dùng tỏi đen
- Tỏi đen có thể bóc vỏ ăn ngay hoặc kết hợp với các món ăn hàng ngày hay ngâm rượu tỏi đen, chế biến thành nước ép tỏi đen. Số lượng tỏi đen khuyên dùng là 2 - 3 củ/ngày với hạn sử dụng 18 tháng. Nếu biết dùng tỏi đen đúng cách và đúng liều lượng thì sẽ giúp cơ thể hấp thụ tối đa các dưỡng chất, phòng ngừa, điều trị nhiều bệnh hiệu quả.
Với cách làm tỏi đen bằng nồi cơm điện đơn giản và tiện lợi trên, chắc chắn sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều chi phí cũng như bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Ngoài ra, tỏi đen còn có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu để chế biến thành các món ăn hấp dẫn và bổ dưỡng.
Hà Vy - Tổng hợp